Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,468,215 lượt

Hai mặt của tăng lương

Đến hẹn lại lên, tầm này trong năm, Hội đồng tiền lương quốc gia nhóm họp để bàn việc tăng lương tối thiểu vùng.

 

Và như mọi bận, nó lại trở thành cuộc đấu cân não, giữa một bên là đại diện giới doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động; còn bên kia là Tổng liên đoàn Lao động - đại diện cho người lao động. Một bên đòi tăng nhiều, bên kia gây sức ép để tăng ít.

 

Đó không chỉ là một cuộc cân não trong phòng họp mà còn trên mặt trận truyền thông. Những luận điểm đanh thép được đưa ra khắp nơi bởi các chuyên gia của cả hai phía. Có thể tóm lược luận điểm của hai bên như thế này: phía Công đoàn thì giữ một mệnh đề chắc nịch rằng: “Lương phải đảm bảo được đời sống”. Những cuộc khảo sát của Tổng liên đoàn chỉ ra rằng đời sống công nhân hiện nay, với mức lương hiện tại, khá chật vật. Phía doanh nghiệp thì kêu cứu rằng năng suất lao động đang quá thấp, họ trả mức lương hiện tại đã không lời lãi được bao nhiêu. Bây giờ tăng lương nữa thì họ đóng cửa. Những năm về trước, tôi từng chọn phe trong cuộc luận chiến này và “bút chiến” hăng say trên khắp các mặt báo. Các độc giả quen thuộc của Góc Nhìn chắc sẽ dễ dàng đoán được tôi đứng về phía nào, doanh nghiệp hay công nhân.

 

Nhưng năm nay, tôi muốn nhìn câu chuyện ở một góc độ khác: không có ai đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn. Lương tối thiểu, chỉ là lựa chọn tương lai gần của một quốc gia.

 

Đầu tiên, phải khẳng định rằng ở Việt Nam, “năng suất lao động” không phụ thuộc nhiều vào người lao động - như cái cách mà đại diện giới doanh nghiệp hay “quàng” các khái niệm vào nhau. Ngoài dầu mỏ và xuất khẩu khoáng sản, thì nền kinh tế trông chờ nhiều vào gia công và nông nghiệp. Trong các lĩnh vực này, người lao động phần nhiều bán sức khỏe thể chất.

 

Năng suất lao động của Hàn Quốc gấp 16 lần nước ta không có nghĩa là họ cũng khâu giày và công nhân của họ ưu việt hơn của ta, một ngày khâu được gấp 16 lần số giày của công nhân Việt Nam. Công nhân Việt Nam, trên thực tế, có thời gian làm thêm thuộc hàng cao trong khu vực. Họ có cố thức đêm, bỏ con ở quê, vắt kiệt tuổi thanh xuân, khâu thêm được một vài đôi giày, may thêm vài cái sơ mi hay lắp thêm vài cái camera điện thoại, cũng không lại với một công nhân ở các nước phát triển làm cùng công việc.

 

Năng suất lao động phụ thuộc lớn vào giá trị gia tăng của sản phẩm và trông chờ vào các yếu tố công nghệ, vào các phát minh sáng chế, vào thương hiệu hay chuỗi giá trị... Cùng một sản phẩm đó, người Hàn Quốc dán thương hiệu của họ vào và bán với giá gấp 16 lần các xưởng gia công làm mướn không thương hiệu nước ta, thì năng suất lao động của công nhân hiển nhiên cao gấp 16 lần.

 

Trong cuốn "23 điều họ không nói với bạn về chủ nghĩa tư bản", nhà kinh tế học Chang Ha-joon lấy ví dụ về một người lái xe tải ở Ấn Độ và Thụy Điển. Xét đến bối cảnh giao thông hai nước, thì người lái xe Ấn Độ phải thuần thục và vất vả hơn anh Thụy Điển đường thông hè thoáng. Nhưng lương người lái xe Thụy Điển sẽ cao hơn gấp 50 lần. Lý do: anh ta làm việc cho một ông chủ kiếm nhiều tiền hơn 50 lần. Ông dùng ví dụ đó, để phản biện luận điểm “Quốc gia nghèo là lỗi của người nghèo”. Theo Chang Ha-joon, quốc gia nghèo là lỗi của người giàu.

 

Tóm lại, năng suất lao động phụ thuộc vào các đầu não của doanh nghiệp và cao hơn là đầu não của nền kinh tế chứ không phải công nhân đứng máy.

 

Từ đó, hãy quay trở lại với bài toán tăng lương. Đó là một lựa chọn khó khăn. Nếu tiếp tục tăng lương, thì sẽ tuyệt đường của rất nhiều doanh nghiệp gia công, sử dụng nhiều lao động với năng suất thấp. Và đó lại đang là nguồn sống chính của chúng ta, là nơi nuôi nhiều lao động.

 

Câu hỏi đặt ra: nếu tăng lương, nếu khẳng định rằng Việt Nam không muốn tiếp tục tương lai gia công giá rẻ này, nếu xây hành lang pháp lý kiểu “Không tạo ra nhiều giá trị gia tăng thì đừng sản xuất nữa”, thì có tạo ra sức ép, bắt các doanh nghiệp phải tăng năng suất lao động hay không? Họ có chịu sức ép phải đầu tư cho công nghệ, cho thương hiệu, để một đôi giày của họ bán ra giá cao hơn hay không?

 

Rất khó để trả lời. Khó hơn nữa, vì cái nguy cơ phải ra khỏi “vùng an toàn”, như bây giờ: công nhân chấp nhận bán sức, doanh nghiệp chấp nhận các sản phẩm giá trị gia tăng thấp, đôi bên cùng vất vả tồn tại (và dù sao vẫn tồn tại). Lỡ thất nghiệp cả đám, lỡ khủng hoảng kinh tế?

 

Hơn nữa, doanh nghiệp ở ta còn chịu cảnh "một cổ muôn tròng", rất nhiều trói buộc và khó khăn từ hệ thống chính sách kể cả khi muốn thay đổi.

 

Nhưng có một điều chắc chắn: nếu không tăng lương, hoặc chấp nhận rằng lương không đủ sống, thì chúng ta đã xây dựng một hành lang pháp lý khuyến khích việc tiếp tục phát triển kinh tế dựa vào việc bán sức lao động giá rẻ. Không ai có ý định thay đổi, chừng nào vẫn còn tồn tại được theo phương cách đó.

 

Hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang là một gia đình trồng lúa, gạo đủ ăn. Cũng tồn tại được, dù có thấp thỏm khi thấy hàng xóm mua TV, tủ lạnh. Bây giờ chúng ta có nên quyết định rằng mình sẽ phải chuyển sang trồng màu, cho dù thời gian làm đất sẽ khiến ta không thể trồng lúa trong vụ tới?

 

Sự tồn tại trước mắt, hay là một tương lai với tiêu chuẩn kinh tế cao hơn?

 

Đó là một lựa chọn rất khó. Năm nay, không như thường lệ, khi viết về công nhân, tôi không còn muốn kể chuyện một người công nhân nghèo khó nào nữa. Vì tôi nhận ra, chúng ta đã và sẽ chọn gì.

ĐỨC HOÀNG

Top