Tôi có ông chú vợ sống ở một tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Hồi tháng 5, trong một cuộc điện thoại thăm nom, tôi hỏi chú chuyện ruộng đồng vườn tược. Chú cười khan nói: “Ruộng cháy khô nứt nẻ, làm gì được đâu. Chú đang chơi không hà”. Rồi như sợ vợ chồng tôi lo lắng, chú trấn an rằng: nghe đâu tới tháng 6 có tiền cứu nạn từ Trung ương. Có tiền người ta sẽ nạo vét hồ chứa, khơi kênh rạch dẫn nước về đồng; có tiền chú cũng sắm thêm cái máy bơm nước để chạy. Khỏi lo nghen.
Bây giờ là đầu tháng 9. Hôm 25/8, khi Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người ta mới biết hơn 2.000 tỷ đồng cứu trợ cho các tỉnh ĐBSCL vẫn còn treo ở đâu đó, chưa tỉnh nào rút được một xu. Số tiền này theo kế hoạch phải được phân bổ trong tháng 5 và 6, mỗi tỉnh được khoảng 80 tỷ, để khắc phục hậu quả hạn mặn, hỗ trợ nông dân tiếp tục làm ăn, canh tác.
Đây chỉ là một trong vô vàn ví dụ về sự chậm trễ giải ngân của những chương trình cứu trợ; chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về sự dang dở trong điều hành, xử lý những việc cấp bách liên quan đến số phận của hàng trăm nghìn người dân. Ở miền Trung, 4 tháng sau sự cố nhiễm độc biển do Formosa gây ra, ngư dân vẫn gác mái chèo chờ đợi, nhìn ngư cụ rỉ sét, xuống cấp từng ngày. Việc thống nhất số tiền bồi thường đã hoàn thành từ tháng 6. Đến nay, Formosa đã chuyển xong 500 triệu USD, nhưng phương án phân bổ kinh phí bồi thường, hỗ trợ ngư dân vẫn chưa có. Tôi không biết phải bao nhiêu lâu nữa, những đồng tiền ít ỏi mới đến được với người dân.
Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã thống nhất hành động và tuyên thệ trước quốc dân đồng bào về quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân. Thế nhưng, vẫn còn những câu chuyện thực tế, như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Chủ trương của Thủ tướng là xử lý cấp bách để giải quyết tình trạng hạn mặn, đơn giản thủ tục để triển khai được ngay. Vậy mà giờ bao nhiêu cà phê, hồ tiêu bị hạn đã chết lâu rồi, đâu thể chờ các bộ họp xong được”.
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân trần, chuyện giải ngân chậm trễ là do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn không thống nhất được quan điểm dù đã họp lên họp xuống nhiều lần.
Trong cách giải thích đó, tôi thấy một phần sự chồng chéo về trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cơ quan công quyền của ta. Nó là nguyên nhân gây ra khó khăn trong việc xác định trách nhiệm, trong sự thống nhất cách giải quyết các vấn đề lớn nhỏ. Mặt khác tôi cũng thấy rõ thái độ của cơ quan công quyền. Họ chưa đặt người dân làm trung tâm phục vụ; chưa hoạt động vì quyền lợi và nhu cầu của người dân.
Các thủ tục hành chính cần phải được thực hiện theo đúng tinh thần của một nền hành chính vì dân chứ không phải “hành là chính” như người dân than phiền. Đó cũng là cách hành xử theo hướng tôn trọng người dân của cơ quan công quyền. Chừng nào các công bộc chưa hành động vì dân, chừng đó hiện tượng “dân cần, quan không vội” hay thái độ phục vụ “sống chết mặc bay” sẽ còn tồn tại. Và nó sẽ là trở lực lớn trên con đường xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ nhân dân như mong muốn.
Trong khi tiền cứu trợ chưa về, một mùa hạn mặn nữa lại sắp đến với miền Tây. Chú vợ tôi những ngày này chắc vẫn đang rảnh rỗi, chơi không. Nhưng tôi không biết có nên gọi hỏi thăm chú không, bởi tôi sẽ lúng túng lắm nếu lại nghe chú nói: “Khỏi lo nghen”.
LÝ NGỌC THANH