Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,150 lượt

Xin về chờ chết

Khi đến một vùng quê ven sông Mã làm việc, tôi biết thêm về một cộng đồng người đặc biệt, những thuyền chài sống cả đời trên sông nước. Sông ngày càng ít cá tôm. Họ nghèo, cuộc sống xác xơ.

Hôm đó gia đình đưa vào cấp cứu một người đàn ông 56 tuổi bất tỉnh. Khám nhanh thấy anh đang hôn mê, thở gấp, mặt đỏ gay, huyết áp 220/120 mmHg. Chụp cắt lớp thấy xuất huyết nội sọ lượng lớn. Tôi gọi gia đình vào báo kết quả và đề xuất chuyển lên bệnh viện tỉnh để phẫu thuật, may ra cứu được.

Gia đình ngần ngừ. Bà vợ người nhỏ thó, cùng một anh con trai và một anh con rể, mấy người con gái, tất cả toát lên vẻ lam lũ. Tôi nhìn thấy trong mắt họ lộ rõ vẻ đau xót nhưng lúng túng, bất lực. Cuối cùng bà vợ rụt rè đề nghị cho chồng ở lại chữa tiếp. Tôi đồng ý và yêu cầu đồng nghiệp triển khai ngay điều trị nội khoa.

Chúng tôi tiến hành các biện pháp cấp cứu tốt nhất: thở máy, kiểm soát huyết áp, chống phù não, điều chỉnh điện giải, kháng sinh, dưỡng não, dinh dưỡng. Nhưng ít hy vọng. Bệnh nhân tiếp tục hôn mê sâu, đồng tử giãn dần, rối loạn thân nhiệt... những tín hiệu xấu. Gia đình theo sát, họ cũng lo lắng không ăn không ngủ, hốc hác đi trông thấy, nhưng không hề rối ren, không làm phiền bác sĩ. Họ âm thầm chịu đựng, nhìn chúng tôi bằng những ánh mắt cầu xin.

Ngày thứ năm, chụp lại CT, tôi thấy khối máu tụ bắt đầu tiêu đi chút ít, nhưng phù não tăng lên - một giai đoạn tiến triển tất yếu của xuất huyết não lượng lớn. Tôi gọi gia đình ra cùng xem phim CT và nói với họ, rằng tin vừa tốt vừa xấu, nếu qua được tiếp mấy ngày này, bệnh nhân sẽ sống, nhưng có di chứng liệt; còn nếu không thì sẽ mất trong mấy ngày tới. Những ngày này là then chốt, tôi cũng sẽ cố gắng thuốc men tối đa. Anh con trai xin cho bố nằm thêm hai ngày nữa.

Nhưng đến chiều, gia đình quyết định không điều trị nữa. Họ đưa về vì không kham nổi chi phí, dù chỉ có vài triệu đồng, với họ là quá lớn, mà hy vọng không cao. Nhưng về nhà họ vẫn muốn cho bóp bóng giúp thở, truyền dịch để đến lúc nào đó người bệnh ra đi tự nhiên. Là người theo đạo, họ không bao giờ rút ống thở khi người bệnh còn đang sống. Chúng tôi chuẩn bị cho bệnh nhân nhiều chai dịch truyền, pha sẵn thuốc. Rồi tôi cùng một điều dưỡng nữa theo ôtô đưa bệnh nhân về nhà.

Cụm dân cư của những người thuyền chài là một dãy nhà tái định cư vắng, không vườn tược, tuềnh toàng. Nhìn gia cảnh tôi hiểu vì sao họ xin về. Sau khi sắp xếp cho bệnh nhân, dặn dò người nhà, chúng tôi rời đi với nỗi lo ông sẽ không qua được. Ở bệnh viện, ông được chăm sóc đặc biệt mà còn không ăn thua, huống hồ, người nhà tự chăm sóc.

Nhưng thật lạ, sáng hôm sau người con vào xin thêm dịch truyền, bảo bố vẫn còn sống, mấy đứa con thay nhau ngồi bóp bóng cả đêm. Tôi lập tức cùng một điều dưỡng nữa đến thăm. Ông vẫn sống, thậm chí có vẻ ổn hơn. Người sạch sẽ, nằm đắp một cái chăn mỏng, trên ngực để cây thánh giá. Một người đàn ông đang đọc kinh. Khám bệnh thấy mạch rất đều rõ, không sốt, huyết áp 120/80 mmHg. Chúng tôi hút đờm trong ống nội khí quản, cả đêm không được hút đờm nên ống gần như tắc, hút ra bao nhiêu là đờm khô cứng. Nếu tôi không đến hút thì chắc chỉ lát nữa ông sẽ chết vì tắc đờm ống thở. Tôi khuyên đưa người bệnh quay lại điều trị tiếp vì vẫn còn hy vọng. Họ lắng nghe một cách hiền lành nhưng không trả lời. Anh con trai bảo sẽ đi thuê máy thở dịch vụ.

Ngày hôm sau nữa ông ấy vẫn sống. Con gái lại vào xin thêm dịch. Tôi càng sốt ruột. Rõ ràng có hy vọng sống. Đã ba ngày không điều trị gì mà ông ấy vẫn sống thì chứng tỏ bệnh nhân có thể vượt qua nếu được điều trị tích cực. Tôi một lần nữa đến nhà người bệnh. Lần này ông hôn mê sâu, huyết áp bắt đầu giảm. Lúc này là lúc quyết định. Nếu đưa vào viện bây giờ thì còn kịp, muộn nữa thì không thể cứu vãn. Mấy người lớn trong gia đình nghe tôi thuyết phục lần này có vẻ xuôi xuôi, họ hứa bàn lại. Tôi về khoa chờ đợi. Cả ngày không thấy gia đình đưa vào. Cũng không thấy con cái vào xin dịch truyền nữa. Một ngày sau thì nghe tin ông đã mất. Thế là bệnh nhân về nhà được bốn ngày mới chết.

Tôi suy nghĩ mãi về bệnh nhân này, rõ ràng là rất nặng, nhưng không phải đã hết hy vọng. Nhưng quan điểm cứu chữa tới cùng, còn nước còn tát của các thầy thuốc không hợp với hoàn cảnh bệnh nhân. Họ rất nghèo. Và họ đã chọn cái chết một cách rất đàng hoàng, rất bình tĩnh, đầy lòng tự trọng, không van xin ai, không oán trách ai.

Những mảnh đời như vậy không phải cá biệt. Như tôi chia sẻ trong một bài viết trước đây, với người dân nghèo, bệnh viện tuyến huyện là điểm đến cuối cùng của cuộc đời họ. Nhưng trong trường hợp này, ngay cả bệnh viện tuyến huyện, họ cũng không kham nổi chi phí.

Các câu chuyện về thành tích đỉnh cao ngang tầm thế giới của ngành y dễ thu hút sự chú ý của xã hội, còn tình cảnh xin về để chờ chết đã thành chuyện gặp thường ngày, không được quan tâm.

Hy vọng các chuyên gia chính sách y tế sẽ nhận thấy chuyện người nghèo xin về để chờ chết là điều bất thường, và hiến kế để người nghèo được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản nhất, nhằm duy trì quyền được sống.

QUAN THẾ DÂN

Top