Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,889 lượt

Tư duy "cấm"

Hà Nội cuối cùng đã quyết định cấm xe máy tại các quận từ năm 2030 bằng việc thông qua đề án được đánh giá “mang tính lịch sử, đột phá, vì sự phát triển của Thủ đô".

 

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những ý kiến ủng hộ, phản đối lẫn ngập ngừng e ngại. Những lập luận có thể trái chiều nhưng phần lớn thừa nhận: xe máy là "thủ phạm" gây nên sự ùn tắc ở thủ đô. Bắt đầu từ luận điểm đó, tôi lật giở lịch sử phát triển giao thông trên thế giới, để xem xe máy liệu đã có tiền sử “gây án” tương tự ở quốc gia nào khác.

 

Những thước phim và ảnh cũng như các trang văn chương ghi lại, ban đầu loài người đi bộ, sau đó cưỡi ngựa, lừa, lạc đà, thậm chí cả voi... Giao thông đường thủy thì bắt đầu từ thúng mủng, thuyền bè rồi đến tàu, chiến hạm... Lịch sử đã thay thế phương tiện này bằng các phương tiện khác văn minh, tiện lợi hơn. Quá trình ấy vừa là sự phát triển của thế giới vật chất vừa là sự phát triển của nhận thức. Tức là người ta chọn cái gì là phương tiện giao thông hoàn toàn không chỉ duy ý chí. Nó được hình thành và loại bỏ đều căn cứ theo một quy luật: Tôn trọng sự tiện nhất và rẻ nhất.

 

Tôi ở Đức một thời gian dài, khi ở đó người ta có tất cả: xe đạp, xe máy, xe bus, ôtô, tàu điện ngầm (U Bahn), tàu điện nhanh (S.Bahn)... và không một phương tiện nào bị cấm. Giao thông ở Đức, đường liên tỉnh nơi đầu mối quan trọng thường có khoảng 6 làn, đường bình thường 3 - 4 làn mỗi chiều, không rộng hơn là mấy so với đường sá ở Việt Nam. Nhưng hạ tầng của họ thường không phải sử dụng hết công suất. Bạn bè, đồng nghiệp của tôi ở cách công sở 100 - 200km. Họ thường lái xe cá nhân đến các nhà ga, gửi lại ở đó và tiếp tục sử dụng các phương tiện công cộng vào thành phố làm việc. Không một kẻ dở hơi nào lại lái xe máy đi làm khi có đầy đủ phương tiện công cộng rẻ hơn, nhanh hơn, tiện hơn. Cũng như vậy, tôi đi khắp Tây Bắc, mong nghe một tiếng nhạc ngựa vó câu xa chìm trong núi thẳm. Tìm mãi, hiếm hoi vô cùng, tôi mới thấy một con ngựa lẻ loi. Vì sao? Những tộc người ở đây, đã chục năm nay, dù ở thung sâu hay núi cao, hôm nay đều bỏ cưỡi ngựa đi để cưỡi xe máy. Dù không ai ra lệnh cấm nuôi ngựa và cưỡi ngựa cả.

 

Luật pháp được xác lập để đảm bảo tự do lưu thông cho tất cả phương tiện. Châu Âu chỉ cấm những phương tiện không đáp ứng được các tiêu chuẩn khí thải, ảnh hưởng chất lượng không khí hoặc những phương tiện nào làm ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, ví dụ không đảm bảo về an toàn lưu thông (quá cũ nát), xả khí xả cao hơn mức cho phép hoặc tiếng nổ gây ô nhiễm tiếng ồn...

 

Như vậy, tôi cho rằng, việc tìm cách kết tội xe máy hay ôtô là thủ phạm gây tắc đường trở thành việc làm khá vô nghĩa. Đáng lẽ cả xe máy và ôtô đều không phải là phương tiện giao thông chính ở nội đô, mà phải là giao thông công cộng.

 

30 năm trước, chúng ta từng sai lầm về quy hoạch, từng hạn chế về tầm nhìn khi ồ ạt phát triển phương tiện cá nhân (xe máy) thay vì tập trung vào các giải pháp giao thông công cộng. Trong lộ trình đến năm 2030, Hà Nội đã xác định rõ nhiệm vụ phát triển giao thông công cộng. Nhưng để kế hoạch này trở thành hiện thực, tôi nghĩ cần rất nhiều quyết tâm và cần nguồn lực rất lớn để đầu tư. Bởi thực tế phát triển hạ tầng giao thông - cả tốc độ xây dựng lẫn quy mô - mạng lưới ở Hà Nội đang khiến cho người dân có lý do để hoài nghi.

 

10 năm trước, dự án xây dựng đường sắt nội đô, dài chỉ 13 km, được khởi động. Đến nay nó vẫn còn dang dở và chưa biết sẽ còn dang dở đến bao giờ. Liệu 13 năm tới, Hà Nội sẽ phát triển thêm được những gì để hệ thống công cộng này đảm bảo vươn tới tận ngõ từng nhà, thay thế cho chiếc xe máy vốn rất tiện dụng và phù hợp với bố trí dân cư của thành phố.

 

Giao thông công cộng ngoài yêu cầu phủ khắp diện rộng còn cần phải “rẻ và tiện dụng". Các phương tiện hiện có của chúng ta mới chỉ đáp ứng vận chuyển người, chưa cho phép mang theo nông sản, súc vật hay đồ vật cồng kềnh. Tôi nhớ, thời xe điện Hà Nội, dẫu còn nhiều hạn chế, nhưng hai tuyến huyết mạch Bạch Mai - Bưởi; Ngã Tư Vọng - Hà Đông từng đáp ứng nhu cầu lưu thông rất lớn, rất tốt cho những người buôn bán nhỏ tiêu thụ sản vật địa phương. Đến năm 2030, khi xe máy bị cấm, người dân có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm ăn buôn bán nếu các phương tiện công cộng không thực sự rẻ và tiện lợi.

 

Châu Âu đã phát triển hệ thống tàu điện ngầm từ hơn 100 năm trước và liên tục mở rộng như một cái lưới trùm khắp thành phố của họ. Nên họ không bao giờ cần phải thông qua một “nghị quyết cấm” với bất cứ phương tiện nào.

 

Từ nay cho đến 2030, việc của Hà Nội là làm và làm cho bằng được hệ thống giao thông công cộng tối ưu. Không phải cấm, người dân cũng sẽ tự chọn phương tiện tốt nhất cho mình. Lúc đó, "cấm" sẽ trở thành một động từ thừa.

NGUYỄN VĂN THỌ

Top