Liveshow mới nhất ở Hà Nội được mô tả là hoành tráng với băng rôn ghi “Nữ hoàng khiêu vũ Khánh Thi - Liveshow 25 năm”. Trong khi“liveshow 25 năm” nghe hơi cụt, tối nghĩa thì “nữ hoàng khiêu vũ” e lại hơi thừa.
Khánh Thi lâu nay tả xung hữu đột trong giới biểu diễn, một trong những giám khảo nói nhiều nhất nhưng có vẻ cô vẫn chưa tự tin lắm. Nếu có, cô sẽ ngỡ chỉ nói “Khánh Thi” thì mọi người đã biết là ai, làm gì. Vả lại danh hiệu là thứ do mọi người xưng tụng và các tổ chức, các cuộc thi ghi nhận chứ không phải thứ tự phong. Hơn nữa Khánh Thi là kiện tướng khiêu vũ thể thao (dance sport), một loại hình khiêu vũ thi đấu, chứ không phải chúa tể ngành khiêu vũ nói chung. Nhà quảng cáo mời Khánh Thi vào chương trình chung với những nghệ sĩ khác có thể gọi cô là kiện tướng dance sport hoặc gì đi nữa, chứ ai lại gọi mình trong chương trình tự làm như thế.
Diễn viên múa nổi tiếng Linh Nga từng có những chương trình riêng đặt tít “Vũ”, “Sen” nghe giản dị và gợi tò mò nhất định. Giả dụ Linh Nga tự quảng cáo là ngôi sao này nữ hoàng kia, “thiên nga trên sàn gỗ” chẳng hạn, thì vừa thừa vừa...kỳ. Cứ nghĩ chương trình riêng của Hồng Nhung, Mỹ Linh lại phải ghi rõ chữ “diva” trên băng rôn, thì thế nào? Rộng ra, các nhà văn nhà thơ lớn trên thế giới tự gọi mình là văn hào, thi bá, thì sẽ ra sao?
Trên đường phố, chúng ta hay thấy nhiều nhà thuốc ghi tên chủ hiệu là một “lương y” nào đó. Cũng buồn cười nốt, vì bệnh nhân gọi bác sĩ là lương y chứ chả ai tự nhận, kể cả có là lương y thật đi nữa. Mà thường các lương y đích thực, không ai tự gọi mình thế cả.
Thập kỷ 80 thế kỷ trước, ngôi sao sân băng Katarina Witt của Đông Đức thời đỉnh cao từng được báo chí phương Tây ưu ái gọi “gương mặt đẹp nhất của Chủ nghĩa Xã hội”. Viết thế mới là viết chứ, vừa xưng tụng được người tài sắc vừa trêu đùa được Chủ nghĩa Xã hội!
Giới biểu diễn nhà ta giờ nhan nhản ông hoàng bà chúa, nhất là các “nữ hoàng sắc đẹp”. Cả ông hoàng nhạc Việt (tự phong) nữa. Vừa qua báo mạng còn giật tít kiểu “Lý Nhã Kỳ đẹp tựa nữ hoàng Cleopatra trên thảm đỏ Cannes”...
Tháng 6 này nghe nói sắp có cuộc biểu diễn của Jessica Minh Anh, một người mẫu sống ở Anh, trình diễn bộ sưu tập của một số nhà thiết kế nước ngoài trên nền đập thủy điện Hoover Dam, Mỹ. Người mẫu Việt tồn tại được trong bối cảnh khốc liệt của thời trang thế giới là thành công đáng biểu dương. Vấn đề là ê-kíp làm hình ảnh cho cô lại nổ quá mức với những mỹ tự, nào “sự kiện lịch sử độc nhất vô nhị” “không tưởng” và “chúng ta hãy cùng đếm ngược nhé”... Đập thủy điện Hoover Dam được ca tụng là “kiệt tác kỹ thuật hiện đại” còn Minh Anh được mô tả như “đại diện cho thế hệ lãnh đạo đa tài, táo bạo, biến ý tưởng vĩ đại thành hiện thực” “show diễn mùa hè này một lần nữa sẽ trở thành sự kiện chấn động toàn cầu”... (Trích dẫn ông nào đó giám đốc một công ty bên Pháp nhận xét Minh Anh). Nhận được thông tin loại này gửi vào hòm thư điện tử, đến lần thứ mấy thì tôi buộc phải hồi âm đại ý, khả năng báo chúng tôi không đủ tầm cỡ đưa tin về những đại sự kiện đại kiệt tác của đại minh tinh như vậy.
DƯƠNG THỊ