Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,486,159 lượt

Xin vía làm ăn

Người phụ nữ tầm ngoài 60 tuổi nói “cô làm mệt”, vì ngợp khi chen lấn trong đám đông lấy tro, hứng lộc ở chùa Bà Bình Dương. Tôi nghe, cũng cảm thấy mệt theo.

Chen lấn "xin lộc", "xin vía" làm ăn và mặc định những vật phẩm đó mang sẽ lại may mắn, tài lộc là điều thường thấy ở các lễ hội ngoài Bắc trong Nam nhân dịp đầu năm. Niềm tin dẫn dắt con người. Niềm tin này có thể hiểu là ý niệm, tạo ra lời nói, hành động, nếu ý niệm đúng, có chánh tín thì con người sẽ thực hành đúng và ngược lại.

Cũng giống như quan niệm "trần sao âm vậy" mà người ta đã đốt vàng mã với nhiều hình thức, từ nhà, xe, điện thoại đến giày dép, quần áo, tiền bạc... xem như gửi xuống cho ông bà, tổ tiên. Việc xin tro hay một tín vật như ấn, lộc dưới các hình thức để làm giàu dù mơ hồ, dưới tác động của tâm lý đám đông, mọi người vẫn ùn ùn làm theo.

Tất cả những vị khai quốc công thần được phong thánh hay các vị thần, thánh được tôn thờ ở đình chùa, miếu mạo đều là những vị thiện trí, từng có công với đất nước, địa phương. Thờ cúng họ là để tri ân, báo ân, để nhắc nhở hậu thế gìn giữ đất đai tiên tổ, học theo hạnh lành của các vị này mà sống tử tế, tốt đẹp trong hiện tại. Ôn cố tri tân, cùng nhau xây dựng, gánh vác việc nước, việc làng, hành thiện giúp đời - đó mới là ý nghĩa cao tột của các lễ hội đình làng, nơi cúng kính, phụng thờ các vị thần, thánh.

Tuy nhiên, yếu tố "ban phước" được thêu dệt dưới nhiều hình thức truyền miệng kiểu liêu trai trong dân gian, dần khuếch đại khả năng của các vị được phụng thờ ở đình chùa, miếu mạo. Cùng công thức, nhiều người biến Phật, Bồ-tát thành thế lực có thể ban phước, giáng họa hay "mua chuộc" bằng lễ phẩm ít nhiều. Hành vi nhét tiền lẻ vào tay Phật, dâng lễ cao đầy để hối lộ Phật trời, cầu đủ thứ cũng xuất phát từ nếp nghĩ "người sao, trời Phật vậy". Trong khi đó, Đức Phật, các vị Bồ-tát hay kể cả các bậc thánh, thần được xưng tôn, phụng thờ là những người đã cởi bỏ thế tục. Một ứng xử văn hóa, cúng kính đi ngược lại hạnh nguyện các ngài, trong nhà Phật xem đó là hành vi phỉ báng, khiến người đời nhầm tưởng các bậc Giác ngộ vẫn còn phàm tình, danh lợi.

Đi chùa, lễ Phật đầu năm là để vun bồi thiện tâm. Hành vi đến cửa chùa là để dẹp bỏ bớt tham-sân-si, từ đó kiến tạo nếp sống an yên từ việc lánh dữ, làm lành. Hòa vào dòng người đi lễ hội là để thắp nén tâm hương với tiền nhân, các bậc hữu công với non sông để trở về với sự tri ân, báo ân sâu dày của hậu thế. Nhờ các vị khai quốc công thần, những bậc thiện lành xuất hiện mà bờ cõi được yên, tật bệnh được đẩy lùi nhờ các vị tìm ra phương cứu chữa...

Phật hay thánh thần không thể giúp tất cả đều ăn nên làm ra, hoặc gánh đỡ được cho con người mọi xui rủi. Đây phải là những việc tự thân.

Đời người trăm năm, khó khăn, thử thách, muộn phiền là khó tránh. Vấn đề là làm sao có cái nhìn thông tuệ với mọi sự mọi việc và có cách xử trí đúng đắn nhất.

12 năm trước tôi bị một chiếc taxi tông vào, gãy cả hai ống xương chân. "Lo lắng không giải quyết được gì, dù có ra sao cũng chấp nhận", tôi tự trấn an, và vượt qua bằng cách vui vẻ để bác sĩ mổ, lắp nẹp, bắt ốc vít. Sau đó tôi kiên trì luyện tập, từng chút một, đến khi bỏ nạng, đi lại bình thường. Không dừng lại ở đó, tôi tập leo núi và có thể chinh phục đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh).

Cuộc sống vô thường. Tôi xác định điều này và nghĩ về cái chết nếu có đến với mình vào ngày mai cũng là chuyện bình thường. Và tôi chuẩn bị cho sự chết ấy bằng cách xác định vai trò của mình, những gánh vác đương nhiệm và sắp xếp việc đó tạm ổn. Nhiều người bảo thế là bi quan, nhưng tôi xem đó là tích cực. Không ai đoán định được điều gì.

Trở lại với xin lộc, xin vía làm giàu trong các lễ hội, theo tôi, đó là điều trái với luật nhân quả vốn khoa học, dễ hiểu. Sự giàu có phải được đến từ nỗ lực kiếm tiền chân chính, quản lý tài chính tốt và sức khỏe, tinh thần ổn định. Nếu không trau dồi sức khỏe, thực tập sống theo khoa học, thì thân tâm đều mỏi mệt, phiền não. Nếu chỉ ngồi đó cầu xin, không học cách quản lý tài chính tốt... thì thiếu những điều kiện cần và đủ cho sự thăng tiến, bền vững.

Khi con người còn tin vào những điều mầu nhiệm, mong chờ thay đổi vận mạng đời mình từ bên ngoài, với nắm tro ở chùa Bà hay chiếc ấn ở đền Trần thì lễ hội đầu năm sẽ còn bát nháo, nhiều người "làm mệt". Và khi ấy, con người hẳn sẽ còn hoang mang và dựa dẫm vào thần Phật hơn là chính mình.

LƯU ĐÌNH LONG/ Theo VnExpress

Top