Hai vụ khống chế, cướp phá và đâm chìm tàu cá ngư dân vừa liên tiếp xảy ra. Một, với tàu cá của ngư dân Võ Quang Thái khi đang thả lưới đánh bắt ở tọa độ 15057’ vĩ độ Bắc và 111048’ kinh độ Đông (thuộc vùng biển Hoàng Sa, Việt Nam). Hai là tàu cá KH 96640TS cũng tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa.
Tàu cá của ông Thái bị đập phá, cắt đứt ngư lưới cụ, cướp bóc lương thực, hải sản. Còn tàu cá KH 96640TS, tệ hơn, bị đâm chìm mà 48 giờ qua khiến 5 ngư dân phải lênh đênh trôi dạt trên biển. Đằng sau đó là nỗi lo về tính mạng và 5 gia đình khuynh gia bại sản.
Đã không còn là chuyện “tàu lạ nữa”. Lần này tàu Trung Quốc đã trắng trợn đến mức chẳng buồn che giấu những hành động “y như cướp biển” của mình.
Xin được đưa ra một hình ảnh đối lập. Tờ Petrotime đưa ra một con số: Chỉ riêng tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã có 100.000 ngư dân. Lực lượng này được chính quyền Hải Nam cung cấp hỗ trợ trong việc đóng tàu lớn, trợ cấp nhiên liệu khi đánh bắt (bất hợp pháp) trên Biển Đông, thậm chí được “đào tạo năng lực tự vệ”. Đó là còn chưa kể, một số tàu cá Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông còn “lớn hơn cả một số tàu chiến hải quân của các nước Đông Nam Á”. Trên “tiền tuyến Biển Đông” - theo Reuters - 50.000 tàu cá như một thứ “vũ khí bí mật lợi hại” của Trung Quốc với thiết bị định vị vệ tinh kết nối với hải cảnh được lắp đặt trong trường hợp “có biến”. Tại đảo Hải Nam, các chủ tàu cá chỉ phải trả chưa đầy 10% chi phí cho việc lắp đặt hệ thống này, Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ phần còn lại.
Nhiều ngư dân ở Hải Nam cho phóng viên Reuters biết, chính quyền khuyến khích họ đến đánh bắt ở những vùng biển tranh chấp, còn chi phí xăng dầu sẽ do chính quyền lo.
Và Petrotime nhận xét một khi tràn ra Biển Đông, số tàu cá này đã chẳng khác gì một đội dân binh khổng lồ, một biển người. Đang có một sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa một bên là những chiếc tàu cá đơn độc, và một bên là “biển người” với những mối dây chặt chẽ!
Xin hãy giúp đỡ ngư dân - những người vẫn được ví như cột mốc trên biển, ít nhất hãy bằng việc nói đúng về những gì họ phải chịu đựng, ít nhất, bằng việc lên tiếng để bảo vệ họ.
ĐÀO TUẤN