Có lần, doanh nghiệp tôi nhận được cuộc gọi từ thư ký một lãnh đạo ngành. Họ muốn lãnh đạo công ty góp ý cho họ về một số vấn đề quan trọng của chính sách. Chúng tôi ở TP HCM, họ tổ chức tại Hà Nội. Lời mời khá gấp song vì cảm thấy đây là việc cần thiết, chúng tôi khăn gói ra Hà Nội đến cuộc gặp.
Tới nơi, họ cho ngồi đợi cả tiếng đồng hồ. Bất chấp việc lời mời được đưa ra bởi “tư lệnh ngành” - cái cách đối xử với doanh nghiệp được mời đến nơi để góp ý thì không khác gì một đơn vị đến xin xỏ. Cách họ cư xử trong quá trình trao đổi, cũng giống như chúng tôi là một nhân viên nhà nước đi báo cáo với họ. Doanh nghiệp được mời tham gia góp ý nhưng bị lép vế ở vai trò bề dưới.
Tôi ngạc nhiên quá. Họ mời mình đến để nghe ý kiến mình, bởi việc mình góp ý giúp cho việc xây dựng văn bản luật của họ, nhưng họ đối xử như là mình đi xin. Và thái độ nghe ý kiến cũng không có vẻ gì là muốn cầu thị để thay đổi hiện trạng vấn đề. Chuyện hành xử như vậy không chỉ một lần. Trong nhiều năm làm doanh nghiệp, tôi được một số cơ quan nhà nước mời đến trao đổi, xin ý kiến nhưng tôi hiếm khi thấy sự trọng thị thật sự mà thường là thái độ quan liêu. Có lần tôi thấy vô lý quá, liền đứng dậy bỏ về giữa chừng.
Tôi không nói tất cả các cuộc làm việc giữa doanh nghiệp - cơ quan công quyền đều như vậy. Cũng có những cuộc đại diện chính quyền có lắng nghe và chia sẻ, nhưng thực sự không nhiều. Còn lại có rất nhiều cuộc gặp, làm việc, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, chuyến đi mà cách tổ chức không đi vào thực chất. Có những lần doanh nghiệp được chọn đi dự cái này cái kia nhưng cách trao đổi khiến doanh nghiệp hiểu là do mình được “ưu tiên” chú không phải sự lựa chọn công bằng mà họ xứng đáng được hưởng. Thậm chí có doanh nghiệp đã từ chối sự “ưu tiên” đó.
Tôi biết những sự kiện khai trương dự án lớn có ý nghĩa với kinh tế vùng, do một cơ quan công quyền đứng ra mời gọi đầu tư, nhưng khi doanh nghiệp gửi thư mời đại diện chính cơ quan đó xuống tham gia, thì không hề nhận được câu trả lời.
Hay trong sự vụ hàng ngày, biết bao nhiêu đơn từ, thư mời, thư đề nghị của doanh nghiệp cứ gửi đi rồi biệt tăm, rất ít khi có hồi âm.
Vì sao mà trách nhiệm của cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp không bình đẳng như vậy? Chính tư duy “xin – cho”, hay là “ban phát - cho phép” tạo ra thái độ đó.
Có ai cảm thấy ngạc nhiên khi hầu hết tất cả công văn, đơn từ doanh nghiệp gửi đi cơ quan nhà nước đều là “đơn xin”. Người ta đã quen nên không ai chỉnh sửa từ “xin” phi lý này, bởi vì mấy chục năm qua nó đã ngấm vào máu vào xương chúng ta, và không ai cảm thấy bất bình với từ xin, cũng không ai chủ động thay thế nó bằng từ “đề nghị”.
Trong mối quan hệ giữa khu vực tư nhân và khu vực công, tâm lý bình đẳng chưa được đề cao.
Đơn cử, chúng ta vẫn dùng những từ bóng bẩy như cơ quan công quyền là công bộc của dân, đầy tớ của dân. Dân, doanh nghiệp cũng không cần cơ quan công quyền làm đầy tớ. Chỉ cần họ có được văn hóa phục vụ, coi doanh nghiệp là đối tác, là khách hàng của mình, và hành xử theo thái độ tôn trọng nhau, hợp tác hai bên bình đẳng và đều có lợi.
Tôi không cần anh phục vụ, chỉ cần anh làm đúng theo chức năng bình đẳng của vai trò cơ quan bảo vệ và phục vụ theo văn bản, theo hợp đồng, theo luật pháp thì tôi cũng biết ơn anh. Bởi vì người dân, doanh nghiệp đang trả lương cho bộ máy công quyền.
Chúng ta mong muốn chính phủ kiến tạo. Kiến tạo là tạo ra môi trường tốt để doanh nghiệp sinh sôi phát triển và bản thân các doanh nghiệp cũng có vai trò kiến tạo của mình trong sự tương tác ngược lại với chính quyền. Nền kinh tế là một cơ thể, các doanh nghiệp là các tế bào. Tế bào yếu thì cơ thể ốm.
Trong cuộc gặp gần đây giữa Thủ tướng và đại biểu doanh nghiệp tư nhân toàn quốc - hàng chục nghìn doanh nghiệp theo dõi và cả nghìn đại diện tham gia trực tiếp - ông đã thể hiện mong muốn xây dựng một chính phủ liêm chính kiến tạo và hành động. Nếu tư duy xin-cho còn thì cơ chế hành động - liêm chính - kiến tạo sẽ còn bị hạn chế. Nguồn gốc một chính phủ liêm chính kiến tạo và hành động phải bắt nguồn từ thay đổi trong tư duy.
Vậy bao giờ thay đổi, thay đổi từ đâu? Tôi nghĩ, ta cần kích hoạt cuộc cách mạng văn hóa đó bằng việc gạch đi một từ “xin” trong các lá đơn.
PHẠM PHÚ NGỌC TRAI