“Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005-2015 ở Việt Nam”, bạn đọc có biết chuyện gì đây không? Nó không phải là báo cáo tổng kết về chuyện in sách, không phải là bài báo về thiết kế bìa sách cho một trang báo chuyên về mỹ thuật. Nó là luận án tiến sĩ hẳn hoi đấy.
Hội đồng chấm luận án tiến sĩ này thuộc Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Chúng ta có những viện nghiên cứu mà chất lượng hoạt động khoa học được thể hiện qua những luận án tiến sĩ như vừa trân trọng giới thiệu trên.
Xin nói thật thẳng như thế này, không có gì làm cho thế giới coi thường nền học thuật Việt Nam bằng những luận án tiến sĩ kiểu như thế này.
Có nhiều luận án tiến sĩ tương tự, với những đề tài không hiểu vì sao gọi là tiến sĩ. Tiến sĩ của Việt Nam dễ dàng, tuỳ tiện và ngớ ngẩn như vậy sao? Xin đưa ra vài dẫn chứng.
“Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch uỷ ban nhân dân xã”, “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”, “Nhận thức của sinh viên sư phạm về sức khoẻ sinh sản”... Có nhiều bản tóm tắt luận án tiến sĩ chuyển sang tiếng Anh sai từ chính tả đến ngữ pháp, còn thua cả “gú gồ” dịch.
Những đề tài này có đóng góp gì cho khoa học chuyên ngành, giúp ích được gì cho đời sống xã hội, góp phần xây dựng được gì cho cộng đồng, cá nhân, tổ chức có thể vận dụng được gì từ luận án này để giải quyết các vấn đề liên quan trong thực tiễn?
Để cãi nhau các đề tài tiến sĩ của các “lò ấp” tiến sĩ chất lượng hay không thì các nhà “khoa học” của các viện này nói hay lắm, nhưng có một thước đo rất khoa học và thứ thiệt, đó là các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có uy tín. Thử tóm tắt các luận án tiến sĩ này, thành một bài báo khoa học và gửi cho họ gọi là “công bố quốc tế” sẽ xếp vào ngăn kéo ngay.
Không ít trường, viện, đẻ ra nhiều tiến sĩ với tốc độ siêu nhanh nhưng chất lượng rất thấp.
Những viện nghiên cứu này xài tiền ngân sách không ít, những sản phẩm khoa học mà họ làm ra như chúng ta đã thấy, vậy thì có hiệu quả hay không, không hiệu quả thì nuôi làm gì cho tốn tiền thuế của dân.
Sản phẩm gọi là “khoa học” mà kém chất lượng, là “cơ hội khoa học” thì đất nước không thể có nền tảng tốt để phát triển.
LÊ THANH PHONG/ LĐO