Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,929 lượt

“Hoàng hôn” nhiệm kỳ là “bình minh” lợi ích?

Hai chữ “hoàng hôn” và “bình minh” tưởng như gợi lên những buổi chiều tà êm ả hay buổi sáng tinh sương mát lành. Nhưng những gì xảy ra bấy lâu nay cho thấy “hoàng hôn nhiệm kỳ” và “bình minh lợi ích” là những con sâu con mọt gặm nhấm sức mạnh quốc gia.

 

“Hoàng hôn” và “bình minh” là những khái niệm vốn thuộc về thiên nhiên, là quy luật vận động vốn có của tạo hóa. Khái niệm “hoàng hôn” thường gieo vào suy của nghĩ chúng ta về thời điểm sắp sửa kết thúc của một hành trình mà ở đó sẽ có sự tàn lụi, gợi lên nỗi buồn. Sau hoàng hôn sẽ là “bình minh”, nơi sẽ có những điều mới mẻ, báo hiệu sự bắt đầu.

 

Đó là chuyện của tự nhiên, dù muốn hay không thì sự vận động mang tính khách quan ấy vẫn diễn ra ngoài ý muốn của con người, loài người sẽ diệt vong nếu sau hoàng hôn không có bình minh.

 

Tuy nhiên, sẽ là thảm họa nếu cứ vào “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì “bình minh lợi ích” thi nhau nở rộ, đó là thực trạng đáng lo ngại hiện nay trong một bộ phận của bộ máy nhà nước. Và chính nó cũng là một mô típ của tạo hóa nhưng lần này ứng vào những câu chuyện nhức nhối trong xã hội mà bất cứ ai quan tâm đến tình hình đất nước không khỏi trăn trở băn khoăn.

 

Cho đến nay “bản quyền” của câu nói bay bổng “hoàng hôn nhiệm kỳ” được coi thuộc về ông Lê Như Tiến – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, ông nói nguyên văn như sau: “Một số quan chức Nhà nước thường tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ, chạy đua nước rút để thực hiện những chuyến tàu vét cuối cùng”.

 

Nội hàm câu nói của đại biểu Tiến vốn không mới, vì tham nhũng, lãng phí vào lúc gần về hưu là điều có từ lâu, nhưng mới ở chỗ là nó có tính khái quát cao, có hồn “văn chương”, dễ nghe, dễ nhớ nhưng ngẫm thì vô cùng đắng chát!

 

Cứ vào cuối nhiệm kỳ, cái cần nhất là trách nhiệm thì tàn lụi còn cái nguy hại cho đất nước, địa phương là lợi ích cá nhân lại nở rộ. Chắc hẳn chúng ta chưa quên câu nói của Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khiến cả nghị trường bật cười “Trách nhiệm của tôi là sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp, chứ hết thời gian rồi thì làm sao bây giờ?”.

 

Trở lại với vấn đề làm “nóng” dư luận mấy hôm nay là khối tài sản khủng của ông Hoàng Sỹ Bình nguyên Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa: “sau khi nghỉ chức Giám đốc Sở Y tế thì đã tiến hành động thổ xây dựng một biệt thự “khủng” tại vị trí đắc địa có tới 3 mặt tiền. Ngôi biệt này có số lượng 4 tầng, cao ngất ngưởng, bề thế, tọa lạc trên diện tích 410m2”. Ngoài ra còn một danh sách dài dằng dặc những bất động sản ở vị trí “vàng”!

 

Có hay không chuyện vị nguyên Giám đốc này và gia đình của ông phải làm đến “thối móng tay” mới có được khối tài sản ấy hay là nhờ “cú hích” của “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì chưa thể khẳng định, nhưng trước mắt thiên hạ đã rõ: “từ năm 2009 - 2015, ông Bình đã qua mặt chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định, văn bản tuyển dụng sai trái, không đúng thẩm quyền để các đơn vị của ngành tuyển dụng nhiều lần, với số lượng lớn hơn 3.700 lao động hợp đồng không xác định thời hạn và có thời hạn”.

 

Vậy, ít ra hai năm cũng đã rõ được… tám, chín phần, hàng nghìn con người được tuyển dụng ào ạt vào cơ quan nhà nước chứ chẳng phải là chuyện bé như… cái móng tay, vấn đề ở đây là tại sao “con voi” có thể dễ dàng chui lọt “lỗ kim”?

 

Bày tỏ quan điểm về vụ việc này ông Lê Như Tiến cho rằng: “vấn đề ở đây có thể là có lợi ích nhóm, cùng nhau ăn chia rồi kín miệng với nhau, chứ không thể nào mà một vị Giám đốc Sở Y tế tuyển dụng tới hàng nghìn người trong nhiều năm mà cơ quan chức năng có trách nhiệm lại không biết”.

 

Khó tin hơn, ông Bình còn ký quyết định tuyển dụng một loạt cán bộ viên chức vào bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa khi công trình này đang còn… trên giấy! Rõ ràng sống trong môi trường pháp chế với cả “rừng” quy trình, quy định nhưng không ít vị “công bộc” hành xử như chốn không người, tất nhiên một mình ông Bình có ba đầu sáu tay cũng không thể tự tung tự tác được như vậy!

 

Nói về “hoàng hôn nhiệm kỳ” không phải chỉ có ông Bình mới mắc phải mà trước đây Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tiến hành kỷ luật ông Trần Văn Truyền nguyên tổng Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong chế độ, chính sách về đất ở, nhà ở và công tác cán bộ bằng những cú “phê bút” hàng loạt lúc gần về hưu.

 

Vụ việc ông Vũ Huy Hoàng và Trịnh Xuân Thanh rùm beng một thời gian dài, nay đã rõ phần nào nhưng đằng sau đó có hàng loạt câu hỏi đặt ra: Phải chăng cứ “hoàng hôn nhiệm kỳ” lại xuất hiện “bình minh lợi ích”?, những sai phạm “rải rác” trong suốt nhiệm kỳ mà không một cơ quan chức năng nào phát hiện ra?...

 

Tương tự như vậy sai phạm có chủ đích vào những buổi “chiều tà” của nguyên Giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tp Hồ Chí Minh cách đây chưa lâu từng gây bức xúc dư luận. Chỉ trong vòng 2 tuần trước khi nghỉ hưu ông này đã đưa 21 vị ngồi vào các chức vụ lãnh đạo, tức là bình quân 2 ngày lại có 3 người lên làm lãnh đạo sau những chữ ký của ông Giám đốc.

 

Công bằng mà xét, không phải cán bộ nào cũng thoái hóa, tham nhũng nhưng chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ khiến dân chúng mất niềm tin. Bởi vậy “quan điểm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ là xử lý sai phạm không có vùng cấm. Ai vi phạm phải xử lý. Về hưu cũng phải xử lý, thế mới công bằng với dân” là hoàn toàn hợp lý để ngăn chặn cái gọi là “hạ cánh an toàn”.

 

Hai chữ “hoàng hôn” và “bình minh” tưởng như gợi lên những buổi chiều tà êm ả hay buổi sáng tinh sương mát lành. Nhưng những gì xảy ra bấy lâu nay cho thấy “hoàng hôn nhiệm kỳ” và “bình minh lợi ích” là những con sâu con mọt “gặm nhấm” sức mạnh quốc gia.

TRƯƠNG KHẮC TRÀ

Top