Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,474,148 lượt

Giá của 500 triệu USD

Đầu tháng này, tôi ngồi với chủ tịch Hội nghề cá một tỉnh miền Trung. Tôi hỏi ông có ăn cá không. Ông kể, cách đây mấy ngày có người đem đến cho mấy cân cá nục, nhưng không dám ăn ngay. Ông đem cho con chó trong nhà ăn trước. Thấy con chó không sao, gia đình mới ăn. Mấy người quanh bàn cố nặn ra mấy tiếng cười. Cho không gian đỡ nặng nề.

 

Người đàn ông kia chỉ kể chuyện vô tư thôi: đấy cũng là một con người bình thường với những nỗi lo rất bình thường. Nhưng bởi vì ông là Chủ tịch Hội nghề cá, là người đại diện cho những con người đang đánh cá và nuôi cá, sống bám vào cái bờ biển ngoài kia, nên câu chuyện cười ấy thành ra rất buồn.

 

Tôi lại đến cảng cá. “Ôi sụt chứ” - bà hàng nước ở cảng cá thốt lên với tôi, rồi chỉ tay về góc cảng, nơi có một thương lái chắc là số má ở cái cảng này, đang ngồi dựa vào tường. Nhưng rồi khi tôi bước đến, người thương lái không hề muốn nói chuyện. “Bọn chị kinh doanh vẫn bình thường” - chị ta nói. Rồi im lặng. Bình thường? Tôi đã gặp nhiều người như thế. Những người không còn tin rằng báo chí có thể giúp gì được họ nữa, nói hay không nói cũng vậy. Tôi ngồi thêm một lúc, rồi gượng gạo chào, đi ra khỏi cảng không có một dòng phỏng vấn nào. Ở đó, tôi thấy một bầu không khí ngột ngạt bao trùm lên những câu chuyện quanh những cảng cá, những con tàu, những ngư phủ trong những ngày tháng ấy. Nặng nề hơn cả sự bức xúc, là sự khó thở. Ở đó, trong tâm trạng của những con người này, có những điều đã mất đi mà không đồng đô la nào cứu lại được. Sự căng thẳng không chỉ có quanh các cảng cá.

 

Ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà để một chiếc lược trong túi áo. Ông đi từ cuộc họp này sang cuộc họp kia, không nhớ cả điện thoại của mình ở đâu, túi áo ông chỉ có một chiếc lược và một cái bút. Bình thường trong những câu chuyện như thế này, sau những ngày tháng liên tục đấu tranh với Formosa để họ cúi đầu nhận lỗi (dù không muốn, như họ vẫn khẳng định đến phút chót), sẽ rất dễ để nói rằng ông Hà “phờ phạc”. Và có thể rất nhiều người không thích chiếc lược bỏ túi của ông. Nhưng với tôi, thực tế ở đây ông là đại diện của Việt Nam đi đấu tranh với công ty Đài Loan. Ông không nên phờ phạc, cho dù chính Bộ trưởng thừa nhận rằng “lòng nặng trĩu căng thẳng”. Bởi vì đó là một cuộc đàm phán dài và mệt, với một đối tác dày dạn kinh nghiệm và hiểu biết. Bởi vì đó là một cuộc điều tra môi trường ở cấp độ quy mô nhất từ trước đến nay, như chính phủ thừa nhận là “chậm”, là “không có kinh nghiệm”.

 

Trong phòng ăn của nhà khách chính phủ, ông Hà trả lời phỏng vấn, rồi lại chạy sang bàn bên. Ở đó, có một cuộc họp khác với các khách nước ngoài. Rồi sực nhớ ra một chuyện, ông quay lại bàn chúng tôi chỉ để nói thêm, đây là lần đầu tiên chúng ta đối mặt với một vấn đề như thế này, nó tạo ra một bài học cho cả chính phủ và các doanh nghiệp. Ông băn khoăn tìm từ. “Một tiền lệ?” - tôi hỏi lại. Ông gật đầu, đúng rồi. Đó là một tiền lệ để Việt Nam ứng xử với các tình huống tương tự.

 

Ông Chủ tịch hội nghề cá ở tỉnh nọ giờ đã chuyển hẳn sang ăn đầu cá hồi mua ở siêu thị, con chó của ông cũng không được cho ăn cá nữa. Người thương lái ở cảng chắc vẫn dựa vào tường và không muốn nói chuyện với phóng viên. Họ sẽ còn khắc khoải lâu nữa.

 

Nhưng chúng ta có một tiền lệ. Một tiền lệ về sự tham gia của các nhà khoa học, các Bộ ngành và cả người dân nhằm ứng phó với các tình huống mang tính chất thảm họa. Một tiền lệ về việc đối phó với một thể chế kinh tế lớn, dày dạn và cứng rắn, như Formosa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Quá trình hội nhập sẽ còn mang đến cho chúng ta những vị khách cứng rắn hơn. Một tiền lệ để cân nhắc lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường.

 

“Chọn cá hay chọn thép?” - câu hỏi ấy của ông Chu Xuân Phàm sẽ còn giá trị rất rất lâu nữa. Và tiền lệ ấy, có giá trị như thế nào, do chúng ta tự quyết. Tiền lệ ấy để mọi thứ tái diễn một lần nữa, hay là để vĩnh viễn không bao giờ xảy ra thêm; để chúng ta tỉnh táo hơn trong việc tiếp nhận FDI, kiểm soát môi trường hay chỉ để có kinh nghiệm đòi bồi thường khi xảy ra chuyện; sẽ cần rất nhiều nỗ lực nữa để trả lời.

 

Chuyện của cá không chỉ của cá, mà rất nhiều từ khóa vĩ mô, từ “trách nhiệm giám sát”, “trách nhiệm giải trình”, “cộng đồng khoa học”, “phối hợp liên ngành”… cho đến “quyền tham gia của người dân”. Sự hy sinh của những con người sống bám vào bờ biển miền Trung, không phải chỉ để đổi lấy 500 triệu USD tiền bồi thường. Sự hy sinh đổi lấy một tiền lệ. Một thứ mà giá trị của nó phụ thuộc vào cách chúng ta dùng trong tương lai.

ĐỨC HOÀNG

Top