Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,794 lượt

Công thức cảm ơn

Quay lại Việt Nam sau gần bốn năm xa nhà, điều làm tôi cảm thấy không hài lòng khi sử dụng dịch vụ ở một số tiệm ăn, tiệm spa, gội đầu… đáng tiếc, lại là ở lời cảm ơn.

 

Một lần, vào ăn ở một nhà hàng, sau khi đã được phục vụ những món ngon miệng, tôi vui vẻ bước ra khỏi cửa. Bỗng nhiên, tôi nghe thấy cô nhân viên phục vụ nói to cái gì đó. Tôi giật mình, ngoảnh lại xem có chuyện gì, thì cô ấy đã quay đi làm việc khác. Hôm khác, lúc đang ngồi ăn, tôi để ý mới thấy hoá ra mỗi lần khách vào khách ra, các bạn phục vụ đều đồng thanh nói to "Xin chào" và "Cảm ơn", bằng một giọng điệu hẳn là có qua đào tạo. Tôi tự giễu mình, có câu đơn giản thế thôi mà nghe không ra, đến nỗi hôm trước phải hoảng hốt ngoái lại.

 

Tại một tiệm spa, sau khi đã được chăm sóc tận tình bởi một đội ngũ nhân viên rất chuyên nghiệp, tôi mỉm cười nói cảm ơn rồi bước ra khỏi cửa. Cô bé mới một phút trước còn vừa chăm sóc vừa nói chuyện rất nhỏ nhẹ với tôi bỗng nhiên cao giọng, nói gần như hét vào tai tôi: "abc xin cảm ơn quý khách!" (abc là tên cửa tiệm). Bỏ qua cảm giác lùng bùng vì dị ứng với âm thanh cường độ cao, tôi vẫn thấy như vừa bị dội một gáo nước lạnh buốt vì câu cảm ơn được hô lên, dõng dạc và cứng nhắc. Và tôi đã hiểu ra tại sao trong những lần đầu tôi không nghe hiểu được một câu rất đơn giản bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Vì trong hình dung của tôi, câu cảm ơn phải là câu nói chân tình được nói ra một cách tự nhiên và nhẹ nhõm.

 

"Cảm ơn", "Xin lỗi" là những câu nói cơ bản nhất trong phép lịch sự giao tiếp. Nhưng cũng chính vì là câu cửa miệng, dường như chúng ta đã không để tâm đến chúng, khiến chúng trở thành những câu nói trống rỗng. Cách hô khẩu hiệu “xin chào, cảm ơn” như người máy của các nhân viên phục vụ đã tiêu diệt hàm nghĩa của lời nói, khiến câu nói bị rỗng ruột hoàn toàn. Cách cảm ơn khách hàng răm rắp theo công thức ấy cứ tưởng là chuyên nghiệp, nhưng có thể làm hỏng mối giao cảm con người giữa khách hàng và người phục vụ.

 

Tôi hiểu rằng, các hệ thống dịch vụ, đặc biệt là các chuỗi nhà hàng, khách sạn, spa ở các thành phố lớn của Việt Nam đang cố gắng chuẩn hoá tất cả mọi thứ, từ thực đơn cho đến thái độ của nhân viên, cung cách phục vụ khách hàng. Chắc chắn họ phải có rất nhiều quy định chặt chẽ để tạo nên phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Nhưng quy chuẩn thế nào cũng không thể bỏ qua yếu tố nhân văn, bởi điều quan trọng nhất trong mọi dịch vụ vẫn là con người. Khách hàng không thể thoải mái nếu họ nhận được các dịch vụ vô hồn, dù nó hoàn hảo đến đâu.

 

Tôi muốn kể về một lời cảm ơn từ một người có lẽ tôi chỉ gặp một lần trong đời – một lời cảm ơn khiến tôi nhớ và suy nghĩ mãi. Hôm đó là một ngày nghỉ lễ ở Mỹ, gia đình tôi đi chơi, qua một chiếc cầu phải dừng lại trả tiền vé. Chồng tôi chào người bán vé, một cụ già gốc Á, và nói rằng rất tiếc là ông lại phải làm việc trong lúc mọi người đều đi nghỉ. Chúng tôi cũng không quên chúc ông kỳ nghỉ vui vẻ. Ông già ngả mũ nói: “Cảm ơn anh lắm, nhờ mấy câu của anh mà tôi biết rằng mình không phải là một cái máy bán vé như nhiều người vẫn tưởng. Người đi trước anh thậm chí còn không trả lời câu chào của tôi, như đa số người qua đây”.

 

Trước khi xe chúng tôi lao đi, ông còn kịp chúc vui vẻ với giọng nói hết sức phấn khởi. Trên đoạn đường sau đó, chúng tôi cứ nói chuyện mãi về ông cụ bán vé qua cầu, về việc đặt tâm trí vào mỗi lời nói.

 

Cách nói cảm ơn bằng một thứ giọng dõng dạc đồng thanh như tôi đang thấy, dù được nói bằng tiếng Việt, với tôi vẫn là một thứ ngôn ngữ xa lạ. Để mỗi câu nói ra khiến người nghe “cảm” được rõ nhất, ta nói bằng chân tình. Mà chân tình thì không có công thức.

NGUYỄN THỊ THANH LƯU

Top