Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,482,133 lượt

'Trả tiền rồi mà?'

Tháng 5 này, cứ như cả Sài Gòn chỉ mô tả được bằng một từ: Vội. Một nửa đi du lịch và nửa còn lại hối hả phục vụ, trong cái nóng bốc lên mờ mắt.

Vừa hết kỳ nghỉ lễ, các đoàn du lịch đã quay về nhà và công sở; khách sạn và khu nghỉ đang dọn dẹp, chuẩn bị cho đợt khách tiếp theo vào cuối tháng, khi trẻ con được nghỉ hè.

Nơi tôi ở là khu nghỉ tầm trung gần Vũng Tàu, có cô Mười, 58 tuổi, nhỏ người, da đen và tóc ngắn. Hai mẹ con cô được chủ khách sạn dành cho một phòng cạnh khu nhà bếp, kiêm nơi chứa đồ nghề của cô. Cô Mười lau chùi dọn dẹp cho khách sạn đã hơn chục năm, cậu con trai làm lễ tân.

Dọn phòng cho khách thiếu ý thức, rất cực, cô bảo. Có khách khi trả phòng đã xếp chăn gối, dọn rác, tém lại đồ gần như ban đầu. Những cũng có nhiều khách, chủ yếu là "khách nội mình", hay xả rác trong phòng, vứt cả vào gầm giường, nóc tủ. Khăn tắm thường dính thức ăn và bị dùng lau chân, sàn nhà tắm.

Tôi giúp bạn mấy việc vặt, chủ yếu trả lời khách đặt phòng qua mạng. Khách đến đây khoảng 80% là người nước ngoài, đặt phòng qua ứng dụng toàn cầu, 20% còn lại là khách Việt.

Nhật ký của nhân viên trực tháng 4 viết: Phòng H khách đi ra ngoài hai ngày đều không tắt điều hòa; phòng X rèm cửa bị chùi bánh pizza phải tháo ra giặt; phòng V mang sầu riêng vào và bỏ hạt vào bồn cầu; phòng I có càng cua trong bồn cầu; phòng S để rác ở bồn rửa mặt và mất khăn tắm; phòng Y đã nhắc nhở, hơn hai giờ chiều khách mới chịu trả phòng.

Một lần, thấy người đàn ông bế đứa nhỏ vừa đi vệ sinh xong đứng rửa ráy trong bồn rửa mặt của khu lễ tân, tôi quyết định nói ra: "Anh ơi, bồn để rửa mặt và rửa tay, phòng vệ sinh ngay sau lưng, anh có thể bế cháu vào đó". "Ơ, trả tiền rồi mà", anh đáp.

"Trả tiền rồi mà", có thể bạn sẽ chẳng thấy chua chát. Thị trường mà, thuận mua vừa bán, rạch ròi sòng phẳng, cứ cảm xúc với nhân văn thì kinh tế làm sao đi lên được.

Không ai hoàn hảo trong mắt người hầu phòng, như câu ngạn ngữ, bạn sẽ thôi thần tượng một người khi dọn phòng ngủ của họ. Người chủ bảo tôi, cậu không thể nuông chiều bản thân theo kiểu chỉ gặp những người muốn gặp, ta phải là chuyên gia "ngành chào đón và chia tay" với cái miệng kéo đến mang tai.

Nhưng trong tôi cứ khuấy lên, kiểu như điều gì đã khiến người kia rửa mông cho con trong bồn rửa mặt; hay điều gì khiến chúng ta, trong vai du khách, đã không chút gợn lòng khi di chiếc khăn tắm trắng tinh dưới chân, bật điều hòa trong khi mở cửa sổ cả ngày và hút thuốc, hoặc lấy rèm cửa lau thức ăn.

Có một loại rác, rác du lịch, là thứ bạn để lại cùng với suy nghĩ "trả tiền rồi mà". Bạn rời đi, cô Mười phải thò tay vào bồn cầu nhặt cái càng cua và hạt sầu riêng vì bạn đã trả tiền. Cái phòng bạn lén hút thuốc, họ phải đun một nồi dấm lên để tẩy mùi. Rác, hay vàng, là thứ bạn có thể để lại trong tâm hồn người khác.

Ở bất cứ đâu, bạn đều đang tạo ra một trường ảnh hưởng xung quanh mình. Đó là thứ người khác thấy tỏa ra từ bạn, lời bạn nói, cách bạn nghĩ, nét mặt, phong thái, dòng chữ đang chạy trong đầu bạn, quần áo bạn mặc, thứ bạn đang đọc, điều bạn quan tâm. Dù không cố ý, những gì bạn đang thể hiện ra xung quanh vẫn lặng lẽ lan đi khiến sự hiện diện của bạn làm người khác thấy tốt tươi hay héo úa.

Đến - đi không dấu vết là cách sống của những con người mới, không chỉ với một chuyến đi mà cả cuộc đời. Họ luôn làm sao để khi rời khỏi một nơi không để lại hệ quả gì lên thiên nhiên, con người. Khi xong việc gì, rời khỏi vị trí nào cũng dọn sạch để người sau không vướng phải rác của mình.

Giá trị và giá tiền không phải bao giờ cũng như nhau. Giá tiền bỏ ra mua một phòng khách sạn có thể tương ứng với dịch vụ họ đem lại, ngoài bữa ăn hay chỗ ngủ còn là giá trị tinh thần. Còn giá trị của người mua dịch vụ thì không quy ra số được, chỉ mình ta biết.

Người Mỹ có "Bài kiểm tra New York Times". Khi cần biết nên hay không nên làm một việc ở ranh giới phải trái đúng sai, họ tưởng tượng xem sẽ thế nào nếu toàn bộ sự việc được phơi bày trên trang nhất của báo New York Times danh tiếng?

Tư duy "trả tiền rồi" không chỉ xuất hiện ở ngành du lịch. Từ việc quát nhân viên phục vụ, đòi hỏi vô lý trong nhà hàng cho đến tinh vi hơn là "trả rồi" chen chân lên trước người khác ở những nơi đòi hỏi phải xếp hàng... đều có nguồn cơn từ suy nghĩ: ta đã chìa tiền ra, ta phải nhận được nhiều nhất thứ mình muốn.

Nhưng đôi khi, đòi hỏi quá mức, bạn vô tình tiêu cả vào giá trị của bản thân.

HỒNG PHÚC/ VNEXPRESS

Top