Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,474,166 lượt

Lợi lộc từ lương tối thiểu

Tuần trước, giữa những bộn bề của Brexit, ở London xẩy ra một cuộc biểu tình nhỏ. 30 lao công phản đối việc thu nhập không tăng lên với mức lương tối thiểu, khi giới chủ ma mãnh cắt giờ làm để giữ mức chi trả như cũ. Trớ trêu thay, những lao động này làm việc tại trụ sở của Cơ quan Thuế và Hải quan Hoàng gia Anh, đơn vị đã đưa ra đề xuất tăng lương tối thiểu mới tại xứ sở sương mù.

 

Khắp nơi ở Anh, giới chủ tìm đủ mọi cách để cắt giảm lao động, phúc lợi, số giờ làm thêm, hay tiền thưởng để bù chi phí tiền lương tối thiểu. Và rốt cuộc, chính sách tưởng như có lợi cho người lao động này lại phản tác dụng, khi hệ quả kéo theo là môi trường làm việc tệ hơn, rủi ro bị thôi việc cao hơn, và giá cả có nguy cơ tăng theo tiền lương.

 

Một năm qua, tranh cãi về mức lương tối thiểu cũng diễn ra hết sức căng thẳng ở Việt Nam, giữa Tổng Liên đoàn Lao động (Công đoàn) - đại diện cho quyền lợi công nhân - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho “giới chủ”. Công đoàn muốn tăng lương tối thiểu lên 11,11% để đáp ứng 90% nhu cầu sống của công nhân, trong khi VCCI đề xuất 4 -5% để giảm sức ép chi phí cho doanh nghiệp. Kết quả cuối cùng, cả hai bên đều phải nhượng bộ và thống nhất với mức tăng 7,3%.

 

7,3% là ít hay nhiều?

 

Với mỗi người lao động ở mức tối thiểu, họ được thêm khoảng hơn 200.000 đồng một tháng, tương đương 6 bát phở, một tuần xăng xe, hay một hộp sữa bột trẻ em. Không nhiều, nhưng cũng hỗ trợ được phần nào cho cuộc mưu sinh vất vả. Lương tối thiểu, về lý thuyết, sẽ bảo vệ công nhân khỏi bị bóc lột sức lao động rẻ mạt, giúp họ ít nhất đáp ứng nhu cầu sống cơ bản. Tôi ủng hộ lương tối thiểu vì những mục đích nhân văn như vậy.

 

Nhưng đó là lý thuyết. Trên thực tế, hệ thống lương tối thiểu của chúng ta bảo vệ quyền lợi của người lao động đến đâu lại là câu chuyện khác.

 

Câu hỏi trước tiên là mức lương tối thiểu mới sẽ hỗ trợ được cho bao nhiêu lao động. Trong phần tranh luận của mình, Công đoàn không đưa ra số liệu cụ thể về số lao động sẽ được tăng lương (tức mức lương trước đó của họ thấp hơn mức tối thiểu mới ban hành). Đây là một điểm cần làm rõ, bởi trong khoảng 19 triệu người làm công ăn lương, không phải ai cũng được tăng thêm 200 nghìn một tháng. Khi tôi chiết xuất số liệu theo Điều tra Mức sống Hộ gia đình (VHLSS) của Tổng cục Thống kê (2014), có khoảng 20% lao động làm công ăn lương có mức lương dưới mức tối thiểu thấp nhất (2,33 triệu VND).

 

Với lao động đã có lương cao hơn mức tối thiểu, mức thu nhập thực tế của họ thậm chí còn bị giảm đi, bởi số tiền lương giữ nguyên, trong khi mức đóng phí bảo hiểm xã hội tăng lên (do phần lớn doanh nghiệp lấy mức lương tối thiểu làm cơ sở đóng các loại bảo hiểm khác nhau). Như vậy, nhiều khả năng phần đông các lao động, cùng với doanh nghiệp, sẽ chịu thiệt thòi khi mức lương tối thiểu tăng.

 

Với những người lao động dưới mức lương tối thiểu, cũng chưa chắc họ đã được nhiều lợi ích hơn. Nguyên do không khác gì câu chuyện ở nước Anh: giới chủ sẽ biết cách để lách qua khe cửa hẹp của pháp luật để tránh phải trả mức lương cao hơn.

 

Số liệu từ VHLSS nói trên cũng cho thấy đến 18% số người lao động nhận mức lương dưới mức tối thiểu cũ, tức là 2,15 triệu đồng. Điều này có nghĩa là còn một lượng rất lớn lao động không được trả theo mức tối thiểu. Con đường để những lao động này nhận được mức lương tối thiểu mới, thậm chí còn thấp hơn mức cũ, còn khó khăn hơn gấp bội với khả năng thi hành luật hiện tại. Dù có chế tài, thực tế chưa có doanh nghiệp nào bị xử phạt vì trả lương dưới mức tổi thiểu.

 

Điều tệ hơn diễn ra khi doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, vốn phần lớn tập trung vào những phúc lợi dành cho công nhân, khi có mức lương tối thiểu mới. Đời sống công nhân tưởng chừng khấm khá hơn, sẽ chịu thêm nhiều gánh nặng trên vai.

 

Rốt cuộc, nghêu sò đánh nhau, ngư ông hưởng lợi. Chỉ có bên không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh là vui với lương tối thiểu mới. Khi tổng quỹ lương xã hội tăng lên, cơ quan bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm xã hội vốn khi nào cũng trong tình trạng “sắp vỡ trận” trong những năm vừa qua, sẽ nhận được thêm tiền từ 26% tổng quỹ lương. Công đoàn, theo quy định nhận được 3% bắt buộc đóng góp từ tổng quỹ lương, cũng sẽ được tăng thêm kinh phí hoạt động.

 

Lương tối thiểu là công cụ điều tiết cần thiết để đảm bảo quyền của người lao động, đó là điều không phải bàn cãi. Trên thế giới, đến 90% các quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) (169/187) có mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, lương về cơ bản vẫn phải tuân theo nguyên tắc thị trường. Việc “ép” mua hàng giá cao về dài hạn sẽ chỉ bóp méo những mối quan hệ kinh tế bình thường và lành mạnh, khiến doanh nghiệp kiệt quệ, còn người lao động thì không có động lực nâng cao kĩ năng làm việc.

 

Hơn nữa, tăng lương tối thiểu cần phải có cả một hệ thống chính sách hỗ trợ đi kèm, như việc buộc các bên chấp hành nghiêm chỉnh quy định, trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ khỏi sức ép gia tăng chi phí sản xuất, hay tạo cơ chế cho phép công nhân tự bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Khi chưa làm được điều đó, tăng lương tối thiểu một cách chủ quan sẽ chẳng khác nào đau bụng cho uống nhân sâm.

KHẮC GIANG

Top