Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,712 lượt

Đầu tư mù

Làm sao mà một nhà đầu tư có thể đổ ra một nghìn tỷ đồng để “làm chỗ nghỉ trưa cho trâu bò?” Câu trả lời: mù thông tin.

 

“Tôi phải tiếp cận mấy năm trời mới có được bản báo cáo thị trường xây dựng nhà ở 5 năm của TP.HCM”. Tổng giám đốc một công ty bất động sản than thở với tôi tại một cuộc gặp giữa các CEO năm ngoái. Trong báo cáo đó, có thông tin về số giấy phép xây dựng được cấp trên địa bàn. Một con số rất đơn giản nhưng đối với ngành của anh thì rất cần. Vì với một nhà phát triển bất động sản, trước khi quyết định đầu tư một dự án ở quận huyện nào cũng phải nắm được quy mô thị trường đã ở mức nào, đang phát triển ra sao và nếu so với quy mô dân số thì sắp tới người ta còn cần mua nhà hay không.

 

Không cân đong được sức cầu thị trường, doanh nghiệp có thể phá sản vì dồn cả trăm, nghìn tỷ đồng vào những dự án “mà cuối cùng thành nơi nghỉ trưa cho trâu bò” - theo cách nói của anh.

 

“Tôi đố chuyên gia nào trả lời được có bao nhiêu giấy phép xây dựng được cấp tại TPHCM năm qua?”, anh hỏi và tự trả lời, “Thông tin này không bao giờ được chia sẻ”. Nó chỉ nằm trong một số rất rất ít báo cáo ngành mà khi doanh nghiệp đi xin tại trung tâm thông tin của các sở ngành, nhiều cán bộ tỉnh bơ trả lời: “Đó là báo cáo mật, anh biết để làm gì?”.

 

Thế làm sao anh lấy được báo cáo 5 năm kia? Anh đã phải nhờ Hội Kiến trúc sư thành phố làm công văn lên ủy ban thành phố, rồi ủy ban ra chỉ thị cho Sở Xây dựng tập hợp dữ liệu, cuối cùng mới đến tay doanh nghiệp.

 

Chỉ khi có con số này, doanh nghiệp mới cộng thêm “dung sai” là số nhà xây dựng không có giấy phép, giả định là 1,5 lần hoặc là 2 với nhà cấp bốn, rồi đi tìm số dân thực trên địa bàn đó và tính toán thêm thì mới xác định rất tương đối quy mô thị trường mà họ cần.

 

“Nói về thống kê, chúng tôi gần như bị mù thông tin” - nhà đầu tư tuyên bố. Các cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức cung cấp thông tin thì rất dễ nhưng doanh nghiệp ngửa tay xin lại thì vô cùng khó. Trong nhiều trường hợp, họ phải xin qua các con đường không chính thức với các chi phí không chính thức.

 

Đó là chưa kể tới phương pháp thống kê dẫn tới sự chính xác của số liệu. Ví dụ mới đây khi doanh nghiệp xin được báo cáo quy hoạch của chính quyền cho biết dự báo quy mô dân số quận Bình Thạnh theo quy hoạch đến 2020 có 560.000 dân. Nhưng hiện nay, số liệu thống kê của quận cho biết số dân chính thức khoảng 480.000 người, số dân vãng lai và tạm trú khoảng 80.000 người, tổng dân số thực tế đã lên đến 560.000 người, tương đương với quy mô dân số dự kiến vào năm 2020. Thế thì doanh nghiệp tin vào đâu?

 

Có lần vị giám đốc trên gom các con số thống kê về thị trường bất động sản tất cả các quận huyện ở TPHCM cộng lại thì nó trở thành con số gần bằng quy mô dân số và thị trường xây dựng của… cả nước.

 

Kênh phân phối, siêu thị hay là cửa hàng bán lẻ, dự án nhà chung cư, nhà phố… bất kỳ điểm kinh doanh nào nếu đặt ở trung tâm hay ven đô đều liên quan đến quy mô thị trường. Đánh giá quy mô thị trường Việt Nam của quan chức, chuyên gia, doanh nghiệp ngoài câu cửa miệng “vô cùng tiềm năng với hơn 90 triệu dân” thì không ai nêu ra cái gì mới hơn.

 

Theo anh, các thông tin cụ thể và chuyên biệt cho kinh doanh ngành nào cũng thiếu. Tất cả các nhà đầu tư bất động sản, đầu tư bán lẻ… khi hoạch định đầu tư một dự án luôn thiếu các dữ liệu thống kê tin cậy tại các địa phương của cơ quan công quyền. Thậm chí lên cái gọi là cổng thông tin thì thấy số liệu “không có cảm giác gì và không có cơ sở gì hết”. Các kiểu thống kê này sẽ gây một tác hại lớn mà giới kinh doanh gọi là “đầu tư mù”.

 

Vì “đầu tư mù”, nên có những dự án trăm, nghìn tỷ đồng vẫn “chết”, trong đó có những tai nạn biết trước đấy mà vẫn lao vào. “Đầu tư mù” cũng tạo ra một thế hệ doanh nghiệp Việt được lập ra ngồi chờ những dự án đem về nhờ quan hệ và tiền gầm bàn.

 

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn tại TPHCM từng nói với tôi rằng vấn đề lớn nhất của nhiều người làm kinh doanh là tư duy ngắn hạn, không ai dám chờ đến một tương lai mà phải làm sao để ăn ngay. Vì thế mà lướt sóng, vì thế mà giật gấu vá vai, sống chết mặc bay, không ai giúp ai. Để có môi trường mà mọi người nhìn vào dài hạn thay vì ngắn hạn thì cần niềm tin. Để có niềm tin, cần có thông tin.

 

Văn minh là thông tin, là sự công bình và thịnh vượng. Bất đối xứng thông tin gây ra nghèo đói, tham nhũng, lạm quyền... bởi chúng ta khó mà cùng nhau bước lên khi một bên có một bên không, một bên xin một bên cho, một bên yếu một bên mạnh.

 

Những mẩu thông tin theo luật phải được phổ biến, nhưng chỉ vì một cán bộ nào đó cương quyết giữ nó dưới gầm bàn, vì thói quen hạch sách, hay vì chờ cái gì đó khác đưa ra từ gầm bàn bên kia, có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ, có thể thay đổi hiện trạng kinh tế nước nhà.

 

Mới đây, gặp lại vị CEO trên ở một sự kiện khác, tôi hỏi anh đã có cách tìm được thông tin hữu hiệu hơn chưa, ông thả ra một câu đúng kiểu miền Nam: “Biết chết liền, hên xui em ơi!”.

 

Trong câu đó, có cả hai trạng thái của một nhà đầu tư Việt Nam bị mù thông tin. Hoặc là “hên xui”, hoặc là... chết liền.

HỒNG PHÚC

Top