Khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, nhìn những bức ảnh đường phố vắng tanh vì giãn cách xã hội, nhiều người đã nói nửa đùa nửa thật: "Hết kẹt xe, chuyển sang… kẹt tiền".
Đây là chuyện thật cười ra nước mắt với người dân TP.HCM trong mùa dịch Covid-19 đang bùng phát. TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 31.5, nay đã được 10 ngày. 10 ngày qua đường phố vắng tanh, nhiều người không thể ra ngoài đi làm vì nằm trong khu phong tỏa, thu nhập giảm. Những điểm đen kẹt xe nhanh chóng biến mất. Người Sài Gòn bảo nhau rằng còn vắng hơn cả Tết. Một số người trầy trật trụ được hơn 1 năm qua vì dịch, nay tiếp tục lao đao vì dịch.
Nhìn đường phố không người, họ cười ra nước mắt, đắng cay chia sẻ: “TP.HCM hết kẹt xe, mình thì chuyển sang kẹt tiền”.
Điêu đứng vì kẹt tiền
Chia tay chồng, chị M.C.P (30 tuổi) gắn bó với nghề xe ôm công nghệ. Đứt ruột gửi con cho ông bà nội chăm sóc, chị P. cắm mặt ngoài đường "cày cuốc". Mấy năm ròng, số tiền kiếm được chỉ vừa đủ để chị lo trả tiền nhà trọ, trả nợ ngân hàng, lâu lâu chở con đi ăn vài món ngon. Đồng cảm, chia sẻ được với nhau những khó khăn trong cuộc sống, trong nghề, chị đi bước nữa với một đồng nghiệp.
Ngày 31.5, TP.HCM giãn cách xã hội, hàng quán chỉ bán mang về, chị P. chạy mỗi ngày được 150.000 – 300.000 đồng. Hôm sau, chồng chị bị khóa app, phải tự cách ly tại nhà vì từng giao đồ ăn ở điểm phong tỏa. Tất cả các chi phí lúc này đè nặng lên đôi vai người phụ nữ nhỏ bé. Mấy ngày qua, chị P. đều ra đường từ 8 giờ và trở về nhà khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới, đường phố vắng ngắt, nhưng số đơn so với lúc chưa giãn cách xã hội cách xa nhau. Nhưng vì đa phần là đơn giao đồ ăn nên thu nhập chẳng thấm vào đâu. “Dịch bùng ra, ở nhà thì không có tiền trả nợ, tiền để sống. Đi làm thì không có khách, không có đơn. Chủ nhà trọ đòi tiền, một vài người thân cũng đòi nợ, mỗi ngày ngủ 4 tiếng, tôi áp lực thật sự, đôi khi nghĩ đến những điều tiêu cực. Trưa ngồi dưới bóng cây ăn cơm mà nước mắt cay xè, tôi mong mọi người hiểu cho giãn nợ nhưng người ta nói chuyện của mình, tự tìm cách giải quyết. Đau đầu lắm, cả tuần chưa được một giấc ngủ ngon”, chị P. tâm sự.
Đến ngay cả lúc ba bị té gãy chân, chị P. cũng không dám về thăm vì trong túi không có lấy một đồng. Giọng khản đặc, chị P. nói: “Bản thân tôi thấy mệt mỏi, ngộp thở. Khi không có dịch thì chen chân cả mấy tiếng đồng hồ trong dòng kẹt xe, giờ hết kẹt xe thì không có đơn, ế khách, kẹt tiền”.
Thất nghiệp vì dịch
11 năm làm công nhân ở đất Sài Gòn, vợ chồng anh Phan Chí Tâm (46 tuổi, quê Tây Ninh) và chị Nguyễn Thị Thản (44 tuổi, quê Phú Thọ) cùng rơi vào cảnh thất nghiệp từ tháng 5.2020 vì dịch Covid-19. Nhiều tháng ròng, anh chị đi khắp nơi để xin việc, đi đâu cũng bị chê đã lớn tuổi, may mắn lắm thì mới nhận được nơi tuyển khoán việc, cho làm đôi ba ngày, rồi lại cho nghỉ. Cuộc sống vợ chồng trải qua những ngày không một đồng trong túi, vay chỗ này, đắp chỗ khác, không đêm nào chợp mắt được vì nỗi lo tiền bạc.
Sau Tết, chị Thản may mắn có được công việc tại công ty phở gói, anh Tâm cũng tìm được công trình ở gần nhà để đi làm thợ hồ, kiếm 500.000 đồng/ngày. Vừa lo số nợ cũ, vừa chi tiêu hằng ngày, anh chị vẫn thắt lưng buộc bụng được vài đồng phòng thân. Anh Tâm kể: “Người tính không bằng trời tính, mới đây dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, công trình của anh tạm ngưng, vợ lại thất nghiệp, hẻm dãy trọ phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19. Suốt ngày, vợ chồng con cái lại quẩn quanh căn trọ 8m2 nóng hầm hập, may cô chủ trọ thương tình cho khất nợ, chứ giờ cũng không biết sao”.
“Kẹt xe còn dễ thở”
1 năm trước, ông L.Đ.V (47 tuổi, quê Khánh Hòa) – tài xế công nghệ không chịu thấu cảnh ế ẩm nên phải xin chuyển vùng vào TP.HCM để tiếp tục công việc, mong kiếm đủ tiền trả nợ ngân hàng tiền vay mua xe mỗi tháng. Thời gian đầu, ông V. bị sốc vì TP.HCM quá đông xe, nhất là vào giờ cao điểm sáng, chiều. Nhìn dòng xe nối đuôi nhau nhích từng chút một trên đường, đạp ga, thắng mỏi chân, ông V. liên tục than thở với đồng nghiệp: “Kẹt xe quá, chịu không nổi”. Nhiều đồng nghiệp khuyên ông không nên nhận các cuốc xe chạy vào những “cung đường ám ảnh” vào giờ cao điểm. Dần dà cũng quen, ông V. cày ngày cày đêm vì lượng khách đặt xe ổn định, thu nhập gấp đôi, gấp ba so với trước đó. Nhưng từ đầu tháng 5, TP.HCM có ca nhiễm Covid-19, hàng quán hạn chế phục vụ tại chỗ, xe bị giới hạn khách theo yêu cầu, cả ngày cũng chỉ có vài cuốc xe. Đến khi giãn cách xã hội thì… tình hình không khác gì ở Khánh Hòa là mấy. Ông V. chia sẻ: “Để phòng dịch, nhiều người chọn đi xe công nghệ nhưng đi xe máy chứ không đi ô tô, hàng quán đóng cửa, đường cũng vắng, không ai có nhu cầu ra ngoài. Giới tài xế, nhiều người về quê, số còn lại ráng vớt vát mong đủ trả nợ tiền xe đã là may. Lúc này, mới thấy kẹt xe còn dễ thở, trên các nhóm tài xế lại nói với nhau, thà kẹt xe còn hơn kẹt tiền”.