Gom góp được một tỷ đồng từ gia đình, chủ một căn homestay ở Đà Lạt thuê người sửa sang, đầu tư. Kinh doanh được 2 - 3 tháng, dịch bệnh bùng lên, anh xem như mất trắng. Tiền trang trí, trang bị vật chất, thuê mướn, sửa sang, thiết kế... tất cả công sức từ cuối 2020 đến nay xem như bỏ. Anh phải rao bán toàn bộ cơ sở vật chất do cầm cự không nổi chi phí.
Qua các đợt dịch, ngành du lịch chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều hình thức kinh doanh. Trong đó dạng nhà homestay gần gũi và giá phù hợp được giới trẻ rất quan tâm. Ở trong Nam, cứ hễ dịch qua, người người nhà nhà kéo nhau lên Đà Lạt, chỉ có Đà Lạt mới có sức hút vô tận như thế. Đó là những lý do khiến anh và nhiều người khác mạo hiểm đầu tư. Đầu 2021, hình thức này kinh doanh rất ổn với lượng khách đều đặn, nhưng khi dịch bùng lên, tất cả buộc phải đóng cửa.
Hiện tại, mỗi tháng các homestay như của bạn tôi chi hơn 100 triệu đồng, mà đã 5 tháng qua, xem như xé bỏ nửa tỷ đồng. Đến thời điểm này, hầu như các nhà hàng, khách sạn, homestay tư nhân thuê mướn, kể cả chính chủ, cũng đã thoi thóp. Ai cầm cự không nổi thì cho thuê, trả mặt bằng... hoặc như người chủ homestay kia, bỏ tất cả về lại TP HCM.
Đầu tư du lịch thời điểm dịch bệnh không khác gì câu cá, móc càng nhiều mồi lại mất bấy nhiêu.
Bài toán vạch ra sắp tới là cuối 2021 sẽ có đợt bùng nổ nhu cầu du lịch, vậy nên tự tin đầu tư tiếp hay chỉ cầm chừng chờ thời?
Không ít nhà đầu tư đã bỏ của chạy lấy người, mới 9 tháng đầu năm nay, cả nước hơn 90.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Bấy nhiêu đó cũng có thể nhìn thấy được độ ảm đạm hiện tại.
Riêng TP HCM, có 1.049 doanh nghiệp du lịch lữ hành nhưng đến tháng 5/2021 chỉ còn 567. Tính đến tháng 10/2021 chỉ còn khoảng 300 doanh nghiệp lữ hành hoạt động nhưng cũng cầm chừng, không có doanh thu. Đây là những số liệu không tưởng tượng được so với con số năm 2019, du lịch là ngành đã đóng góp hơn 9,2% vào GDP nền kinh tế nước ta. Tổng thu từ khách du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, tương đương 32,8 tỷ USD.
Du lịch từng được xem là ngành "công nghiệp không khói", ví như "con gà đẻ trứng vàng" và cũng từng là "ngành kinh tế mũi nhọn" theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Nhưng nay, ngành du lịch đã mang rất nhiều "vết thương" do đại dịch Covid-19 gây ra. Hiện tại, không phải có tiền là có thể đầu tư vào du lịch. Vấn đề nhân sự vô cùng quan trọng. Nhân sự chất lượng cao đã chuyển dần sang ngành khác, nguồn dự bị đã "bật gốc" từ sau hơn 4 tháng TP HCM cách ly.
Việc đứt gãy cung cầu, chuỗi cung ứng sản phẩm và thay đổi nhu cầu du lịch đã xảy ra tại nhiều quốc gia khác.
Người dân tại các quốc gia phát triển bắt đầu giảm thiểu nhu cầu du lịch vì kinh tế và sức khỏe. Có thể trong tương lai gần 3-4 năm nữa ngành du lịch toàn cầu sẽ phát triển thịnh vượng, khi con người quen dần với Covid. Nhưng ít nhất tại thời điểm này, đầu tư cho du lịch vẫn là cuộc chơi may rủi.
