Clip “chia lìa lứa đôi” tràn lan trên mạng mấy bữa nay đang tạo nhiều luồng tranh cãi. Nhân vật chính đã đủ tuổi nên vợ, thành chồng nhưng vẫn sướt mướt khi cha mẹ nội, ngoại nhà trai ập vào bắt người như kéo đứa trẻ lên 3! Tôi không phán xét ai đúng ai sai, tôi nghĩ về chuyện khác.
Tôi không quan tâm lắm cả cha mẹ, nội ngoại lẫn vợ chồng bạn trẻ. Tôi chỉ nghĩ nhiều về đứa bé trong bụng cô gái tên Thương. Dẫu có thể chẳng còn họ hàng và bị từ bỏ, nhưng cháu bé tuyệt nhiên không. Rồi em sẽ ra đời, lớn lên và nhận biết dần mọi thứ. Đừng nói rằng chẳng tổn thương gì khi cha mẹ cứ bị nội, ngoại giằng xé, hắt hủi ầm ĩ như thế. Tôi chưa hiểu họ đang sống vì họ, vì sĩ diện hay tương lai của những đứa trẻ. Đã biết rằng không tách được Thương và con mình, quá rõ rằng dù thế nào chăng nữa cháu mình đã nằm trong bụng Thương thì có ồn ào, mạnh bạo hơn thế cũng chẳng thể đổi thay được gì. Có thể nói dễ hơn làm nhưng chẳng lẽ không còn con đường hòa hợp nào sao?
Tôi chẳng phải là người trong cuộc hay đạo đức giỏi giang gì để chắc rằng mình sẽ hành xử đúng đắn hơn ông bà trong clip ấy. Nhưng một khi “gạo đã thành cơm”, tình yêu của chúng đã thành cháu cho mình thì không thể chấp nhận hay tha thứ, dù bất cứ giá nào, có nên hay không?
Ai đó thốt lên rằng, nước mắt của hai bạn trẻ trong clip là tiếng khóc bất lực, không phải nhu nhược. Tiếng khóc của việc bị dồn vào đường cùng. Muốn bảo vệ vợ con cũng không được. Bản thân mình thì như tù nhân trốn chạy. Thật kinh khủng! Tôi nghĩ điều ấy có lý và các bậc sinh thành từ vụ việc này có thể suy ngẫm điều gì lớn lao hơn.
Tôi thích những bình luận như thế này: “Nếu tôi là người đàn ông, tôi sẽ không để cha mẹ, bà con cô bác đối xử như thế! Chí ít tôi cũng biết bảo vệ mẹ của con tôi, vì đó là hạnh phúc nhỏ mà mình đã chọn, sức chơi sức chịu, tuyệt nhiên không... khóc ròng!”. Và cả đây nữa, “Thế kỷ XXI rồi mà cha mẹ xử lý như đoạn clip ấy? Hãy hướng cho hai bạn trẻ cách sống và cho cơ hội cứu ba mạng người, hỡi đấng làm cha mẹ. Có dạy con thì phải dạy từ đầu chứ bây giờ mà ép tụi nhỏ quá sẽ nhận cay đắng”.
Đã có rất nhiều bạn trẻ bị dồn vào đường cùng và chọn con đường không thể nào xấu hơn. Không thể lấy điều đó ra làm sức ép cha mẹ, nhưng khi giới hạn còn thì nên mở cho các con một ngõ tốt hơn.
Có thể các vị có những ý kiến ngược lại như: "Phải ở trong chăn mới biết chăn có rận. Dù sao thì cha mẹ vẫn là người yêu thương con nhất mà không cần một chút đáp lại nào, người đời thì vô cùng lắm. Rất thông cảm cho ông bà”. Nhưng cả lý lẫn tình kiểu chia rẽ ấy đều không vẹn hay hợp chút nào cả. Cha chàng trai đã từng lên báo kể “tội” con trai và vợ anh ấy đáp lại rằng “cha tôi nói sai sự thật", bằng clip mà có thể chỉ do người bạn tung lên với ý đồ tốt, thâm giao hai bên rất khó gắn hàn.
Riêng mình tôi chắc rằng đó chỉ là đánh giá chủ quan, bởi xem clip ấy tôi nghĩ rằng, hai bên và cả cô gái ấy vẫn thương yêu nhau và chưa hề muốn dứt tình, có chăng chỉ là nóng giận tức thời. Tôi tin vì máu mủ ruột rà và nhân nghĩa ở đời, không chỉ hai phụ huynh ấy mà rất nhiều cha mẹ khác rồi sẽ tìm ra giải pháp khác, bớt nước mắt và giận hờn hơn cho những trường hợp tương tự…
HIẾU LÂN