Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,793 lượt

"Đường lưỡi bò" và chuyện dạy con trẻ

Lần đầu tiên tôi được nghe về "cái lưỡi bò" cách đây đã 18 năm, tại một hội thảo không dính dáng gì đến biên giới và chủ quyền, ở Ấn Độ. Đầu năm 1998, tôi tham dự một hội thảo quốc tế tổ chức tại Agra (Ấn Độ), nơi có đền Taj Mahal nổi tiếng. Chủ đề của hội thảo là "Inclusive Education", nghĩa là đưa trẻ em khuyết tật học tập cùng trẻ em bình thường. Mỗi nước cử một vài quan chức của Bộ Giáo dục phụ trách vấn đề này đến tham dự.

 

Phái đoàn của Trung Quốc có ba người, hai lãnh đạo và một phiên dịch. Họ không từ Bộ Giáo dục Trung Quốc mà từ Sở Giáo dục tỉnh Vân Nam. Các thành viên trong Ban tổ chức thắc mắc, đại ý sao Trung Quốc lại cử đoàn cấp sở đi. Một ông nói rằng Sở Giáo dục Vân Nam làm "inclusive education” rất tốt, có nhiều kinh nghiệm thực tế để chia sẻ tại hội thảo... Các nhà tổ chức không hài lòng lắm với câu trả lời này, nhưng cũng không bày tỏ thái độ gì.

 

Mở đầu hội thảo mỗi đoàn có màn giới thiệu về đất nước và đoàn của mình. Đoàn Trung Quốc "chào hỏi" gần cuối. Tôi thấy ba người lục tục treo lên một cái bản đồ lớn của cả châu Á với Trung Quốc là tâm điểm. Trưởng đoàn vừa chỉ lên bản đồ vừa nói bằng tiếng Hoa (và được phiên dịch lại) rằng quý vị đang nhìn thấy đất nước Trung Quốc rộng lớn trên bản đồ. Tôi giật mình khi thấy ông ấy chỉ lãnh hải của Trung Quốc kéo sâu xuống phía dưới của Biển Đông, qua cả Trường Sa đến sát bờ biển Malaysia.

 

Màn chào hỏi chỉ kéo dài chừng năm phút và không ai kịp hỏi han hay tranh luận gì. MC hội thảo nhanh chóng mời đoàn tiếp theo lên giới thiệu.

 

Giờ giải lao, tôi tìm gặp ông trưởng đoàn Trung Quốc, ông cầm ly trà đứng xem triển lãm ảnh ngoài sảnh. Tôi không nói được tiếng Hoa, ông không nói được tiếng Anh, cậu phiên dịch thì mất dạng, tôi nói tôi là người Việt Nam, ông ta cười hể hả: "Duê Nản hảo hảo"(Việt Nam tốt tốt), chỉ trỏ ai đó phía cuối sảnh rồi lật đật bước đi. Vào bữa trưa tôi tìm gặp cậu phiên dịch và hỏi: "Sao các bạn lại giới thiệu biển Đông là lãnh hải của Trung Quốc? Đó là lãnh hải của chúng tôi". Anh ta giải thích bằng tiếng Anh rằng đó là bản đồ hành chính chính thức của Trung Quốc, và ngay cả vùng biển đó cũng có tên bằng tiếng Anh là "Nam Trung Hoa" (South China Sea). Anh ta nói thế và kiếm cớ đi ra chỗ khác.

 

Từ đó đến hết hội thảo, họ tránh những chỗ có mặt đoàn Việt Nam. Rõ ràng là "cái lưỡi bò" này đã được tuyên truyền sâu rộng ở Trung Quốc. Đông đảo quần chúng ở đất nước hơn một tỷ dân này được giác ngộ sâu sắc về "cái lưỡi bò". Bạn thử hình dung, những công chức cấp sở ở một tỉnh lẻ còn biết rõ về nó để giới thiệu tại một hội thảo quốc tế, thì đủ thấy quy mô của chiến dịch tuyên truyền ấy lớn như thế nào. Tham vọng bá quyền lan rộng và ăn sâu từ trên xuống dưới. Người dân Trung Quốc bình thường cứ thế chỉ nói vanh vách mà không cần biết cơ sở pháp lý của "cái lưỡi bò".

 

Hồi tôi học phổ thông trung học và đại học trong thập niên 1980 có phong trào viết thư, gửi quà cho chiến sĩ ở Trường Sa, nhưng không phải ai cũng biết vị trí của hai quần đảo thiêng liêng này; những hoạt động khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa từ thời chúa Nguyễn cũng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

 

Khi tôi chia sẻ câu chuyện về cuộc hội thảo năm 1998 trên Facebook, nhiều bình luận khiến tôi giật mình nhận ra rằng chúng ta vẫn chưa trang bị đủ kiến thức cho học sinh, thanh niên - để họ tự ý thức về chủ quyền hay xa hơn là đối thoại trên trường quốc tế.

 

Bạn tôi kể chuyện hai đứa học sinh, một Việt Nam và một Trung Quốc đi học giao lưu văn hóa ở Mỹ. Một lần trường có chương trình gì đó và thằng bé người Trung đứng lên thuyết trình, nói về cái "đường lưỡi bò" và chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Bé Việt nhà mình nghe ức quá nhưng không đủ tư liệu, không có bản đồ và cũng không chuẩn bị trước để đối lại. Thằng bé Trung thuyết trình hay được khen, tối về chủ nhà thưởng cho hai thằng đi ăn. Cậu bé Việt chỉ biết phản kháng bằng chuyện... không đi ăn tối đó.

 

Lại có chuyện các bạn đi học thạc sĩ tiếng Trung ở đại học sư phạm bên Trung Quốc về kể lại, họ nói với toàn bộ sinh viên của trường rằng "Việt Nam là của họ và họ sẽ lấy lại". Các bạn Việt Nam học ở nước họ hoàn toàn không biết làm thế nào để đáp trả.

 

Mãi đến năm 2009, Sở Giáo dục Đà Nẵng mới quyết định đưa Hoàng Sa - Trường Sa vào giảng dạy trong chương trình bậc học phổ thông nhưng cũng chỉ trong phạm vi Đà Nẵng. Tôi cho rằng, câu chuyện về chủ quyền lãnh hải phải được tất cả trẻ em người Việt biết đến, phải ăn sâu một cách tự nhiên vào máu thịt mỗi người dân Việt Nam. Bởi vì trách nhiệm đấu tranh là của tất cả mọi người, như chính cái cách Trung Quốc đang tuyên truyền sai trái nhưng ai cũng tham gia.

 

Nếu bạn có con, hãy lấy bản đồ Việt Nam và chỉ cho chúng biết rõ vị trí của Hoàng Sa - Trường Sa: "Đất nước của con trải rộng đến đây, con ạ. Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn bờ cõi ấy".

VŨ MẠNH CƯỜNG

Top