Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,468 lượt

Con trâu mà biết nói...

Năm nào, đến ngày mùng 9 tháng 8 Âm lịch, Đài truyền hình Hải Phòng cũng tường thuật trực tiếp chọi trâu, có cả bình luận viên như giải bóng đá. Ngày còn ở quê, cũng có năm tôi ngồi trước TV cả buổi sáng để xem các “ông trâu” quyết chiến.

 

Các “kháp đấu” của môn chọi trâu diễn ra theo những kịch bản rất đa dạng. Có những cuộc giằng co nảy lửa khi các ông trâu dùng sừng ghì nhau xuống mặt đất. Có những khi chỉ là một cú húc kinh thiên, trâu thua đã ngã vật ra đất. Cũng có những kịch bản khó lường như trận chung kết năm ngoái, hai ông trâu nhẩn nha gặm cỏ, rồi bỗng một ông lồng lên chạy, rượt đuổi thục mạng ra ngoài sân đấu.

 

Mới đây, khi nghe Phó chủ tịch huyện Phúc Thọ (Hà Nội) nói rằng: “Hai trâu đấu nhau không phải là chọi”, tôi vừa bực, vừa buồn cười. Địa phương này đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu không tổ chức lễ hội chọi trâu nữa, vì lễ hội này không gắn với văn hoá truyền thống của địa phương, trái lại còn mang màu sắc thương mại. Nhưng năm nay, sân vận động huyện Phúc Thọ vẫn thấy trâu húc nhau và lãnh đạo huyện giải thích, đó là “hai con trâu đấu nhau".

 

Tôi bực, vì “chọi trâu” - cái hoạt động đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia của quê tôi - bị bóp méo. Rốt cục thì như thế nào mới là tổ chức chọi trâu? Người ta dắt hai ông trâu vào trường đấu, rồi hai ông tự đối đầu bằng bản năng của con đực và chính cái sự dũng mãnh tự thân của các ông trâu là nét đẹp của môn này. Người ta không dùng roi vọt, không gắn chip lên đầu con trâu để điều khiển chúng húc nhau. Chứ cái gọi là “tổ chức chọi” mà vị lãnh đạo huyện Phúc Thọ nhắc đến, tôi không hiểu ông muốn nói đến điều gì.

 

Tôi thấy buồn cười, vì cái cách nói “vòng vo” ấy tưởng là lạ nhưng hoá ra lại rất quen. Nó là thói quen của những người không chịu giải trình đúng cách và tuyệt đối xa lạ với việc thẳng thắn nhận trách nhiệm. Chúng ta có thể dễ dàng gặp nó trong muôn vàn trạng huống, ở nhiều cấp, nhiều ngành.

 

Nhiều người sẽ không quên được câu “hoàn toàn dễ hiểu” mà Phó tổng thanh tra chính phủ đã nói về tài sản khổng lồ của các quan chức ngành thanh tra. Ông cho rằng nó dễ hiểu, bởi tài sản đó có thể đến từ vợ con. Nhưng người dân khó có thể cảm thấy dễ hiểu với cách nói đó.

 

Nhiều người cũng không quên chuyện xảy ra ở Viện Nhi TW khi lực lượng bảo vệ bệnh viện đã khẩu chiến và chặn xe cấp cứu khiến một cháu bé phải trút hơi thở cuối cùng trên xe. Trước các chất vấn, phó giám đốc viện này nhìn nhận sự việc một cách nhẹ bẫng rằng, đây chỉ là việc "sử dụng ngôn từ giao tiếp chưa phù hợp" giữa hai bên. Còn thứ trưởng một bộ, khi được hỏi về tình trạng cá chết ở miền Trung, đã trả lời “hỏi câu đó là tổn hại cho đất nước”.

 

Còn nhiều những ví dụ nữa về những cách trả lời lấp lửng, vòng vo, đẩy người dân vào tâm lý ức chế. Những cuộc đánh tráo khái niệm diễn ra liên tục, bởi đơn giản là người trả lời không thể đi thẳng vào khái niệm đang được bàn đến nên đành phải “tráo”. Tráo nguyên nhân cá chết thành lợi ích quốc gia; tráo tình trạng cấu kết ngầm giữa bảo vệ bệnh viện với các dịch vụ thuê ngoài thành lỗi giao tiếp...

 

Những cuộc chọi trâu ở Phúc Thọ là một sự kiện nhỏ - nhưng bởi vì sự ngụy biện quá vụng về, nên nó trở thành một ví dụ tiêu biểu cho một thái độ giải trình chung. Trả lời chất vấn có thể không phải là toàn bộ công cuộc chống tham nhũng, nhưng nó là cách dễ nhất để kiến tạo cầu nối niềm tin giữa người dân - cán bộ. Và rất nhiều cán bộ vẫn vứt bỏ cơ hội ấy, để làm khoảng cách xa hơn.

 

Nếu những ông trâu biết nói, có lẽ người dân thà đi chất vấn con trâu: Tại sao các ông không ăn cỏ ngoài đồng mà đến đây húc nhau để con người mang tiếng?

ĐỨC HOÀNG

Top