Sinh viên xếp hàng ăn cơm từ thiện với giá 2 nghìn đồng có thể được coi là “thiếu tự trọng”, vì đã “cướp miếng ăn của người nghèo” hay không là một chủ đề có thể tạo ra những cuộc tranh luận không có hồi kết như đã xảy ra mới rồi trên mạng xã hội.
Người thì nói sinh viên sức dài vai rộng, đi mà làm việc và kiếm tiền mà ăn, chứ đừng ăn cơm của người nghèo. Người lại bảo, chuyện ăn bữa cơm từ thiện chẳng liên quan gì đến lòng tự trọng, và có không ít các sinh viên nghèo. Tóm lại, khi lên mạng xã hội, những câu chuyện như thế rất nhiều và có thể diễn ra hàng ngày, khi người ta khoác cho chúng nhiều lớp của chiếc áo đạo đức và thói quen phán xét...
Nhưng dù có phán xét nữa, thì những hàng sinh viên xếp hàng trước quán ăn từ thiện cũng sẽ vẫn không giảm, bởi những ai đã từng qua một thời sinh viên chẳng dư dả gì chắc chắn sẽ hiểu rằng, tự trọng là một câu chuyện rất khác, to tát hơn nhiều chuyện là sinh viên mà lại ăn cơm 2 nghìn.
Tôi không bao giờ quên cái thời ăn cơm bụi ở gần kí túc xá đại học cách đây hơn 20 năm. Những ngày chúng tôi có cả buổi học sáng và chiều ở Đại học Tổng hợp thì kiểu gì buổi trưa cả bọn cũng sẽ kéo xuống mấy quán cơm gần kí túc xá Mễ Trì.
Những người khá giả chắc chắn chẳng ăn ở đấy, vì quán bẩn và bừa bộn. Thực khách thường là dân lao động và đương nhiên, sinh viên chúng tôi. Cả một bàn đầy đồ ăn rất thông dụng bày ê hề trước mắt. Cả bọn mỗi đứa một đĩa cơm đầy, lần lượt ra đó chỉ món gì cho người chủ gắp vào rồi tính tiền. Ngày ấy, mỗi bữa cơm trưa của tôi cũng chỉ vài nghìn đồng, ăn xong lúc 12 rưỡi trưa thì chỉ đến 2 giờ chiều là đói.
Nhưng đấy là thiên đường của chúng tôi. Còn có cả một thiên đường khác nữa ở dưới Hà Đông, với “phở không người lái”(phở không có thịt) với giá chỉ 2 nghìn đồng, ăn xong cảm thấy cứ như là chưa ăn vậy. Nhưng sinh viên mà, rất ít lựa chọn. Những ai có học bổng (hồi ấy, học bổng loại 1 mỗi tháng lĩnh 49.500 đồng) dù sao vẫn hơn các bạn ở tỉnh về chuyện ăn, nhưng cũng vẫn phải tùng tiệm lắm. Không phải ai cũng có thể làm thêm, và không phải ai làm thêm cũng giàu.
Mà ngày ấy, làm gì có mạng xã hội để đánh giá chúng tôi là “thiếu tự trọng” khi phải ăn “phở không người lái” đâu, cũng chẳng có ai phán xét sinh viên là nghèo rớt mùng tơi đến mức phải ăn cơm bụi giá rẻ cùng với cánh xe ôm và dân phụ hồ. Bởi là sinh viên cũng có nghĩa là nghèo, là chỉ phù hợp với những gì “ngon bổ rẻ”, trong những năm tháng đang tuổi ăn tuổi lớn. Chẳng có một niềm kiêu hãnh nào mang tên sinh viên giàu cả.
Sau 20 năm, sinh viên bây giờ có giàu hơn thế hệ chúng tôi không? Không phải ai trong số họ cũng có nhiều tiền và cũng không có gì ngạc nhiên khi một phần rất lớn trong số những người chạy Grab bike nhiều đến xanh cả những con đường là sinh viên đi làm thêm. Họ chắt chiu từng đồng từng cắc và bươn chải trong cuộc sống bên ngoài giảng đường. Họ tiết kiệm và chi tiêu dè sẻn vì cuộc sống bây giờ ngày càng đắt đỏ. Họ oằn lưng dưới những gánh nặng mưu sinh ngay khi còn đang trên ghế nhà trường.
Thế nên, đừng đổ lên họ những gáo nước mang tên “thiếu tự trọng” chỉ vì họ không đủ “can đảm” để không bước vào những quán ăn dành cho người nghèo, người cơ nhỡ và có hoàn cảnh khó khăn.
Đơn giản là sinh viên cũng có rất nhiều người nghèo, và đối với họ, quan niệm về lòng tự trọng khác hẳn với những người đã phán xét họ. Cứ để họ ăn cơm từ thiện và học, từ đó bước ra cánh cửa trường và vào đời với công việc mà họ sẽ làm, với những tâm huyết mà họ sẽ bỏ ra trong hoạt động cuộc sống. Khi ấy, hãy nói rằng họ có tự trọng với bản thân và có cướp cơm của người nghèo hay không…
TRƯƠNG ANH NGỌC