Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,948 lượt

Gốc rễ của sự ăn bẩn

Cả nước đang “Nói không với thực phẩm bẩn”. Tôi nghĩ với hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam, khi đi mua hàng nếu biết đó là thịt, cá hay rau bẩn… chẳng ai lại bỏ tiền ra mua, dù giá có rẻ đến mấy. Vấn đề là làm sao phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn và không an toàn?

 

Cuối năm trước, tôi từ Rome (Italy) bay sang Munchen, một bang trù phú và giàu có về nông nghiệp ở miền nam nước Đức. Vợ chồng cô em gái đón tôi ở sân bay quốc tế Munchen rồi về Lauingen. Dọc đường, đi qua những cánh đồng ngút ngàn cải bắp và su hào. Tôi xuýt xoa bảo đẹp và ngon mắt. Em gái tôi kể: Vụ trước có cô bạn của em đi ngang đây đã dừng ôtô, lội xuống ruộng quơ vội mấy khóm cải bắp, su hào để đem về nhà ăn. Đưa “hàng” vào ôtô xong, cô bạn nổ máy cho xe lăn bánh thì bất ngờ nhìn thấy từ trong ngôi làng cách đó mấy trăm mét một chiếc xe ôtô con lao ra, cùng đó là tiếng thất thanh la gọi. Không còn cách nào khác cô này cứ dấn ga xe bỏ chạy. Chiếc ôtô đuổi theo càng lúc càng gần, chừng 5 km, cô phát hiện ra xe của mình sắp cạn xăng. Không thể cứ chạy trốn tiếp, cô dừng xe và chiếc ôtô kia cũng áp đến. Cả hai người bước ra khỏi xe, bốn mắt nhìn nhau, cô bạn người Việt nói giọng lạc đi:

- Tao sai rồi. Mày có thể đưa tao đi trình báo cảnh sát hoặc phạt đền bao nhiêu tiền cũng được.

- Không… tao đuổi theo bằng được chỉ để nói với mày là, ruộng bắp cải, su hào tao mới phun thuốc trừ sâu. Phải mấy hôm nữa mới thu hoạch và ăn được…

 

Người đó nói rồi lên xe bỏ đi. Đó là một câu chuyện có hậu, dù ngẫm ra có chút “đắng cay”. Nhưng ở đây, tôi không muốn bàn thêm nữa về thói tham vặt của một bộ phận người Việt, ngay cả khi đã ra nước ngoài sinh sống. Nếu có thể bàn về người sản xuất nông sản, thực phẩm ở xứ người như câu chuyện vừa kể, tôi chỉ xin gói gọn: Người ta sống tử tế với nhau đến thế là cùng.

 

Tôi quê ở một vùng bán sơn địa của tỉnh Hòa Bình. Dễ đã năm bảy năm nay, mùa nào thức nấy, mỗi khi ra Hà Nội người nhà tôi đều mang cho khi thì túi dưa chuột, khi thì bao tải bí xanh hay su hào, bắp cải… Trước Tết một, hai ngày thì năm nào cũng được biếu cặp gà với vài cân thịt lợn. Mỗi lần như vậy người nhà đều lưu ý: “Đây là những thứ nhà nuôi, trồng riêng để ăn”.

 

Tương tự vậy, tôi có người bạn thân từ hồi đại học, quê Thái Nguyên. Ra trường bạn về quê công tác, mấy năm nay thi thoảng bạn vẫn xuôi thủ đô chơi với cháu nội và bao giờ cũng ghé tặng tôi một, hai cân chè. Điệp khúc mà bạn tôi nói là: “Chè trồng riêng để nhà mình uống đấy”.

 

Còn gì ngon miệng và yên lòng hơn mỗi khi đến bữa ăn miếng thịt, miếng rau hay ngồi nhâm nhi chén chè Thái nước xanh ngăn ngắt mỗi sáng mà mình biết rõ xuất xứ?

 

Nhưng khổ nỗi, những sản vật được người nhà hay bạn bè ở quê đem biếu, tặng… gia đình tôi cũng chỉ có thể đủ dùng một thời gian nhất định. Rồi lại phải thường xuyên đi chợ, siêu thị. Mà có người buôn bán nào không nói như đinh đóng cột là hàng của mình sạch và ngon? Dù thứ chúng tôi mua phải rất có thể lại là chính những thứ mà người thân nhà mình trồng để… bán.

 

Sau các vựa nông sản, thực phẩm ở các vùng đồng bằng, ven thành phố, khu công nghiệp… không biết từ bao giờ “cơn bão” dùng thuốc tăng trọng trong chăn nuôi, tăng phọt cho rau củ, quả lại lây lan đến với người nông dân vốn chăn nuôi, trồng trọt nhỏ, lẻ ở các vùng quê trung du và miền núi?

 

Có thể nói, chỉ có người nông dân mới biết rõ mười mươi sản phẩm mình làm ra đâu là sạch đâu là không sạch. Và như vậy, nếu chỉ người tiêu dùng “Nói không với thực phẩm bẩn” thì mới chỉ là phần “ngọn”. Muốn triệt để, phải bắt đầu từ “gốc rễ”, nghĩa là từ người sản xuất và nuôi trồng.

 

Điều gì đã khiến người nông dân của nước bạn có cái quyền “tử tế” một cách xa xỉ như thế, còn người nông dân của chúng ta bị cuốn vào một cơn bão của những loại hoá chất?

Bùi Đức Khiêm

Top