Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,656,970 lượt

"Biết tao là ai không?"

Đường đông cứng, tôi nhích từng nhịp ga nhỏ. Chiếc xe phía sau liên tục va vào đuôi xe tôi. Bực bội, tôi quay lại gắt: “Không có phanh à?”. Trừng trộ nhìn và rót vào mặt tôi những lời lẽ thô tục là một cô gái mặc đồ công sở, chỉ trạc tuổi con tôi.

"Mắng mỏ" xong, cô lách vào một khoảng trống rồi rồ ga vút đi trong sự ngơ ngác, không nói nên lời của tôi.

"Trong tay cô bé rất may không có khúc xương bò", tôi nhớ lại va chạm cũ và vẩn vơ nghĩ sau khi đọc trên báo câu chuyện vừa xảy ra ở Bình Dương. Trưa 11/8, chỉ vì suýt va chạm trên đường, tài xế 46 tuổi đuổi theo người 26 tuổi suốt hơn hai km. Sau khi ép nạn nhân vào lề đường, ông này vớ được khúc xương trên vỉa hè, đập vỡ kính ôtô, buộc lái xe xuống, bắt quỳ lạy, xin lỗi. Ông vừa dọa đánh vừa hỏi "mày biết tao là ai không?". Tối cùng ngày, ông bị công an bắt. Cả nước biết ông là ai.

Cư xử kiểu đó không phải chuyện cá biệt. Hồi tháng 12/2017 ở TP HCM, một tài xế xe máy sau khi đụng vào ôtô đã phải quỳ gối, vái lạy đủ ba lần mới được tha. Thậm chí, chú rể cũng "quên mình là chú rể", lao vào đuổi đánh tài xế xe ben sau một va chạm giao thông mới đây. Tình trạng xe cộ va quệt xước tí ti, nhưng chủ xe cầm đá, vác dao đánh nhau đến bê bết mặt mày phải vào viện là chuyện xảy ra thường ngày trên khắp nẻo đường ở Việt Nam.

Tôi tiếp nhận những tin tức ấy bằng cảm xúc hỗn độn: vừa buồn bực, vừa xót thương và trên hết là luôn ngỡ ngàng với câu hỏi tại sao người ta phải hơn thua nhau đến độ thiếu sáng suốt tới mức đó. Phải chăng đang có gì bất ổn với những người tham gia giao thông?

Sự tranh giành thường xảy ra trong trạng thái thiếu thốn. Nếu "đường ta rộng thênh thang ta bước", hẳn chẳng ai hơn thua từng centimet mặt đường. Nhưng đất chật người đông, hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu đi lại thông thoáng của con người. Không biết từ bao giờ, người Việt cứ ra khỏi nhà là lao vào một "cuộc đua không xác định quán quân". Khái niệm làn đường hầu như không tồn tại hoặc chí ít là không được tôn trọng. Xe cộ xâu vào nhau, không hàng không lối, làm gì có làn đường, chỉ có những chỗ trống, ai giành được người đó thắng.

Nếu nhìn vào sự chen lấn trên đường, thế giới có thể hiểu nhầm là người Việt biết quý thời gian nhất Trái đất. Nhưng tôi nghi ngờ điều đó, người ta có thể dành hàng giờ lướt mạng xã hội, ngồi quán bia tán phét, nhưng nhất định không chịu chờ vài giây đèn đỏ. Anh kia vượt được, tại sao tôi phải chờ? Tư duy đó dẫn dắt một hành vi dễ lây lan: một người vượt đèn đỏ, sẽ có vài người nối theo; một người mở lối phóng lên vỉa hè, tiếp sau là cả một đoàn xe tranh chỗ của người đi bộ.

Không đến mức vội vã, không bị thúc bách về thời gian, nhưng khi tham gia giao thông, ai cũng tự coi mình là "xe ưu tiên" để đòi vượt lên phía trước. Cứ như thể, bị bỏ lại phía sau là một cảm giác thất bại không chấp nhận nổi. Trạng thái tâm lý này dễ dẫn đến thái độ "yêng hùng", ỷ mạnh hiếp yếu khi va chạm trên đường.

