Một đồng nghiệp của tôi chia sẻ chị nhất định không hướng cho con theo nghề của mẹ. Chị dạy tiếng Anh, một trong những môn học quan trọng, chị cũng là cô giáo chủ nhiệm giỏi và yêu nghề. Nhưng những người trong nghề như chị, như tôi sẽ hiểu vì sao chị lại quyết định như vậy.
Một đồng nghiệp khác, trong cuộc họp đầu năm đã bất đắc dĩ tâm sự với phụ huynh rằng: “Giáo viên và phụ huynh không phải là hai thế lực đối lập mà thực ra là đồng minh trên cùng chiến tuyến. Vì chúng ta có chung một mục đích, chung một mong muốn. Và ‘kẻ địch’ là ‘lũ trẻ’, thế nên chúng ta nên hợp tác với nhau”.
Chị nói như thế vì trong bối cảnh hiện tại, khi người dân đã mất đi niềm tin ở giáo dục thì việc muốn được đứng cùng chiến tuyến với phụ huynh trên mặt trận dạy dỗ con trẻ, có lẽ là một khát vọng xa xỉ. Cách nói như đùa đó chất chứa nhiều tâm huyết, nhiều cay đắng và chua xót.
Con gái 10 tuổi của tôi từng kể, cháu bị một cô giáo quát mắng nên rất sợ tiết học của cô. Thoạt nghe, tôi cũng giận cô lắm. Nếu không tĩnh trí lại để suy xét, chắc hẳn sự thương con vô lối sẽ đẩy tôi đến những cư xử cực đoan. Có thể tôi sẽ đến trường, làm ầm lên, hoặc tệ hơn, đâm đơn kiện tới hiệu trưởng. Thực tế, đó là cách giải quyết nóng vội của không ít phụ huynh.
Sau nhiều năm đi dạy, tôi hiểu, một khi đã làm giáo viên thì tai nạn nghề nghiệp như thế có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Tôi cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Nếu may mắn, tai nạn đó có thể không gây tổn hại nhiều đến thanh danh và sự nghiệp của giáo viên, nhưng có một hệ lụy nghiêm trọng mà tôi đang cảm nhận thấy ngày một rõ ở các đồng nghiệp, thậm chí ở chính tôi. Đó là nỗi sợ, sự đề phòng và cảnh giác cao độ nhằm tự bảo vệ mình khỏi những phụ huynh hung dữ hoặc thiếu hợp tác. Nỗi sợ, sự đề phòng và cảnh giác đó sẽ gây thiệt thòi và tổn hại cho chính con trẻ. Chúng mất đi cơ hội được thầy cô “quát mắng”, để ý, dạy bảo. Và một khi được bố mẹ bênh vực, chúng sẽ lấn tới. Phụ huynh, tôi chắc chắn, không mong muốn điều đó.
Cô giáo của con tôi phải hoàn thành rất nhiều việc trong một tiết học có 45 phút với gần 50 học sinh, đa số hiếu động và khó bảo. Làm thế nào để chia đủ nguồn sức lực có hạn của cô cho từng ấy học trò.
Con tôi, cũng giống bao đứa trẻ khác, khó lòng ngồi im ngoan ngoãn suốt buổi học, cũng như sẽ có những lúc vi phạm nội quy phép tắc. Thời gian ở trường của con nhiều hơn ở nhà, nói cách khác, người có nhiều điều kiện và cơ hội để quan sát việc học tập và kỷ luật của con tôi hàng ngày chính là thầy cô.
Là một phụ huynh, tôi chẳng dại gì mà không “cầu viện” đồng minh đáng tin cậy đó. Tất nhiên, khi niềm tin đã trở thành một thứ quá quý hiếm trong thời buổi vàng thau lẫn lộn này thì cả thầy cô và phụ huynh đều phải cùng cố gắng bội phần, suy cho cùng cũng là vì con trẻ. Sự hoài nghi nhiều khi lại là liều thuốc giết chết những thiện ý mà chính thầy cô đang rất muốn hết lòng gửi trao.
Nghề giáo và ngành giáo dục đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhưng sự quay lưng của xã hội, sự thiếu cảm thông và tin tưởng của phụ huynh là điều khiến họ đau và nản lòng nhất. Và tôi lo sợ rằng khi họ buông phấn, buông thước, đầu hàng trước học sinh, thì phụ huynh liệu có thể thay họ để dạy dỗ con trong mọi lĩnh vực được hay không?
Tôi và cô giáo của con tôi, tôi và cha mẹ học sinh của tôi, rõ ràng không thể là những thế lực đối đầu. Nhưng một khi giáo viên đã phải thốt lên lời đề nghị để được đứng cùng một phía với phụ huynh thì rõ ràng định kiến, sự ác cảm với nghề giáo đã bám rễ rất sâu trong lòng xã hội.
ĐỖ SÔNG HƯƠNG