Người ta có thể tiêu 20 tỷ đồng trong bao lâu? Câu trả lời đáng sợ nhất mà tôi biết, là một năm. Ngoài thế giới của các tỷ phú USD và sàn chứng khoán, trong cuộc sống của những người trung lưu như tôi, thì đó đã là một khoảng thời gian không tưởng.
Tôi chứng kiến một chàng trai chỉ tầm 25-26 tuổi, tính tình hiền như đất, nhưng thỉnh thoảng lại khiến gia đình thất điên bát đảo với trát đòi nợ vài tỷ. Chỉ trong một năm, cậu này đã đốt chừng 20 tỷ. Đến đấy thì tôi không dám tiếp xúc thêm để chứng kiến kết thúc của gia đình kia, chuyện gì sẽ xảy ra khi họ không còn đất để bán.
Tôi cũng chơi với một chiến sĩ cảnh sát từng giữ cương vị chỉ huy cấp đội. Tương lai xán lạn. Anh còn trẻ, học hành bài bản, gia đình lại truyền thống. Nhưng tiền đồ ấy đã tan thành mây khói, khi anh này vỡ nợ hàng tỷ đồng do cá độ bóng đá. Anh phải xin ra khỏi ngành. Nhưng rồi vẫn không thể cai nghiện. Bây giờ thỉnh thoảng anh vẫn nhắn tin vay tôi chỉ vài trăm nghìn, với đủ mọi lý do. Ban đầu dù không dư dả gì nhưng tôi đều giúp vì thương anh – người đã mất tất cả. Nhưng cách đây ít tháng tôi đã không thể đáp ứng đề nghị của anh nữa. Chẳng phải vì tiếc tiền, mà đơn giản chỉ là tôi thấy mệt mỏi với cách sống mù quáng của anh.
Tôi đã chứng kiến quá nhiều những gương mặt người như thế trong những năm tháng tuổi trẻ của mình. Già, trẻ, trai, gái, người lao động phổ thông hay cán bộ có tiền đồ rộng mở. Khi đọc những thông tin đầu tiên về việc ca sĩ họ Đàm lên facebook nức nở về việc phải trả nợ 20 tỷ cho người thân, tôi đã nghĩ ngay rằng đó là một câu chuyện liên quan cờ bạc. Bởi chỉ có đỏ đen mới khiến người ta đốt tiền một cách khủng khiếp và hết lần này đến lần khác như vậy. Đỏ đen nguy hiểm chẳng khác nào ma túy, nếu không muốn nói hậu quả của nó còn ghê gớm hơn. Cờ bạc cũng gây nghiện. Và một khi đã nghiện cờ bạc cũng khó cai như ma túy vậy. Đam mê đỏ đen rồi nợ nần. Sau đó thì phải xoay mọi cách để trả nợ, mà phương án cuối cùng thường là “báo nhà”.
Ở thời điểm phải bằng mọi giá để có tiền ấy, gia đình thường được nghe những lời hứa hẹn, thề thốt rất bùi tai rằng sẽ không có sai lầm nào nữa. Nhưng tất nhiên họ không dừng lại. Vòng xoáy đó sẽ chỉ chấm dứt khi gia đình khánh kiệt. Một người nghiện ma túy nặng có lẽ một ngày cũng chỉ có thể đốt đến tiền triệu. Trong khi cờ bạc thì ngày bay hàng tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn cũng hoàn toàn có thể. Cờ bạc tước mất nhân cách một con người nhanh hơn ma túy – với nợ nần, dối trá, với một cuộc sống liên tục bị đe dọa tính mạng và sống trong hoảng sợ cực cùng.
Nhưng mấu chốt của câu chuyện này, không phải là sai lầm của những cá nhân – những con nghiện – mà là dường như chúng ta đang dung dưỡng một môi trường thuận lợi để thứ tệ nạn này phát triển.
Pháp luật Việt Nam, đánh bạc là phạm pháp. Nhưng việc tiếp cận với đỏ đen ở nước ta lại rất dễ dàng. Có vô số website cá độ trực tuyến bằng tiếng Việt, công khai tài khoản ngân hàng, số điện thoại… Rồi người ta có thể đánh lô, đánh đề ở bất cứ đâu. Bất kỳ ai nếu bước chân vào thế giới này đều sẽ đọc được cách vận hành của nó. Số tiền các nhà cái đổ ra để marketing công khai cho cờ bạc tại Việt Nam, tôi tin rằng còn tinh tế hơn nhiều ngành thương mại mà chúng ta xác định là “chủ đạo”.
Bạn đăng ký tài khoản trực tuyến, rồi bạn có thể nhận được điện thoại từ đầu số nước ngoài với giọng nữ đầy nhẹ nhàng “chúc bạn vui vẻ”, và cứ thế chơi đến khi tán gia bại sản. Hay nếu bạn không rành công nghệ, bạn là khách hàng tiềm năng, thì tôi cũng đã chứng kiến “đầu nậu” hỗ trợ công nghệ đến tận răng, mua máy tính, cài đặt sẵn cho khách ở nhà. Đáng bao nhiêu một bộ máy tính khi họ sắp được siết nợ sổ đỏ? Việc này khiến tôi nhớ đến cách mà Jack Ma mua máy tính cho những cộng đồng nghèo tại Trung Quốc để họ mua sắm trực tuyến trên Alibaba. Một phép so sánh buồn và buồn cười: cờ bạc ở ta làm thương mại tinh tế ngang với doanh nghiệp tỷ đô nước ngoài, nhiều ngành chạy dài không kịp.
Và tất cả những thứ đó đều đang vận hành công khai. Tôi không tin rằng có điều gì qua mắt được cơ quan điều tra. Và trước tất cả những thứ đó, phản ứng đáng kể nhất của xã hội là đồng cảm với một người nổi tiếng khóc. Kéo một phong trào lên mạng khóc. Vì bất lực? Và thế là hết.
PHAN TẤT ĐỨC