Du lịch như con cá, đã mắc lưới thì càng vùng vẫy lại càng vướng sâu, khó gỡ. Muốn thoát ra khỏi lưới bén thì phải nhẹ nhàng nắm đúng mấu chốt. Đôi khi mạnh bạo, quyết liệt nhưng chủ quan, riêng lẻ chưa chắc đem lại hiệu quả như ý muốn.
Gần kề Việt Nam là Thái Lan với đảo Phuket - một hòn đảo nổi tiếng đã và đang đón khách từ tháng 7/2021. Chính quyền Thái Lan đã thổi thành công "bản giao hưởng" mang tên Phuket Sandbox và Samui+. Nó đã giúp hai hòn đảo phía nam Thái Lan đón được rất nhiều khách du lịch và cải thiện tình hình kinh tế từ đầu tháng 7 đến nay. Du khách quốc tế muốn đến Phuket du lịch cần có 5 loại giấy tờ như: Giấy xét nghiệm Covid, Giấy xác nhận tiêm chủng, Bảo hiểm Covid-19, Giấy xác nhận nhập cảnh của Lãnh sự quán và cài đặt ứng dụng quản lý du khách ThailandPlus trên điện thoại. Tất cả những tình huống xấu nhất đều được lên kịch bản kỹ lưỡng. Tròn ba tháng và kết quả của họ đủ để đánh giá hiệu quả của chương trình này dành cho du khách nước ngoài. Đây đã một cánh cửa thành công giúp đất nước du lịch phát triển mạnh như Thái Lan vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra. Từ ngày 1 đến 23/7, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan thống kê được 14.055 khách nước ngoài, trong đó khách Mỹ, Anh, Israel, Đức và Pháp chiếm đa số. Chỉ một tháng ngắn ngủi đã giúp tiêu thụ đến 190.843 đêm phòng và mỗi khách trung bình xài khoảng 59.982 Bath (khoảng 40 triệu đồng) trong suốt chuyến tham quan của mình. Tổng thu từ du lịch trong tháng tại Phuket là 828 triệu Bath (gần 600 tỷ đồng) nhưng Cơ quan du lịch lớn nhất Thái Lan ước tính chi tiêu của khách đã giúp tạo ra đến 1,92 tỷ Bath (gần 1.300 tỷ đồng) cho nền kinh tế địa phương cả trong và ngoài ngành du lịch.
Để áp dụng thành công Phuket Sandbox hay Samui+ thì ít nhất 75% cư dân sống tại hai hòn đảo này đã tiêm đủ liều vaccine. Hiện tại Phuket đang là nơi an toàn nhất Thái Lan giữa lúc tình hình dịch bệnh lên đến hơn 20.000 ca mỗi ngày. Rõ ràng việc tạo ra điểm đến, địa phương an toàn là tối cần thiết, không chỉ có giá trị cho ngành du lịch mà còn cho nhiều ngành nghề khác phát triển sau đại dịch này. Một người bạn làm tại Tổng cục Du lịch Thái Lan bày tỏ lo lắng trước khi Chính phủ chạy chương trình Phuket Sandbox và thường xuyên chia sẻ thông tin về sự trục trặc trong quá trình áp dụng từ đầu tháng 7. Tuy nhiên, hiện tại tất cả đã ổn và tạo ra những quy trình chuẩn, có căn cứ để áp dụng tiếp tục cho Krabi, Phang Nga, Pattaya, Bangkok, Chiengmai và nhiều địa phương khác.
Để tạo được thành công tổng thể cần có một cái nhìn rộng và sức mạnh hiệu triệu toàn xã hội, không thể một công ty, đơn vị riêng lẻ nào làm được. Chưa bao giờ ngành du lịch cần sự lãnh đạo và nhất quán như hiện nay. Sau đợt dịch Covid này, tất cả đã thấm đòn, rời rạc thì cần lắm một và chỉ một nhạc trưởng có tâm, có tầm để vực dậy nền "công nghiệp không khói" này.
NGUYỄN TRẦN HOÀNG PHƯƠNG (Theo VNE)