Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,537 lượt

Danh hão

Vanvn- Người có chữ thuộc đẳng cấp khác. Nên một người giàu có nhưng không biết chữ, có thể mua “nhiêu” để được đứng vào hàng có học. Có “nhiêu” được coi là có chữ, việc làng được ngồi chiếu trên, không phải làm tạp dịch như anh chân trắng “trung nam bản xã”…

1. Chuyện mua danh hão ngày trước đã có. Như là lề thói của một vùng đất. Nhưng đó chỉ là chuyện làng xã, lệ làng thôi, mà “phép vua thua lệ làng” mà. Ví dụ làng xưa ít người được học, nhưng ai cũng khao khát có chữ. Người có chữ thuộc đẳng cấp khác. Nên một người giàu có nhưng không biết chữ, có thể mua “nhiêu” để được đứng vào hàng có học.

Có “nhiêu” được coi là có chữ, việc làng được ngồi chiếu trên, không phải làm tạp dịch như anh chân trắng “trung nam bản xã”. Bỏ một số tiền mua “nhiêu” vào hạng có chữ, nhưng cũng chỉ có quyền lợi thế thôi, ngoài ra không còn vai trò gì nữa. Còn bỏ tiền ra mua chức “lý cựu” thì cũng được gọi là ông Lý nhưng không bao giờ tham chính, mà chỉ như là chức dịch qua thời. Mua danh hão ngày xưa là thế. Tiền thu của người mua “nhiêu”, mua chức “lý cựu” đưa vào công quỹ của làng chỉ được dùng vào những việc công ích mà chức dịch không được tơ hào. Xét vậy thì “mua quan bán tước” ở làng xưa cũng lành lắm. Nó hoàn toàn ngửa bài, không phải chạy cửa sau. Cứ nhiều tiền là có thể mua. Người mua cũng đàng hoàng vì họ cũng biết làm ăn khá khẩm mới có tiền mua chứ đâu phải dốt nát cùng đinh. Biết làm giàu cũng được trọng. Mua bán như thế chẳng hại ai mà làng chỉ có lợi. Khác với việc mua quan bán chức thời hiện đại, chạy chọt trong bóng tối bằng hối lộ, và có chức rồi thì tìm cách “thu hồi vốn” đã bỏ ra bằng tham nhũng gây nên bao tội lỗi.

 

2. “Đất lề quê thói”. Lề là lề luật của vùng đất đó. Là cái căn bản bảo đảm quyền sống và quyền lợi của dân làng. Lề luật có thể hiểu là hương ước của làng, dân làng đồng thuận thực thi. “Lề” là cái riêng biệt của từng làng, không trái ý triều đình, nhưng phù hợp với làng xã và mọi người cùng tuân thủ. Nó là chỉ dấu của một xã hội dân chủ. Lề giữ cho làng xóm bình yên mà triều đình không phải lo lắng, kẻ trộm cắp phải sợ, đầu gấu nếu có phải kiềng, dân lành được an cư. Ai sống lộn xộn là dân làng xa lánh và kì thị, thành ra rất sợ. Còn “thói” là thói tật của người nhà quê, thói hư tật xấu. Nhưng “quê thói” thì mỗi nơi một khác, nơi nào cũng có, nó hình thành và nảy sinh ở vùng đất đó. “Lề-Thói” như cặp phạm trù đối lập. “Thói” luôn bị”lề”uốn nắn vào khuôn phéprồi cũng giảm dần. Không thể nói mua danh hão thời xưa là hoàn toàn xấu hay tốt, cũng như không thể khen chê “đất lề quê thói” là tiến bộ hay lạc hậu. Nó xuất hiện và được đồng thuận là do đáp ứng tinh thần ý chí của người dân thời điểm đó, thấy phù hợp thì họ theo. Theo để bảo toàn sự bình yên cho mỗi người mỗi nhà và cộng đồng làng xã. Nhìn lại xã hội một thời thấy cũng có cái hay để chúng ta cùng suy ngẫm. Khi có “lề” phù hợp với tinh thần làng xã thì phép vua cũng không thể chủ quan áp xuống. Áp xuống mà không phù hợp, dễ thua lệ làng là thế.

HỌA SĨ ĐỖ ĐỨC

(Báo Thể thao & Văn hóa)

Top