“Tôi chỉ biết nhắm mắt nằm chờ”, anh Tiên kể với tôi về thời điểm gần cái chết. Anh Tiên là một chủ lò bánh mì. Sáng ấy, dậy sớm làm bánh mì giao cho khách, đang loay hoay với công việc thì bốn tên đi xe máy tấp vào. Chúng vung mã tấu chém tới tấp vào người, anh chỉ còn biết ôm đầu để không bị chấn thương.
Anh Tiên không chỉ là một chủ lò bánh mì bình thường. Anh còn là một “hiệp sĩ đường phố”.
Quê Đức Phổ, Quảng Ngãi, anh Nguyễn Tăng Tiên vào hùn hạp mở lò bánh mì ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tiên trở thành hiệp sĩ bắt cướp và lập được nhiều chiến công trong thời gian đi giao bánh mì cho khách.
Chúng tôi tâm sự hồi lâu. Anh kể về những lần bị cướp trả thù. Có lần, anh theo dõi đôi trai gái nghi cướp giật dây chuyền của khách, nhưng bị chúng phát hiện và truy đuổi ngược. Mấy ngày sau, khi đang trên đường trở về nhà, mã tấu vung lên từ phía sau, may mắn là Tiên tránh được.
Nhưng buổi sáng ngày 27/6/2011 thì anh chỉ còn cách cái chết gang tấc. Ông chủ lò bánh mì nằm trên vũng máu khi trời còn tối bưng. Anh chỉ được cứu khi có người vô tình phát hiện, đưa đi bệnh viện.
Nếu bạn xuống Dĩ An, Bình Dương thăm anh Tiên bây giờ, bạn sẽ được cho xem nhiều vết sẹo trên hai cánh tay và đùi, hậu quả của những lần bị cướp trả thù. Và đó không phải là trường hợp cá biệt trong số những người được mang danh “hiệp sĩ đường phố”.
Phong trào hiệp sĩ bắt cướp nở rộ ở Sài Gòn từ vài thập niên qua. Nhiều anh xe ôm, ba gác hoặc làm nghề tự do đã trở thành hiệp sĩ và nổi như cồn. Nhưng rất hiếm người nào đủ kinh nghiệm để tránh được mũi dao của những kẻ manh động. Không ít cuộc đời hiệp sĩ đã ngoặt qua hướng khác, sau những cuộc anh hùng.
Bọn cướp hôm kia, trong tích tắc đã lấy đi hai mạng người. Đó là sự đánh đổi quá đau đớn, cú sốc đối với những người có trái tim nghĩa hiệp và mọi người dân.
Người dân lâu nay vô tình được khuyến khích tham gia vào một hoạt động cực kỳ nguy hiểm: Bắt trộm cướp. Người dân-hiệp sĩ, với lòng tốt hồn nhiên đã thành lập các đội nhóm của mình. Họ săn bắt trộm cướp không trên cơ sở pháp lý nào. Người Sài Gòn ví họ như đội quân đầu không đụng trời, chân không chạm đất. Dù tham gia vào những việc vô cùng nguy hiểm nhưng họ không được phép sử dụng vũ khí như các lực lượng chức năng bảo vệ an ninh trật tự. Họ không có cơ chế, quy chế nào bảo vệ, tất nhiên không thù lao. Họ chỉ có vũ khí duy nhất là lòng hào hiệp.
Những Lục Vân Tiên thời hiện đại, thấy chuyện bất bằng chẳng tha có khiến TP HCM bớt trộm cướp đi không? Chưa có cơ sở minh chứng. Nhưng hậu quả để lại quá bi thương. Sau những tiếng tung hô và sự tưởng thưởng, điều còn lại của những hiệp sĩ là gì? Vợ mất chồng, những đứa con mất cha, người cha người mẹ mất con; Là những nơm nớp lo toan về sự an toàn cho tính mạng của bản thân hiệp sĩ và gia đình vì nguy cơ kẻ xấu trả thù.
Người dân có thể tự nguyện hy sinh quyền lợi cá nhân, thậm chí cả tính mạng vì mục đích tốt đẹp nào đó của cuộc sống cộng đồng, nhưng điều đó không có nghĩa họ làm thay chức năng của Nhà nước. Cơ quan chức năng nhiều nơi, bằng những hành động tung hô hay tưởng thưởng, đã chủ động khuyến khích người dân tham gia vào công việc của Nhà nước. Đáng nói hơn, những hoạt động đó được hồn nhiên xếp vào tinh thần “toàn dân phòng chống tội phạm” mà Việt Nam đã phất cao lá cờ trong suốt nhiều thập niên. Cũng giống như toàn dân chống tham nhũng, việc một người dân thường tham gia chống tội phạm thậm chí là một chủ trương, được thúc đẩy bằng tuyên truyền, bằng việc thành lập các tổ đội, bằng việc lắp kẻng ở khu dân cư, bằng ca ngợi,… đủ mọi hình thức như là việc san sẻ đó là điều hiển nhiên.
Một cách nào đó, một phần trách nhiệm của cơ quan chức năng trật tự xã hội đã được đẩy về phía người dân. Đã đến lúc xem lại toàn bộ phong trào này, rằng người dân chỉ nên “phòng” tội phạm hay là còn có nhiệm vụ trực tiếp đem da thịt tính mạng ra “chống” tội phạm.
Quản lý xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước. Nhà nước quản lý xã hội bằng công cụ chuyên chính. Đó là lực lượng được định danh, được trả lương từ tiền thuế nhân dân, được huấn luyện và được trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cần thiết. Thái độ đúng không phải là ca ngợi sự có mặt của hiệp sĩ, mà là đặt câu hỏi: Lực lượng chức năng đã ở đâu khi cái ác hoành hành?
Huy động người dân tham gia vào việc xây dựng và quản lý xã hội, ở chừng mực nào đó là việc làm cần thiết, nhưng chắc chắn không phải bằng nhiều mất mát như TP HCM đã từng chứng kiến với “đặc sản cướp giật”. Dù bất cứ lý do, không thể khuyến khích thêm việc người dân nhảy vào nguy hiểm, hứng chịu rủi ro thay cho những người có chức trách. Chúng ta chỉ có thể xem việc những hiệp sĩ vô danh tham gia vào xây dựng, quản lý xã hội như là giá trị cộng thêm, những tình huống đột xuất chứ không phải một giá trị thay thế thường xuyên và liên tục.
Nếu anh Tiên mang một vết sẹo, anh là hiệp sĩ. Khi anh Tiên mang hai vết sẹo, anh đã trở thành người đóng thế. Và nếu người hiệp sĩ đường phố ngã xuống, anh đã trở thành một nỗi đau của xã hội.
Hiệp sĩ - những người có hành động nghĩa hiệp giữa đời thường chứ không phải những “diễn viên đóng thế” cho một đội ngũ khác.
ĐẠI DƯƠNG/VNE