Sáng sớm ngày 23/11, một cơn địa chấn mạnh 7.4 độ Richter lại xảy ra tại Nhật Bản, tâm chấn nằm sâu 25km ngoài khơi vịnh Fukushima. Tuy ở cách xa tâm chấn 300km nhưng ảnh hưởng của những cơn rung lắc làm tôi thao thức không thể ngủ tiếp, trong lòng luôn sẵn sàng cho tình huống di tản để đảm bảo an toàn cho gia đình mình. Nhưng bầu trời sáng vẫn yên bình báo hiệu một ngày mới như mọi ngày.
Khi đưa con xuống dưới nhà đợi xe bus của trường mẫu giáo tới đón, nhìn chị Akemi, mẹ của bé Azusa học cùng trường con tôi vẫn vui vẻ và bình thản, tôi hỏi thăm chị về trận động đất: Nhà chị có chuẩn bị túi lánh nạn, để phòng phải di tản thì mang đi không. Azusa, cô bé 5 tuổi đứng cạnh nhanh nhảu chen vào, nhà cháu đã chuẩn bị túi lánh nạn với khẩu trang phòng dịch, lương khô, và cả đài radio chạy pin. Tôi ồ lên khen cháu giỏi, dù trong lòng tôi biết rõ các cháu ngay từ 3 tuổi đã được giáo dục những kiến thức kiểu này ở lớp mầm non rồi. Đài radio chạy pin, thường được tích hợp một dụng cụ quay tay để tạo năng lượng trong trường hợp hết pin, là một trong những vật dụng quan trọng trong các hướng dẫn và tập huấn lánh nạn. Trong các trường hợp thảm họa xấu nhất, mất điện, sập mạng… khi các phương tiện liên lạc bị ngưng trệ, thì đây sẽ là phương tiện thông tin hữu ích nhất.
Chỉ 3 phút sau khi trận động đất xảy ra, toàn bộ sóng truyền hình quốc gia Nhật đã được trưng dụng chỉ để đưa tin về sóng thần và các cảnh báo quan trọng. Cũng ngay khi đó, trung tâm xử lý nguy cơ thảm họa cũng được thành lập. 6h17p, Thủ tướng Shinzo Abe dù đang có chuyến thăm Argentina cũng đã lập tức chỉ thị nội các chính phủ phải đảm bảo cập nhật liên tục và chính xác thông tin thảm họa, đặc biệt là cảnh báo lánh nạn cho người dân vùng động đất. 6h45, Bộ trưởng Văn phòng chính phủ tổ chức họp báo, đồng thời thông báo tình hình nhà máy điện nguyên tử tại Fukushima.
Từ lúc xảy ra động đất 5h59p tới 6h45, chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, tất cả những thông tin quan trọng nhất đã được chuyển tải đến với người dân cả nước. Sau đó là liên tục các cuộc họp báo, thông tin từ ông Abe truyền trực tiếp từ Argentina, các cuộc họp của công ty điện lực Tokyo TEPCO… Tới 12h, các cảnh báo nguy hiểm đã tắt, người dân vùng bị nạn cũng được thông báo để trở về tiếp tục cuộc sống bình thường.
Chiếc radio cứu nạn nhỏ của Azusa, có thể coi như biểu tượng tiêu biểu với cách mà chính phủ và nhân dân Nhật Bản ứng phó với thảm họa. Phía chính phủ cung cấp thông tin khẩn cấp và chỉ dẫn chính xác theo từng phút một qua các phương tiện truyền thông. Phía người dân, họ bình tĩnh đồng lòng lắng nghe thông tin chính thống và hành động theo chỉ thị. Dĩ nhiên sự đồng lòng này cũng không tự nhiên mà đến.
Hôm qua, tôi thấy rất nhiều người đã đặt câu hỏi “tại sao” khi chứng kiến hình ảnh so sánh người Việt Nam đi làm buổi sáng (trong lộn xộn) và người Nhật di tản động đất (trong trật tự). Nhưng tôi nghĩ nên đặt câu hỏi: “thế nào?”- Chúng ta sẽ hành động như thế nào để có được sự trật tự ấy? Thay vì chỉ là câu hỏi chất vấn vì sao.
Sống ở Nhật một thời gian dài, tham gia vô số các hoạt động tập thể, tình nguyện và cả những va chạm những trải nghiệm giáo dục của con cái ở cấp học mẫu giáo trở đi, thật không hề khó để lý giải cho tính đoàn kết, kỷ luật và hành động thống nhất theo chỉ thị chung của người Nhật: nhờ giáo dục và luyện tập liên tục mà thành. Sự đoàn kết và trật tự không thể chỉ trông chờ vào hô hào, kêu gọi ý thức, mà còn nhờ tập luyện, rèn luyện liên tục qua các hoạt động tập thể. Một ví dụ đơn giản nhất, đó là việc tập huấn cứu nạn phòng chống thiên tai, hỏa hoạn ở Nhật được diễn ra ở mọi lứa tuổi, từ mẫu giáo biết bò tới những người trưởng thành, và diễn ra nhiều lần trong năm.
Đằng sau sự trật tự mang tính thương hiệu của người Nhật là một nỗ lực giáo dục và cung cấp thông tin không ngừng của những người lãnh đạo. Tôi nhớ, trong nhiều tình huống xảy ra sự cố, các kênh truyền thông quan trọng và tức thời nhất ở nước ta thường đưa tin về các chỉ đạo từ cấp trên cho cấp dưới với cụm từ rất quen tai: “nhanh chóng chỉ đạo”, thay vì những hướng dẫn cụ thể với người dân. Và rồi thì những thông tin cây đổ, tắc đường, ngập úng sẽ chỉ được cập nhật rải rác trên các báo - và vẫn rất hiếm các hướng dẫn cụ thể rằng họ sẽ phải làm gì để hạn chế những hệ lụy.
Một cơn mưa nhỏ cũng có thể khiến thành phố đình trệ. Phải chăng khi bên đưa tin có trách nhiệm đưa ra những chỉ dẫn kỹ càng hơn, cụ thể hơn và biết đưa ra những phương án hành động tỉ mỉ cho từng người dân, thì những hậu quả mà thiên tai, bão lũ để lại sẽ không còn nặng nề tới vậy. Khi chỉ thị của bên trên và hành động của bên dưới cùng đạt tới một sự thống nhất, thì sự tin tưởng và trách nhiệm của cả hai bên có thể sẽ tăng lên rất nhiều. Và quan trọng hơn cả, là ý thức cốt lõi về “sự trật tự” mà chúng ta ao ước, dù là trong thiên tai hay là trong mỗi buổi sáng tắc đường, được thiết lập chính nhờ trách nhiệm của người ra tín hiệu ấy.
Niềm tin có hay không, đôi khi xuất phát từ chính những tín hiệu trong các xung đột nhỏ nhất.
NGUYỄN QUỲNH CHÂU