Khoảng 3 tháng trước, tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP Hồ Chí Minh) đã có một buổi giao lưu, trao đổi khá thú vị xoay quanh vấn đề vi phạm bản quyền sách. Đó là một cuộc trao đổi cởi mở giữa những người trẻ, mê sách với những đơn vị xuất bản hiện nay. Nhờ đó, họ đã tìm được tiếng nói chung, sự đồng cảm và đặc biệt là những kiến thức cơ bản về luật bản quyền và xuất bản.
Dư âm của cuộc trao đổi kể trên còn chưa dứt, trung tuần tháng bảy đã xảy ra một vụ vi phạm bản quyền sách khá ồn ào. Sau một dòng trạng thái đăng tuyển cộng tác viên đọc sách của Yeah1 Network, một công ty truyền thông lớn của những người trẻ và năng động, phía CLB Sách Sài Gòn đã có phản ứng mạnh mẽ về việc Yeah1 đã sử dụng sách của các nhà xuất bản, công ty sách để thu âm thành dạng sách ghi âm (audio book) và phát hành trên các kênh kỹ thuật số của mình mà không hề có xin phép chia sẻ bản quyền.
Sự chống chế yếu ớt của phía Yeah1 khi cho rằng các sách ghi âm kể trên chỉ phục vụ lưu hành nội bộ cuối cùng đã bị bóc trần khi chỉ hai ngày sau đó, phía NXB Trẻ tố cáo CEO của chính công ty này đang dịch và phát tán trên trang cá nhân của mình cuốn Marketing 4.0 của Philip Kotler, một ấn phẩm mà NXB Trẻ đã mua và nắm giữ bản quyền phát hành tại Việt Nam. Cuối cùng, chính vị CEO của công ty truyền thông nói trên đã phải công khai xin lỗi các NXB, các công ty sách và cam kết sẽ làm việc cụ thể với từng đơn vị về từng đầu sách trong thời gian sớm nhất.
Chuyện ồn ào xoay quanh bản quyền sách nói trên vô tình lại trùng vào khoảng thời gian NSƯT Thành Lộc đăng tải công khai trên facebook của mình việc nghệ sỹ trẻ Gia Bảo lấy nguyên xi trích đoạn phần dàn dựng của anh cũng như kịch bản của đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc trong vở “Tía ơi! Má dzìa” để mang lên dự thi trong một gameshow mà không có bất kỳ một lời xin phép nào.
Chuyện vi phạm bản quyền ở đây là quá rõ nhưng đáng buồn thay nó lại là hành vi vô cùng phổ biến. Rất nhiều nhạc sỹ đã từng than phiền rằng các gameshow khi sử dụng tác phẩm của họ đều không xin phép, không thông báo thời gian phát sóng đến tác giả.
Những nhà sản xuất đều hành xử theo kiểu “có lên Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc” đóng phí rồi nên chẳng cần thông báo ai trong khi họ quên mất rằng tác giả có quyền từ chối tác phẩm của mình xuất hiện trong một chương trình mà họ cảm thấy không phù hợp hoặc họ không thích. Vậy thì các hành vi vi phạm bản quyền hồn nhiên kia có nguyên do từ đâu?
Phải chăng nó chỉ đơn thuần là bởi những người vi phạm (nhà sản xuất chương trình, công ty truyền thông, người sử dụng) bất chấp pháp luật hay do các cơ quan quản lý còn quá lỏng lẻo? Không chỉ đơn giản là vậy. Nó đến từ chính cộng đồng, một cộng đồng thiếu hiểu biết pháp luật, luôn cho nhu cầu của mình là đúng và từ đó dung túng cho hành vi vi phạm bản quyền ngày một công khai hơn.
Đơn cử, ở trường hợp của nghệ sỹ Thành Lộc đưa ra, có không ít người hâm mộ nghệ sỹ Gia Bảo đã bình luận trên bài báo phản ánh sự việc đại ý rằng: “Anh Gia Bảo ơi, anh chỉ mượn một phần nhỏ của tác phẩm chứ anh có bưng nguyên cả tác phẩm lên đâu. Cố lên anh nhé” hoặc “tác phẩm sinh ra để phục vụ công chúng chứ có phải để mang bán đâu mà giữ khư khư”. Hai biện minh bất chấp lý tính này cho thấy thực sự cộng đồng đang suy nghĩ thế nào, hành xử ra sao và tri thức pháp luật nghèo nàn tới đâu.
Quay lại với cuộc trao đổi về bản quyền sách cách đây 3 tháng, cũng có một người trẻ đã dõng dạc cầm micro đứng lên hỏi các đơn vị xuất bản một câu mà có lẽ ai cũng phải bó tay: “Tôi không hiểu tại sao chia sẻ sách lên mạng là vi phạm bản quyền? Mục đích làm sách không phải là để chia sẻ tri thức hay sao? Vậy việc chia sẻ sách là chia sẻ tri thức thì có gì sai? Tôi thấy chuyện này là bình thường. Chúng tôi chia sẻ có vì kinh doanh đâu”.
Vâng, đó là người trẻ, có đọc sách, mê đọc sách, tức là đại diện của những người có thể là trí thức trong tương lai không xa. Họ chuẩn bị gì cho một đời sống văn minh đây? Một sự coi nhẹ pháp luật đến mức hồn nhiên và với một cộng đồng cùng coi nhẹ như thế, bảo sao những hành vi vi phạm không được dung dưỡng đến mức tự tung tự tác?
VĂN ĐOÀN