Không muốn đổ tại ý thức, tôi cho rằng nguồn cơn sâu xa của vấn đề là thói quen bất tuân pháp luật ở nhiều khía cạnh của đời sống, trong đó có tham gia giao thông. Ví dụ dễ thấy là nhiều người thường chỉ học cách lái xe, mà không học biển báo, có bằng lái nhưng không hiểu luật giao thông. Hơn nữa, pháp luật không phải lúc nào cũng được thực thi trong các va chạm. Người dân không có thói quen giữ nguyên hiện trường, gọi bảo hiểm và cảnh sát tới. Va chạm trên đường họ tự giải quyết lấy, theo lối không kể đúng sai, kẻ thắng thường là kẻ mạnh hơn, hung hãn hơn.

Tôi cũng từng chấp nhận làm kẻ yếu thua thiệt trong một lần va chạm khác. Khi đang dừng xe ở làn rẽ trái để chờ đèn xanh, một chiếc xe ngay phía sau, rẽ sang làn chạy thẳng, đâm tan nát đuôi xe tôi. Đúng sai đã rõ, nhưng để giảm tiền đền bù, người tài xế "gọi điện thoại cho người thân", mang theo hai kẻ hung dữ tới, gây áp lực bằng thái độ ngang ngược khiến tôi đành chấp nhận phần đền bù mang tính tượng trưng.

Câu nói "mày biết tao là ai không?", bằng tất cả sự đa nghĩa và uyển chuyển của tiếng Việt, thú vị thay là biểu hiện sinh động của tình trạng lạm dụng quyền lực thay vì thượng tôn pháp luật. Câu hỏi tu từ đó tự động "phân hạng" công dân, giữa những kẻ "là ai đó", "quen biết người nào đó", "có chức vụ gì đó"... với số còn lại "không là ai cả". Nó chính xác là trạng thái bất bình đẳng trước pháp luật đã diễn ra phổ biến đến độ cả người nói và người nghe đều cảm thấy được uy lực và "hiệu lực áp dụng" của câu nói.

Va chạm giao thông là điều không mong muốn. Vậy giải pháp giảm thiểu xung đột người - người trong quá trình lưu thông hàng ngày là gì?

Một lời xin lỗi, một nụ cười xí xóa, hay cái bắt tay chân thành, trong phần lớn trường hợp sẽ như một phép màu, hóa giải và làm nguôi tức thì những cơn giận. Đó chính là ý thức, là ứng xử tử tế, là văn hóa giao thông, nhưng cần được tích lũy qua quá trình giáo dục, không dễ thay đổi được cả cộng đồng một trăm triệu người trong ngày một ngày hai.

Trong một số trường hợp cá biệt mà văn hóa giao thông nếu chỉ có từ một phía, ta thậm chí cần "hạ mình" như lời cha ông đúc rút lại "một sự nhịn chín sự lành". Tôi vì thế rất hiểu lựa chọn của nam tài xế đã nghĩ đến vợ con mà chịu quỳ gối trước người đàn ông đang lăm lăm khúc xương bò trong tay. Nhưng nhìn rộng ra, xã hội không thể vận hành trông chờ vào ý thức hay sự nhường nhịn. Xã hội chỉ có thể vận hành bình thường khi "ông là ai" không quan trọng, quan trọng là ai đúng, ai sai.

Khía cạnh tích cực trong câu chuyện ở Bình Dương có lẽ là sự phát triển của công nghệ, đã khiến cho mọi thứ phơi bày trước "mắt thần camera". Nhờ có camera, trắng đen dễ phân định rõ ràng hơn. Người đi sai đường phải chịu phạt, kẻ có tội cần được xử đúng luật. Điều đơn giản ấy, nếu hiện hữu trong từng sự việc đơn lẻ, sẽ dần nâng cao nhận thức, buộc con người cư xử đúng mực hơn, để đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật cho mọi công dân.

TÔ NGỌC DOANH / Theo VNExpress

Top