Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,473,560 lượt

Chị lấy quyền gì để la lối?

Tất cả công dân được miễn phí điều trị; đồng nghĩa với việc đất nước thêm phần gánh nặng, khó khăn. Nhưng đất nước nghĩa tình, trong gian khó, vẫn ôm lấy những đứa con quê hương trở về. Vậy thì, các anh chị lấy quyền gì để la lối, quát tháo, gây rối loạn, mất trật tự công cộng?

 Trong khi nhiều người xếp hàng tuần tự chờ tới lượt được chở đi cách ly, mới đây, một nhóm người Việt trở về từ Qatar để tránh dịch COVID-19 gây rối loạn, mất trật tự công cộng tại sân bay, vấp phải sự chỉ trích lớn của cộng đồng.

Họ “đòi quyền lợi” được đi cách ly sớm, than khổ, kêu mệt, ngột ngạt, chê bánh mì mà nhân viên sân bay mang tới. Mặc dù lực lượng an ninh đã cố gắng bình tĩnh, nhẫn nại để giải thích tình hình, mong nhóm người này thông cảm, nhưng có người trong số họ, nêu ý kiến mà như “quát tháo” vào mặt lực lượng an ninh tại sân bay, cảnh cáo đất nước "làm khổ chúng em", "chết thì ai chịu trách nhiệm".

Ơ kìa, nếu khổ sở như vậy, sợ chết như vậy, về nước trong lúc này để làm gì, các anh chị ơi?

Cả nước đang “căng” mình để phòng chống dịch. Từ lực lượng y tế, đến an ninh- quốc phòng, hải quan, mọi nguồn lực xã hội… đều được huy động hết công suất. Trong một buổi sáng, cả hàng ngàn người hồi hương, sức người, sức nước có hạn. Ngoài số người Việt từ nước ngoài trở về, còn phải kiểm soát, kiểm tra nguồn lây nhiễm trong nước đang ngày càng phức tạp.

Chưa được chở đi cách ly rồi sẽ được chở đi, tâm trạng nóng ruột của các anh chị ai cũng hiểu; nhưng vẫn phải bình tĩnh chút, văn hóa xếp hàng mà các anh chị học ở các nước tiến bộ đâu rồi? Hơn nữa, đất nước có “bỏ rơi” các anh chị đâu mà các anh chị “gào” lên như thế?

Vẫn biết rằng, trong cơn hoạn nạn nhất của đời người, chỗ nương náu cuối cùng không phải chốn nào khác mà chính là quê cha đất mẹ. Và quê hương, lúc nào cũng bao dung với hết thảy những đứa con của mình. Nhưng chứng kiến cảnh tượng này, vẫn không khỏi trào lộng một cảm trạng yêu quê hương nhưng cũng xót xa, tội nghiệp cho quê hương.

Rất nhiều người trong số họ, đã lựa chọn ra đi. Vì nhiều lý do; lý do nào cũng hợp lý cả, và đi bằng nhiều con đường khác nhau, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Có người vì quê hương nghèo khó, không chứa nổi đời riêng. Đi vì miếng cơm manh áo, để đổi đời. Cũng có người vì những miền đất hứa khác. Lại cũng có người đi để học tập, rồi ở đó không về…

 

 

 Họ ra đi, để đến “xứ thiên đường” khác. Nhưng rồi, trong những ngày COVID-19 đang trở thành ám ảnh của cả nhân loại, trước lằn ranh sinh - tử, số phận trêu ngươi, nhiều người trong số họ, lại bỏ xứ thiên đường, ồ ạt, kéo nhau trở về quê hương.

Những ngày này, câu mà chúng ta nghe nhiều nhất đó là “Ở Việt Nam lúc này thật tốt”, “Công tác phòng chống dịch của Việt Nam quá tốt”, “Giờ mới biết không nơi nào tốt bằng quê hương”, “Về thôi, Việt Nam sẽ không bỏ rơi chúng ta”…

Cứ thế, những chuyến bay chao đi chao lại, chở người Việt khắp nơi trên thế giới trở về từ vùng dịch. Số lưu học sinh, người lao động, Việt kiều… nhiều đến nỗi, nhiều người dân trong nước lo ngại, đất nước sẽ bùng phát dịch từ những nguồn lây nhiễm mới, khiến Chính phủ phải lên phương án đón làn sóng người Việt trở về.

Dù nhiều khó khăn, thách thức đang đợi phía trước, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn đưa ra cam kết: Đảng và Nhà nước luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước. Mới đây, ông lại yêu cầu chống kỳ thị người nhiễm COVID-19, tăng chi cho người cách ly.

Trong khi ở nhiều nước, bệnh nhân phải mất một khoản tiền không hề nhỏ, để được chữa trị, cách ly ngay trên quê hương mình; thì tất cả công dân Việt Nam (không kể trong nước hay nước ngoài) đều được miễn phí.

Tất cả công dân được miễn phí điều trị; cũng đồng nghĩa với việc, đất nước thêm phần gánh nặng. Đất nước đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn. Đã nghèo, lại càng nghèo hơn. Nhưng đất nước nghĩa tình, nhân văn, trong gian khó, vẫn bảo bọc, ôm lấy những đứa con của quê hương trở về nhà.

Alan Paton, một nhà văn Nam Phi có một tiểu thuyết tên là “Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu”. Tình cảnh này không đến nỗi khóc lên, nhưng cũng có cảm giác nghẹn lại nơi cổ họng: Vừa hàm ơn, vừa thấy quê hương tội nghiệp, vất vả.

ĐẬU DUNG

Top