Đầu hè, đường phố Hà Nội như “thay áo”. Những dãy bằng lăng tím rực các con phố, điểm xuyết là những tán phượng đỏ nhức một vòm trời. Những quả sấu non ẩn hiện trên những tàng cây cao vút. Đó là một khung cảnh đẹp, thơ, rất thích hợp để ngồi quán xá nhìn ra vỉa hè và chém gió.
Cách đây độ một năm, PGS ngôn ngữ Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) từng trao đổi với người viết rằng, trong các từ vựng mới nảy sinh trong đời sống đương đại, nhiều từ xuất hiện thành từ cửa miệng rồi tự bị đào thải rất nhanh.
Song, ông chưa thấy từ nào bền như “buôn dưa lê” và “chém gió”. PGS ngôn ngữ cũng cắt nghĩa từ “chém gió”: Bản thân từ này gợi hình ảnh về cử chỉ, động tác của một người đang hùng hồn diễn thuyết. Lâu dần, giới trẻ dùng “chém gió” theo nghĩa mở rộng về chuyện ba hoa, tràng giang đại hải, hoặc nói quá lên so với sự thực.
Tại đây, nam phụ lão ấu đều trở nên ưu tú. Mùa hè nóng nực, “trà đá đùi” là niềm ham thích của nhiều sinh viên. Họ có thể “đóng rễ” nhiều giờ đồng hồ ở quán trà đá trong ký túc xá hoặc cạnh trường học. Việc làm chính của những lúc ấy là uống vài cốc trà đá và bình luận về những cặp đùi cùng những chiếc mini zip của các nữ sinh đi qua. Điều này có thể giúp họ vượt qua nóng nực mà không tốn tiền điện và tạm quên sự co bóp của dạ dày.
Nam giới trưởng thành hơn đương nhiên khác. Các anh ngồi ở những quán bia cỏ vỉa hè hoặc nhìn ra vỉa hè để bàn những “chuyện đại sự”. Những câu chuyện “lớn lao” quẩn quanh tới độ, người ta còn thống kê, kiểm chứng và chắt lọc thành kịch bản “chém gió” nơi bàn bia. Theo đó, đầu tiên ẩm khách sẽ nói chuyện công việc.
Rồi công việc sẽ lái sang công ty, những bất cập mang tính hệ thống. Ai chịu trách nhiệm cho những bất cập ấy? Đương nhiên, phần tiếp theo là nói xấu các “sếp” to nhỏ, bằng những sự khó chịu cá nhân mang danh “đại cục”.
Cồn làm con người ta trở nên tự tin. Họ có thể thao thao bất tuyệt những điều mà bình thường họ e sợ. Qua giới hạn sếp ở cơ quan, các anh sẽ bàn về “sếp” tại nhà. Đó là những người vợ đang đợi cơm. Cứ thế, các anh giành nhau nói phăm phăm vài tiếng cho tới khi các anh bàn về “hòa bình thế giới” là lúc điện thoại réo liên hồi và chào tạm biệt nhau.
Không những thể hiện sức sống về mặt ngôn ngữ, “chém gió” vỉa hè còn tồn tại và phát triển bất chấp cả sự khốc liệt biến đổi khí hậu. Trời đẹp, con người không ra đường uống cốc trà đá hay cà phê là có tội với thời tiết. Trời nóng kỷ lục nhiều năm, anh em làm cốc bia hơi chém gió. Trời lạnh, chúng mình làm chén rượu hàn huyên. Trời không nóng không lạnh, biến đổi khí hậu khó chịu, kiếm cái gì uống rồi “chém gió” cho vui…
Chiến dịch dọn dẹp vỉa hè đang đạt được những hiệu quả rõ rệt. Những quán bia cỏ (mà nhiều người vẫn gọi là những “bãi bia”) đã phải rút vào trong nhà. Các quán cà phê vốn hay lấn chiếm cũng phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Các quán trà đá giờ chỉ tranh thủ những khoảng không trống giữa hai nhà để đặt “cơ ngơi” khoảng một mét vuông của mình.
Ý tưởng thu phí vỉa hè để vừa đảm bảo quản lý tốt không gian công cộng, vừa tạo kế sinh nhai cho tiểu thương cũng có ít nhiều cơ sở để suy ngẫm. Nhưng chẳng ai “đánh thuế” được việc “chém gió”. Chẳng ai có thể cản trở con người biến 8 giờ vàng ngọc thành cám bã, biến bao trò vui trên đời chỉ còn là những câu chuyện viển vông, không đầu không cuối.
Hơn thế, những “hoàng tử bàn nhậu”, những “công chúa vỉa hè” đôi lúc thấy mình trở nên lớn lao trong những câu chuyện do chính bản thân huyễn hoặc để lòe người. Những lời cường điệu lặp đi lặp lại đôi lúc khiến chính chủ nhân của chúng cũng bị lừa và coi đó là giá trị của bản thân. Ở Hà Nội, những trường hợp này nhiều như những quán phở treo biển hiệu gia truyền, nhưng thực chất là gia truyền… đời đầu.
Câu hỏi: Nếu không “chém gió” vỉa hè chúng ta làm gì khi gặp nhau hay giải trí bằng cách nào? Đó chính là lý do để “chém gió” vỉa hè trở nên phổ biến và thịnh hành. Chúng ta không có nhiều lựa chọn khi gặp mặt hay giải trí ngoài cùng nhau trao đổi, ngẫm ngợi bên một thức đồ uống nào đó. Dần trở thành thói quen, ngày nào không có cafein, chất cồn trong người cảm thấy khó chịu. Và những “ẩm sĩ” sẽ thiết lập các mạng lưới bạn bè, để “chém gió” bên cốc bia, chén rượu, cà phê ngày ngày.
Vận động nhiều hơn có lẽ là điều tốt nhất chúng ta có thể làm để giảm bớt những cuộc “chém gió” vỉa hè hay “thả thính” Facebook. Nhưng trước hết, chúng ta phải vượt qua được sự cám dỗ của thành phố mà mỗi góc đường có một quán bia cùng những thói quen đã lên men lâu ngày. Dẫu sao, tôi vẫn tin, thành phố đáng sống tuyệt nhiên không phải là nơi “giàu có” về hàng quán và tiếng ồn mà “nghèo nàn” về thú vui.
PHẠM MỸ