Cuối tuần qua, như thông lệ Apple ra mắt thế hệ iPhone mới, một trong những sự kiện công nghệ được chờ đón nhất trong năm. Chỉ trước đó một tuần, Apple cũng là tâm điểm quốc tế, nhưng với sự việc ít vẻ vang hơn. Công ty này bị Uỷ ban Châu Âu (EC) buộc phải hoàn trả ít nhất 13 tỷ Euro tiền thuế, khi thoả thuận giữa Apple và chính phủ Ireland được cho là vi phạm quy định về tài trợ của nhà nước cho doanh nghiệp.
Đáp lại quan điểm của EC, Tim Cook, giám đốc điều hành của Apple, đã thẳng thừng nói “giữa thuế và việc làm, các ông chỉ được chọn một”.
Ông Cook nói bóng gió đến chuyện thi hành chính sách thuế theo kiểu châu Âu thì Apple sẽ không đầu tư nữa và hàng nghìn người lao động châu Âu có thể mất việc.
Lời đe doạ của Apple làm tôi nhớ đến phát biểu của người đại diện Formosa bốn tháng trước, mà có lẽ đã quá nổi tiếng ở Việt Nam: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, chọn đi”.
Lời nói có phần thật thà của ông Chu Xuân Phàm khiến phần đông người Việt phẫn nộ, và khiến ông mất việc. Nhưng câu nói thật thà đó đã lột tả được thực tế lạnh lùng về lựa chọn phát triển: được cái này ắt phải mất cái kia. Kinh tế là việc phân bổ nguồn lực khan hiếm một cách có hiệu quả, vì thế luôn đi kèm với sự đánh đổi. Chúng ta không thể bảo vệ môi trường một cách cực đoan, chỉ trồng rừng để sống, nhưng cũng không thể phát triển công nghiệp bằng mọi giá để rồi huỷ hoại chính cuộc sống của mình.
Cũng như nhận định của Tim Cook, chính phủ không thể vừa muốn đánh thuế cao, mà lại vừa thu hút được đầu tư và giải quyết việc làm. Vì vậy, luôn tồn tại một mức “chấp nhận được” để đánh đổi. Vấn đề tối quan trọng sẽ là ai được quyền quyết định mức đánh đổi tối ưu đó.
Trên lý thuyết, quyền trên phải thuộc về những bên “liên quan” (stakeholder), mà trong nhiều trường hợp gồm doanh nghiệp, nhà nước, và người dân. Lựa chọn “đánh đổi” chỉ có thể ổn định và thực hiện được khi có sự thống nhất giữa ba bên này.
Trong nhiều trường hợp, nhiều dự án phát triển đã không thể thực hiện được do phản đối đến từ cộng đồng mà nó định phục vụ. Ví dụ điển hình gần đây là việc việc đình trệ của dự án hệ thống đường sắt Stuttgart 21 tại Thành phố Stuttgart (Đức), được định giá lên đến 6,5 tỷ euro. Dự án này được đề xuất từ năm 1994, nhưng phải tạm hoãn triển khai liên tục để chính quyền đàm phán với người dân sau khi bị phản đối do lo ngại ngân sách không đủ chi trả, mặc dù mục đích chính của công trình là phục vụ người dân.
Ở nước ta, dường như vai trò của người dân đang bị bỏ quên khi thực hiện những quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Từ sự cố Formosa ở Hà Tĩnh cho đến quyết định đầu tư nhà máy thép gây tranh cãi ở Ninh Thuận, chủ thể của câu chuyện “đánh đổi” thường chỉ là chuyện riêng giữa doanh nghiệp và chính quyền.
Con người là duy lý, chúng ta chỉ đưa ra những lựa chọn có lợi nhất cho mình. Doanh nghiệp, với quan điểm tối đa hoá lợi nhuận, tất yếu sẽ lựa chọn những khoản đầu tư sinh lời nhất. Thế nên khi Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen nói “ngu gì không làm thép”, theo tôi là ông đang thành thật với những tính toán của mình.
Khi được đầu tư với ưu đãi giải toả mặt bằng từ chính quyền, ưu đãi nguồn nước ở một tỉnh khô hạn nhất nước, ưu đãi về thuế đến 30 năm ở địa phương còn phải nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, và đặc biệt là ưu đãi “gián tiếp” về chi phí môi trường do hệ thống giám sát chưa hoàn chỉnh, đúng là Tôn Hoa Sen “ngu gì không làm thép”.
Địa phương, với áp lực cạnh tranh thu hút đầu tư giữa 63 tỉnh thành khác nhau, và giới hạn nhiệm kỳ cũng sẽ chấp nhận ưu đãi đầu tư, thậm chí ưu đãi quá mức thành một dạng bán phá giá nguồn lực địa phương.
Vì thế, để cân bằng cán cân quyền lực khi đưa ra những quyết định đánh đổi như dự án Formosa hay nhà máy thép ở Ninh Thuận, ý kiến tham vấn của người dân địa phương và phản biện xã hội là rất quan trọng. Được nói lên và lắng nghe, thì ít nhất ba bên – doanh nghiệp, nhà nước, và người dân – sẽ hiểu được quan điểm của nhau và từ đó tránh tình trạng đối đầu không cần thiết.
Được nói và được nghe, hai điều kiện tưởng như ít ỏi nhưng cũng đủ để tạo thành chiếc van xả áp cho những căng thẳng xã hội. Làm được vậy, có lẽ sẽ không có những vụ người dân chặn đường quốc lộ phản đối nhà máy nhiệt điện như ở Bình Thuận năm ngoái. Sẽ không có chuyện phụ huynh ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh không cho con đi học để phản ứng với chính quyền về bồi thường sự cố môi trường biển. Hay tuyệt vời hơn, sẽ có ít hơn những dự án gây tranh cãi được thực hiện.
Dự án nhà máy thép của Tôn Hoa Sen ở Ninh Thuận có thể coi là một phép thử để chính phủ khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu “Nhà nước phục vụ nhân dân, thì phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân”.
NGUYỄN KHẮC GIANG