Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,588 lượt

Làng phế liệu

4h30 ngày 3/1/2018, sau tiếng nổ lớn, sáu nhà dân thôn Quan Độ bị thổi tung, để lại cái hố khổng lồ, và cướp đi sinh mạng của hai đứa trẻ. Đó là một vụ nổ "kho phế liệu".

 

Quan Độ chỉ là một trong những "làng phế liệu" của miền Bắc. Còn phải kể đến thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc - chuyên mua bán nhựa phế liệu. Thôn Thuyền, xã Dĩnh Trì, Thành phố Bắc Giang, chuyên "mổ" ôtô cũ hỏng. Làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội thì rác gì cũng "ôm", thậm chí cả xe thiết giáp.

 

Nhiều ngôi làng khấm khá nhờ phế liệu. Nhà cao tầng, xe con và xe tải ở mọi nơi. Nhiều chỗ dân làng còn chung tiền xây dựng hạ tầng, đường xá, cầu cống, chiếu sáng công cộng... không thua kém thành phố lớn. Nghề kinh doanh phế liệu tại Việt Nam khiến nhiều người giàu lên nhanh chóng.

 

Thị trường ấy không có các báo cáo phân tích như bất động sản, không phủ sóng truyền thông như ngành tiêu dùng nhanh, không có chuyên gia nhiều học vị như tài chính, nên ít khi được để ý tới. Chưa ai từng đo đếm cụ thể quy mô và tác động của nó, cho dù những sản phẩm tái chế có mặt ở mọi ngóc ngách của đời sống. Ta chỉ giật mình nghĩ về cụm từ “tái chế phế liệu” khi có một vụ nổ, hay một vụ cháy lớn diễn ra giữa khu dân cư. Giữa năm nay, ở làng Triều Khúc, cũng đã có vụ cháy lớn, và cũng lại là xưởng phế liệu.

 

Và bởi thị trường phế liệu ít khi được phân tích, nên có lẽ ít người biết thông tin quan trọng này: bắt đầu từ tháng 9/2017, chính phủ Trung Quốc đã cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu rắn chưa qua phân loại từ nước ngoài. Năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu 45 triệu tấn rác thải với tổng trị giá 18 tỷ USD. Nhưng với những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho môi trường từ rác thải, quốc gia này buộc phải nói không với nhập rác, để tập trung xử lý chính vấn đề tiêu hủy rác nội địa.

 

Giới truyền thông Mỹ và EU giật mình: Hàng triệu tấn rác đi đâu, khi bãi rác lớn nhất thế giới đóng cửa? Ai sẽ nhập về và tái chế đống phế liệu mà các quốc gia phát triển thải ra?

 

Tôi không dám võ đoán. Hay thậm chí là cũng như nhiều người Việt Nam khác, mãi tới gần đây chưa từng nghĩ rằng đó là một vấn đề. Nhưng chắc chắn đó là một câu hỏi đáng suy ngẫm.

 

Tháng 10/2017, cảng Hải Phòng kiểm tra phát hiện còn tồn đọng 2.836 công-ten-nơ hàng hóa vô chủ, trong đó, nhiều lô hàng giá trị thấp, không đủ điều kiện sử dụng, chưa có kinh phí xử lý, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Khi được "khui" ra, những công-ten-nơ vô chủ chứa gì? 21.398 kg nhựa phế thải; 6.722 kg dược phẩm truyền tĩnh mạch hết hạn sử dụng; 61.000 kg phần đầu cánh gà và 544.594 kg hạt hướng dương, lạc nhân mốc, bốc mùi hôi thối; 21.122 kg táo quả bị hỏng; 25.560 kg muối mỏ lẫn tạp chất dạng phế thải; 40.480 kg dầu đậu nành hư hỏng không còn giá trị; 2.332 kg cà-phê hết hạn sử dụng và rất nhiều chủng loại hàng hóa khác như: tương ớt đóng chai, cọng thuốc lá, đèn sưởi, lốp cao-su cũ, hàng điện tử, ôtô... Đó chính là rác, dù được gọi trên giấy tờ với cái tên mỹ miều nào đi nữa.

 

Mười năm trước, trong chuyến công tác sang Campuchia, tôi gặp một doanh nhân giàu có. Lúc đó, doanh nhân ấy đang giàu lên nhanh chóng bằng việc nhập các container chất đầy ắc quy chì phế thải về cảng Hải Phòng, sau đó chuyển sang Lào, thuê nhân công tại đây gỡ lấy chì, đồng và nhựa. Axit còn sót trong các bình ắc quy, được đổ xuống đất. Đó là một người thức thời, và rất giàu.

 

Nhưng ấn tượng quan trọng nhất của tôi về vị doanh nhân đó: anh có thẻ doanh nhân ASEAN, với một số đặc quyền ưu tiên, như không cần visa hay được mời đích danh tới các hội nghị xúc tiến thương mại trong khu vực. Về mặt hình thức, đó là một doanh nhân đại diện cho quốc gia.

 

Bây giờ ở Việt Nam, nhiều người đã hiểu được cách làm của anh, mà không cần phải tạm nhập tái xuất làm gì, khi các quy định quản lý môi trường còn quá lỏng và nhẹ tay.

 

Vụ nổ ở thôn Quan Độ nói lên rằng, chỉ vì lợi nhuận, người ta sẽ dám ngủ cạnh hàng tấn thuốc nổ. Sinh mạng họ còn không ngại, nên càng không phải đắn đo khi thứ đặt cược “chỉ” là môi trường. Chế biến rác là một ngành công nghiệp lợi nhuận khổng lồ mà không cần đầu tư quá tốn kém, chỉ cần mạnh dạn đánh đổi. Vụ nổ lớn đó có thể là cá biệt, bởi các dấu hiệu hình sự mà những vỏ đạn để lại. Nhưng tâm lý đánh đổi - dù là an ninh, sức khỏe hay môi trường - thì không cá biệt.

 

Khắp nơi, khái niệm "cách mạng 4.0" vẫn lặp đi lặp lại. Nhưng trong tiếng quai búa chan chát, một người thợ lọc phế liệu kim loại thản nhiên đúc rút với tôi: “Cái Bốn Chấm Không còn khướt mới tới tôi. Còn đào lên, đục xuống, lấp đi giấu diếm suốt ngày, thì tôi còn đầy việc cho đến già”.

 

Đó là người thợ già còn chưa biết rằng thị trường phế liệu thế giới vừa có diễn biến mới.

GIA HIỀN (VNEXPRESS)

Top