Tranh thủ những ngày cuối hè, gia đình tôi và những bạn học từ thời phổ thông tụ hội lại ở miền biển Địa Trung Hải để trẻ con được chơi và dùng tiếng Việt cùng nhau.
Không dễ tìm được những gia đình trong cộng đồng người Việt xa quê hương mà ở đó, trẻ con vẫn giữ được trọn vẹn tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết). Với bọn trẻ sinh ra và lớn lên ở các nước như Pháp, ngôn ngữ của nước sở tại mới thật sự là "tiếng mẹ đẻ" theo nghĩa rộng, vì nó được mặc định sử dụng trong toàn bộ thời gian và không gian bên ngoài phạm vi gia đình. Vốn dĩ con người nói chung, trẻ em nói riêng, chỉ thích những gì tự nhiên và thuận tiện. Vì vậy, công cuộc giữ gìn tiếng Việt cho con ở nước ngoài của gia đình tôi thật gian nan và vất vả.
Từ năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Trong đó, ngày 8/9 hàng năm được chọn là ngày để tôn vinh. Theo đề án này, Chính phủ bằng kênh ngoại giao sẽ thúc đẩy mở lớp tiếng Việt tại các cơ sở giáo dục địa phương. Ngoài ra, các sự kiện và khen thưởng sẽ được thực hiện nhằm tôn vinh cá nhân, tổ chức có đóng góp vào việc giữ gìn tiếng Việt tại nước ngoài.
Đề án nói chung, và việc chọn ngày 8/9 hàng năm là ngày tôn vinh nói riêng, cho thấy Chính phủ bắt đầu quan tâm đến vai trò của tiếng Việt ở môi trường nước ngoài. Điều này phù hợp với cách Nhà nước vẫn nhắc về người Việt ở nước ngoài như một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cảm thấy những kế hoạch thúc đẩy nêu trên còn thiếu chi tiết, trong khi nhu cầu của mỗi gia đình người Việt tại nước ngoài lại rất cụ thể.
Ngoài sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, trẻ còn học ngôn ngữ qua những cuốn truyện giản đơn. Độ phức tạp trong ngôn ngữ của những cuốn sách sẽ tăng dần theo độ tuổi của trẻ. Sự cuốn hút của sách đối với trẻ nằm ở chất lượng tác phẩm. Vì vậy, có thể nói là trong bất cứ ngôn ngữ nào, động lực học ngôn ngữ của trẻ bắt nguồn từ sách.
Trong những dịp về Việt Nam, tôi luôn cố gắng gom sách cho con nhưng không có nhiều lựa chọn. Văn học thiếu nhi Việt Nam chưa có nhiều tác giả đặc sắc ngoài Nguyễn Nhật Ánh và một số tên tuổi đã "muôn năm cũ" như Tô Hoài, Võ Quảng... Nhìn trên giá sách trong các nhà sách lớn tại TP HCM và Hà Nội, tôi thấy phần nhiều là tác phẩm văn học dịch. Thử hỏi, một đứa trẻ sinh ra và sống ở nước ngoài, với đủ loại nguyên bản sách cho thiếu nhi bằng ngôn ngữ bản địa, liệu có còn hứng thú để xem cùng một quyển sách được dịch ra tiếng Việt nữa không.
Tôi cũng từng dạy tiếng Việt cho người lớn trong các hội văn hóa có yếu tố Việt Nam. Giáo trình dạy tiếng Việt mà tôi tìm kiếm được từ các trường đại học lớn trong nước khá hàn lâm và khô khan, không phù hợp với người muốn học tiếng Việt thực hành. Đến khi con gái tôi bắt đầu học đọc tiếng Việt, không có lựa chọn nào khác, tôi đành thử nghiệm với nhiều bộ sách giáo khoa lớp 1 của Việt Nam, nhưng bất thành. Những tài liệu đó quá nặng nề và dài dòng cho trẻ em ở nước ngoài. Tôi phải biến tấu, pha trộn nhiều bộ sách để lấy tư liệu, kết hợp với khả năng sư phạm của bản thân mới có thể dạy con đọc tiếng Việt.
Trẻ con ngày nay không chỉ tiếp cận ngôn ngữ qua sách mà còn qua các phương tiện nghe nhìn, nhất là các sản phẩm giải trí truyền thông đa phương tiện trên Internet. Nhưng Việt Nam ít có những loạt phim hoạt hình thuần Việt phát hành trên các nền tảng quốc tế. Các phim hoạt hình mà trẻ em Việt ở nước ngoài đang xem là những chương trình được lồng thứ tiếng Việt rất tự phát, cả về từ vựng lẫn âm sắc.
Hơn mười năm trước, tôi từng ngạc nhiên khi ngay tại Việt Nam, học sinh Việt Nam nói tiếng Việt như những "ông Tây con". Giờ trở thành phụ huynh, tôi đã thấu hiểu cảm giác "đói tiếng mẹ đẻ" vì thiếu hụt các sản phẩm văn hóa chất lượng cao và mang đầy bản sắc Việt cho riêng trẻ em Việt ở nước ngoài.
Sự ra đời các chủ trương gìn giữ tiếng Việt ở tầm vĩ mô là quan trọng, nhưng sẽ quý giá hơn nếu được song hành với các kế hoạch thực thi chi tiết, thiết thực như là đẩy mạnh quảng bá văn hóa, văn học Việt Nam ở nước ngoài. Nếu không, các thế hệ trẻ ngoài đất nước, dù bập bẹ được tiếng Việt, vẫn sẽ thực sự "đói ngôn ngữ quê hương".
VÕ NHẬT VINH/ Theo VnExpress