Câu chuyện người cha thi hát, bán kẹo nuôi 2 con trai tật nguyền gây xúc động dư luận những ngày qua đã dần hé lộ nhiều tình tiết đau xót.
Người lớn đã có cách hành xử cá nhân trên thân phận bất hạnh của 2 đứa trẻ.
Người mẹ đột ngột lên tiếng ngay thời điểm mạnh thường quân xếp hàng dài trước ngôi nhà ở huyện Bình Chánh, TP.HCM của anh Đặng Hữu Nghị.
Gánh chịu bao lời mắng chửi của người đời, người phụ nữ đang mang bệnh này phải lên tiếng, chỉ mong mình không phải gánh tiếng ác người mẹ bỏ con, rằng chị vẫn yêu thương và thường xuyên thăm nom con.
Trước sự tiết lộ của người vợ, anh Nghị phải thừa nhận cuộc sống của 3 cha con không đến nỗi phải đi hát rong bởi tiền tài trợ vẫn đều đều đổ về.
Sự im lặng, mập mờ để mặc người đời hiểu lầm về người vợ, về số phận của 3 cha con của anh chỉ để nguồn ủng hộ vật chất từ các mạnh thường quân không mất đi.
Mới đây nhất, một chương trình truyền hình cảm động, lấy đi nước mắt của không ít khán giả phát sóng, đã đẩy làn sóng kêu gọi hỗ trợ cho cha con anh Nghị tiếp tục dâng cao. Tiền đổ về căn nhà ngày càng nhiều nhưng thân phận của 2 đứa trẻ vẫn bế tắc. Hai cháu vẫn quẩn quanh trong cái gánh hát rong hằng đêm để nhận tình thương của người đời.
Chia sẻ với những người kém may mắn không chỉ là đạo nghĩa của cuộc sống mà còn là sự thúc giục lương tri trong mỗi con người. Nhìn nhận, va chạm với những đau thương để mỗi người được thấy mình may mắn và khi giúp đỡ người khác chính là cách cảm ơn tạo hóa đã ban cho chúng ta sự bình yên. Thế nhưng, gió bão xô bồ của cuộc sống đã khiến không ít người nỡ biến bất hạnh của người khác thành cơ hội của bản thân.
Một Hào Anh bất hạnh, bị ngược đãi từ thuở nhỏ đã trở thành kẻ trộm chỉ sau một thời gian tiêu xài hết tiền người khác giúp đỡ. Chúng ta cũng chưa thể thôi giận dữ đối với một anh chàng đã có vợ con vẫn lừa dối tình cảm của cô gái mù bán hàng rong trên một chương trình truyền hình để kêu gọi lòng thương.
Có thể ai cũng có một chút dã tâm trong tâm hồn nhưng không thể dùng sự bất hạnh của người khác để thỏa mãn những hèn kém của bản thân. Đó là sự bất lương bởi kêu gọi lòng thương bằng những toan tính rình rập. Trong khi những người thật sự bất hạnh vẫn chống chọi cật lực, lao động hằng ngày để mong được xã hội thừa nhận.
Ồn ào trưng bảng hiệu, dúi tiền vào túi người nghèo để quảng bá cá nhân và doanh nghiệp của mình. Dồn dập đổ tiền vào một cá nhân bất hạnh trong khi cuộc sống còn biết bao những cảnh đời cần được chia sẻ. Ông bà ta đã dạy "Của cho không bằng cách cho". Lòng tốt nếu thể hiện không đúng chỗ, đúng cách sẽ tạo cơ hội cho lòng tham nảy sinh bởi đồng tiền từ tình thương sao dễ dàng quá đỗi.
"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng", để "gió cuốn đi". Thế nhưng, sự hảo tâm cũng phải được gửi trao đúng chỗ.
PHẠM HỒ