Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,613 lượt

Khúm núm chốn cửa công

Tôi vừa có việc phải đến cửa công. Trong lúc chờ tới lượt, tôi nghe một ông khách dùng những lời tán dương nhan sắc của cô công chức trẻ hòng mong được ưu tiên xử lý công việc. Cô nhân viên mềm mỏng từ chối: “Anh đang hối lộ cán bộ nhà nước đấy”.

 

Trước sự ngạc nhiên của người đối diện, cô giải thích rằng, không phải cứ đưa tiền quà mới là hối lộ, dùng lời lẽ ngon ngọt quá mức với người khác để mưu lợi cho mình cũng là một hình thức hối lộ - hối lộ tinh thần.

 

Ông khách sượng đơ, còn tôi bỗng nhận ra những điều phải suy ngẫm sau câu chuyện bông đùa ấy. Lâu nay, người ta thường nghĩ hiện vật, hiện kim mới là vật hối lộ, có thể đổi trắng thay đen. Nhưng tình trạng hối lộ tinh thần cũng có thể gây ra những tác hại nhất định.

 

Vào cửa công, bên cạnh quà cáp, hứa hẹn vật chất, những kẻ muốn đi ngang về tắt (chưa nói đến sai trái nghiêm trọng khác) thường mua lòng cán bộ bằng lời lẽ ngon ngọt, nịnh hót. Thói nịnh thần từ thời phong kiến nay vẫn tồn tại sống động trong cuộc sống hiện đại. Nó trực tiếp chi phối đến tính công bằng giữa kẻ biết nịnh và người thật thà và gián tiếp mở đường cho những hình thức hối lộ vật chất. Sâu rộng hơn, thói quen ứng xử này sẽ làm sai lệch những chuẩn mực giao tiếp giữa người dân và các cơ quan công quyền; triệt tiêu thái độ nói thẳng nói thật giữa cấp dưới với cấp trên; hạn chế khả năng phê bình và phản biện xã hội. Nó là trở lực của sự tiến bộ.

 

Lịch sử đối diện với các cơ quan công quyền đã giúp người dân hiểu rõ những cách thức, từ thô sơ đến tinh vi nhất, giúp họ "bôi trơn" công việc của mình. Kẻ hoạt ngôn dùng lời xu nịnh, kẻ lắm tiền dùng vật chất còn những kẻ bé mọn thì nhẫn nhịn, luồn cúi.

 

Tôi chứng kiến không biết bao nhiêu dân lành khúm núm trước cửa công; không biết bao nhiêu ông bà tóc đã bạc trắng vẫn khép nép dạ thưa với mấy cô cậu nhân viên hành chính bằng tuổi con cháu mình. Quan niệm coi quan như cha mẹ dân dường như vẫn để lại tàn dư rất mạnh mẽ.

 

Một số bà con của tôi là thân nhân gia đình có công nên thường xuyên phải đến công sở để làm chế độ chính sách. Mỗi lần xong việc, dù phải trải qua rất nhiều thủ tục nhiêu khê, họ vẫn cảm thấy như vừa được ban ơn gì đó và cảm thấy mình phải có nghĩa vụ biết ơn.

 

Dần thành nếp, người dân đánh mất phong thái đường hoàng đĩnh đạc của một công dân, chối bỏ quyền lợi được phục vụ chính đáng của mình. Còn cán bộ công chức tự cho mình quyền trở thành kẻ ở trên, làm phúc. Trong khi trách nhiệm của họ là phục vụ nhân dân. Họ được trả lương để làm việc đó.

 

Đôi khi, chính nhận thức không đầy đủ của người dân về quyền lợi của mình lại là tác nhân góp phần làm hư cán bộ công chức. Tôi cho rằng, sự giao tiếp giữa người với người trong một xã hội văn minh, hiện đại phải vận hành dựa trên những quy tắc chuẩn mực giao tiếp chung. Đã có quy định về thể thức và phong cách ngôn ngữ hành chính, thì hoàn toàn có thể có quy định về tác phong giao dịch hành chính trong mối quan hệ cán bộ - công dân.

 

Rõ ràng cô công chức trẻ ở trên đã nhìn thấy vấn đề. Nhưng để giải quyết vấn đề ấy cần nỗ lực từ hai phía: công chức nhận thức đúng đắn vai trò trách nhiệm của mình - công bộc nhân dân trong một nền dân chủ, khác biệt rõ với chức quan trong nền chuyên chế quân chủ xa xưa. Và người dân của một nền dân chủ cũng phải ý thức rõ quyền và trách nhiệm công dân - một chủ thể đầy đủ giá trị trong mọi giao dịch hành chính được pháp luật quy định.

 

Sách giáo khoa dành cho học trò Trung học cơ sở ngày trước từng dạy dỗ về tác phong cần có khi đến cửa công: ăn mặc chỉnh tề, đi đứng nghiêm trang, nói năng dứt khoát, không được suồng sã nhưng cũng tuyệt không khúm núm. Nếu chương trình giáo dục công dân trong giáo khoa hiện hành không trang bị những kỹ năng như thế thì có lẽ đó là một sự thiếu sót không nhỏ.

 

Một cô công chức trẻ cấp xã ở Bạc Liêu quê tôi đã có thể hành xử đúng mực. Tôi tin không có lý do gì để hàng triệu công chức khác không thực hiện được những quy chuẩn tối thiểu đó.

NGUYỄN THÀNH CÔNG

Top