Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,774 lượt

Cái lý của dạy thêm

Tôi là giáo viên. Khi một thầy hiệu trưởng ở TP HCM khóc trong cuộc họp vì chuyện dạy thêm, tôi không thể không quan tâm. Có nên cấm dạy thêm? Theo tôi đây là một câu hỏi sai. Câu hỏi sai sẽ dẫn tới câu trả lời sai. Không thể cấm một hoạt động không vi phạm pháp luật. Vấn đề đặt ra nên là: Cần quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm như thế nào?

 

Mục tiêu của giáo viên là truyền đạt kiến thức, nhưng ở một số cấp học, giáo viên còn một mục tiêu khác quan trọng không kém - định hướng hành vi, quan điểm đúng đắn cho những đứa trẻ chưa va vấp với cuộc sống. Nhưng dạy thêm - trong một số trường hợp - đã làm xấu đi hình ảnh của người thầy.

 

Tôi có người bạn rất thân - một trong 10 thủ khoa của Đại học Ngoại thương và tốt nghiệp trường này với tấm bằng đỏ. Kể về chuyện học cấp ba của mình, cô nói môn Hóa để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Năm lớp 8, cô là một trong những học sinh giỏi Hóa nhất lớp với điểm tổng kết 9,8. Lên đến lớp 9, môn Hóa trở thành ác mộng với cô, mặc dù cố gắng, điểm tổng kết tụt xuống còn 8,0 -“thấp gần nhất lớp” - theo lời cô. Lý do là giáo viên luôn cho bài kiểm tra và đề thi dựa trên kiến thức học thêm ở nhà cô chứ không phải trên lớp. Bạn tôi không thuộc diện gia đình có điều kiện nên không có tiền đi học thêm.

 

Tôi tin, hiện trạng dè xẻn kiến thức để dạy ở lớp học thêm hoặc ra đề một cách “tiểu xảo” như trên - những gì có từ ít nhất 10 năm trước - đã ngày càng phổ biến và trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Dạy thêm như thế này tất nhiên cần bị cấm.

 

Nhưng có những trường hợp dạy thêm cần được khuyến khích. Có những học sinh có năng khiếu đặc biệt ở một số lĩnh vực nhất định. Việc học trên lớp không đủ thách thức với các em. Các em cần được đào tạo sâu hơn để phát triển khả năng. Ngược lại, có những học sinh hổng kiến thức. Nếu các em có nguyện vọng, trường cần dạy phụ đạo để cung cấp đủ kiến thức cho học sinh. Có những học trò lại muốn được phát triển kỹ năng giao tiếp trong khi học ngoại ngữ. Nhưng giáo trình chính khóa nặng về ngữ pháp thì cần tạo điều kiện để các em được học thêm…

 

Tôi từng có thời gian học ở Mỹ. Nhiều sinh viên ở đây cũng không hiểu hết kiến thức trên lớp. Giáo viên luôn có một giờ gọi là "office hour" để sinh viên có thể đến gặp và hỏi những khúc mắc của mình. Với các giáo sư, trong "office hour" đấy, nếu quá nhiều sinh viên lên hỏi, họ sẽ cảm thấy rất phiền. Vì vậy, họ luôn muốn gói gọn kiến thức trong giờ giảng chính thức. Như thế, họ có thời gian nhàn nhã vào "office hour" hoặc dùng nó để hỗ trợ những sinh viên thực sự cần giúp đỡ.

 

Cấm hay không cấm nhiều khi không phải ra một cái lệnh mà xong được. Hiện nay, việc dạy thêm bên ngoài, ở các trung tâm đào tạo không còn bị cấm. Nhưng chính sách đối với dạy thêm trong nhà trường chưa hợp lý - và đây là căn nguyên của sự tranh cãi, là nguồn gốc gây ra cảm giác tổn thương, dẫn đến những giọt nước mắt như của vị hiệu trưởng ở TP HCM. Tôi thông cảm và chia sẻ với những giọt nước mắt của thầy, nhưng tôi cho rằng, không nên vì nước mắt - dù là của phía đòi dạy thêm hay phía phản bác dạy thêm - để đưa ra những chính sách quản lý trong giáo dục cũng như mọi khía cạnh khác của xã hội.

 

Theo tôi, nên xử lý kỷ luật với những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp như cắt xén kiến thức trên lớp, trù dập học sinh… Còn một khi giáo viên đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy trong chương trình - nghĩa vụ mà họ được trả lương để thực hiện - họ hoàn toàn có quyền tăng thêm thu nhập bằng cách bồi dưỡng nâng cao cho học sinh giỏi hoặc phụ đạo những học sinh yếu kém.

 

Nguyên nhân của tình trạng tiêu cực nảy sinh trong giáo dục có thể xuất phát từ năng lực quản lý của nhà trường và các cấp cao hơn. Không thể vì hành vi sai trái của một bộ phận thiểu số mà cắt đứt quyền được dạy học chính đáng của những giáo viên chân chính và quyền được tiếp nhận kiến thức chính đáng của học trò.

NGUYỄN XUÂN QUANG

Top