Hôm qua chị Nhung mang một triệu đồng từ Sài Gòn về quê ăn Tết. Chị Nhung có đôi mắt đen dưới vành nón lá, 40 tuổi, quê ở Bình Định. Nửa đời chị đã gánh bánh tráng trộn đi khắp Sài Gòn. Dấu vết chị không bao giờ muốn khoe là vết sẹo chai cứng, to bằng quả trứng vịt màu tím, lõm một miếng trên vai.
Thật ra tiền lời của gánh bánh tráng tính đến 25 Tết còn 2 triệu đồng, nhưng vé xe đò tuyến từ bến xe Miền Đông đến Phù Cát tốn tới 800 ngàn. Ngày Tết, giá vé xe đã tăng 200 ngàn đồng so với ngày thường.
Chị còn bị bà chủ nhà cho thuê chỗ ngủ lấy mất 200 ngàn nữa. Luật tính tiền của bà: thu vé 22 ngàn/ngày cho một chỗ ngủ ở gần trung tâm thành phố. Bà làm tròn, mỗi người phải đóng 350 ngàn vào ngày một và mười lăm hàng tháng. Ai không ở khỏi trả lại. Chị về quê hôm sớm, thành ra bị thiệt mất một tuần tiền nhà.
Chị Nhung cũng không nhớ đã bao nhiêu ngày, mình đem gánh về nhà trọ lúc một giờ đêm, tắm rồi tìm một chỗ ngủ dưới sàn, cạnh những người bán rong khác. Bốn giờ sáng chị dậy làm hàng cho ngày mới, vì thế nên “thèm ngủ lắm, ngồi đâu gục đó à”.
Hơn 50 con người từ các tỉnh đổ về bán đủ loại hàng rong thuê chỗ ngủ ở đây nem nép trước hai bà chủ to béo. Họ ngồi rít thuốc trước cửa, cánh tay xăm trổ sẵn sàng bạt tai ai dám cãi. Cách đây một tháng, có chị nào mới tới, dám mua lá răm về rửa, tốn nước của bà, thế là bị đánh cho tím tay tím mặt, phải đi nhà thương.
Người nào làm mất lòng bà chủ, một là cả nhà trọ bị nghe chửi tục đến ù tai, hai là chị em bả xông vào uýnh liền. Tuần trước, một chị bán bánh tráng lén lút mua nguyên liệu bên ngoài. Thế là cả gánh hàng bị tung hê vung vãi. Các chị xanh mặt nhìn hai bà to béo đấm đá chị bán gánh tráng trộn giữa nền nhà vì “dám qua mặt tụi tau”. Luật của nhà trọ công bố rồi: phải lấy hàng của bà đi bán, chỉ được tắm và ngủ, không được nấu ăn, làm gì khác phải xin phép.
Đôi tháng trước, tôi nghe câu chuyện, rồi cùng đồng nghiệp đi tìm nhà trọ mới cho mấy chị bán hàng rong. Tìm được một khu sạch sẽ và an toàn hơn rồi, nhưng chị Nhung không thuyết phục được mấy chị cùng nhà chuyển đi. Chỗ mới, đắt hơn nơi cũ cả trăm ngàn mỗi tháng, các chị không dám quyết.
Qua Tết chị sẽ âm thầm đi tìm nhà mới, vì “ở đây nguy hiểm quá”. Mấy chị đồng hương cũng đồng ý sẽ đi tìm nhà để ở chung. Nhưng phải bí mật, nếu mụ chủ biết thì “banh xác”.
Những khu nhà trọ không tên như nơi chị Nhung ở, được gọi là “khu vực kinh tế chưa được quan sát” trên tài khoản thống kê của quốc gia. Nó bao gồm các hoạt động giao dịch giữa người dân với nhau, giao dịch giữa các hộ kinh doanh cá thể… Các giao dịch này có thể hợp pháp hay chưa, không được ghi nhận bằng hóa đơn, chứng từ, cơ quan thuế.
Nó là một bộ phận của nền kinh tế, cũng là một bộ phận của kinh tế ngầm mà một vài công trình nghiên cứu ước tính chiếm 15-25% GDP của nước ta. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm mới đây cho biết cơ quan này “đang xây dựng đề án và trình Chính phủ” để có thể thống kê được khu vực kinh tế này.
Trong khi Tổng cục Thống kê đang nghiên cứu, mỗi ngày chị Nhung mua một ký cơm trắng bằng loại gạo chị bảo “nở nhất thị trường” ở hàng cơm ký. Giá 12 ngàn đồng một ký cơm, cộng thêm 2 ngàn tiền cà, 1 ngàn mắm ruốc là đủ cho một ngày.
Một triệu đồng này, chị tính, sáng 27 Tết sẽ đi chợ mua nếp gói bánh tét. Năm ký gạo nếp, 1,5 ký đậu xanh, 2 ký thịt, tất cả hơn 400 nghìn. Còn lại vẫn mua được vài thứ.
Nhà chị có một mẹ chồng 85 tuổi, chồng bị bệnh không đi làm được và 2 đứa con học cấp 3, “toàn người lớn, không cần bánh kẹo”.
Tôi hỏi chị có kế hoạch gì cho tương lai không, chị trả lời bắt đầu bằng quá khứ. Mấy năm trước, tự dưng ngôi nhà tranh bị cháy. Vợ chồng chị phải vay ngân hàng chính sách 30 triệu làm nhà, cộng cả nợ và lãi quá hạn nay lên 40 triệu.
Tết với phần lớn mọi người là kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm, nhưng với hàng triệu lao động trong “vùng xám” như chị Nhung, như 1.900 công nhân Công ty Texwell Vina bị giám đốc người Hàn Quốc bỏ trốn quỵt lương ở Khu công nghiệp Bàu Xéo, Trảng Bom, thì đó là điểm phát sinh các kế hoạch cuộc đời mà họ chưa bao giờ tính đến.
Dù UBND tỉnh Đồng Nai đã tạm ứng 7 tỷ đồng từ ngân sách để trả nửa tháng lương cho công nhân Texwell Vina ăn Tết song tìm việc mới sẽ là câu chuyện lớn nhất của họ Tết này. Dù chị Nhung đã bàn với mấy chị đồng hương đi tìm nhà, nhưng sự tính toán đó không hứa hẹn một căn phòng trọ giá rẻ, an toàn.
Tương lai của họ không được phép đi xa hơn những bữa ăn gần nhất, hoặc buổi chợ sáng 27 Tết hôm nay, hay cổng nhà máy nào đó, nơi họ sẽ đến rải hồ sơ xin việc ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới.
Rất khó để biến cuộc đời của những người này thành “khu vực kinh tế có thể quan sát”. Bởi quan sát xong, rồi hỏi các nhà hoạch định chính sách có thể làm gì tiếp theo, là một câu hỏi rất bí.
Ngày Tết không thể chia đều, là thực tế chúng ta phải chấp nhận trong bao nhiêu cái Tết nữa?
HỒNG PHÚC