Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,861 lượt

Gà tức nhau tiếng gáy

Chung kết SEA Games 32 chưa phải là trận đấu đáng hổ thẹn nhất của Thái Lan và Indonesia. Hai đội tuyển này từng gây ra vết nhơ lớn trên sân Thống Nhất, tại Tiger Cup 1998 (nay là AFF Cup) diễn ra ở Việt Nam.

Lúc đó, Singapore nhất, Việt Nam nhì bảng B. Tại bảng A, chỉ cần hòa nhau, cả Indonesia và Thái Lan đều giành vé đi tiếp. Trong một trận đấu không đội nào muốn thắng, nhằm tránh gặp chủ nhà Việt Nam, cả hai bên gần như đều bỏ trống khung thành, mời đối phương ghi bàn. Điều tệ hại nhất xảy ra ở phút 90, khi tỷ số đã là 2-2, hậu vệ Mursyid Effendi của Indonesia dẫn bóng về cầu môn của đội nhà và sút tung lưới. Không còn cách nào khác, Thái Lan đành phải thắng.

Nhưng người tính không bằng trời tính, tại bán kết, Indonesia thua Singapore, còn Thái Lan thất bại trước Việt Nam. Kết thúc giải đấu, đội tuyển Indonesia bị FIFA điều tra và cầu thủ Effendi bị cấm thi đấu quốc tế vĩnh viễn. Còn Thái Lan về nhà trong sự la ó của cổ động viên. Truyền thông nước này gọi đây là "trận đấu ô nhục".

Nếu như trên sân Thống Nhất năm 1998, cả Indonesia và Thái Lan đều cố thua cho bằng được, thì tại trận chung kết hôm 16/5, hai đội đều muốn chứng tỏ mình là số một Đông Nam Á, khi U22 Việt Nam chỉ có huy chương đồng. Đội Thái Lan, với dàn cầu thủ đồng đều và tài năng, vào trận với tư thế "cửa trên" và có phần chủ quan. Bên kia, Indonesia là đội bóng được chuẩn bị tốt, có dàn cầu thủ chất lượng và thiện chiến. Họ xác định được thời cơ giành huy chương vàng lúc này là rất gần, giải tỏa cơn khát sau 32 năm. Do vậy trận đấu đã nóng ngay từ đầu với những pha bóng khá rát. Vì sự chủ quan và sai lầm của hai trung vệ Thái Lan, Indonesia dẫn trước 2-0, trong đó bàn thắng thứ hai có lỗi của trọng tài chính. Bàn thắng này tạo nên sự phấn khích cho Indonesia, ngược lại gây ức chế và bức xúc cho đội Thái Lan. Sự dồn nén cảm xúc đến tột cùng này khiến ban huấn luyện và cầu thủ Indonesia sau đó có khoảnh khắc ăn mừng sớm lúc gần cuối hiệp hai. Chỉ ít giây sau, Thái Lan gỡ hòa. Ban huấn luyện và cầu thủ Thái Lan lại ăn mừng thái quá, vô tổ chức khi lao sang khu vực kỹ thuật của đội Indonesia. Sự xô xát, trả đũa nhau giữa ban huấn luyện và cầu thủ hai đội sau đó là không thể tránh khỏi.

 

 

Với diễn biến như vậy, trận chung kết này rõ ràng là một thất bại nữa của bóng đá khu vực Đông Nam Á trong mắt thế giới.

Đông Nam Á vẫn là vùng trũng, không chỉ về chất lượng chuyên môn mà còn về tinh thần thể thao, tính thượng võ và văn hóa ứng xử trong bóng đá. Với nhiều lần tham dự các giải đấu khu vực, tôi từng chứng kiến những kiểu ăn mừng khiêu khích đối phương, những cuộc ẩu đả trong và ngoài sân giữa các đội Thái Lan, Indonesia, Myanmar và Malaysia, dẫn đến việc AFC và FIFA nhiều lần phải cảnh báo.

Các đội bóng Đông Nam Á luôn bị ám ảnh bởi mong muốn "xưng hùng xưng bá" trong khu vực, mà chưa có tầm nhìn đến châu lục và thế giới. Tư tưởng này dẫn đến tâm lý "con gà tức nhau tiếng gáy", phải ăn thua bằng mọi giá, biến những trận đấu quan trọng trở nên xấu đi một cách không cần thiết.

Thái Lan có những lúc tưởng đã bứt ra khỏi vùng trũng, nhưng sau khi để Việt Nam vượt lên trên bảng xếp hạng FIFA thì danh hiệu vô địch SEA Games lại được họ coi trọng.

Tình trạng này, sâu xa, thể hiện sự bế tắc, chậm phát triển của bóng đá Đông Nam Á. Không thể rút ngắn khoảng cách với châu lục và thế giới, các đội bóng trong khu vực luẩn quẩn chơi với nhau. Danh hiệu thống trị Đông Nam Á trở thành thước đo duy nhất đánh giá sự hơn thua của các nền bóng đá khu vực.

Thoát vùng, hướng tới các mục tiêu xa hơn là cách để các đội bóng có tầm nhìn mới, từ đó thay đổi tư duy bóng đá ngắn hạn, vì thành tích trước mắt. Nhật Bản, Hàn Quốc là những ví dụ sống động. Khi đã chơi ngang ngửa với các đội bóng lớn tại World Cup, họ không nhất thiết bằng mọi giá đạt được các danh hiệu trong khu vực. Họ đầu tư đường dài cho những mục tiêu xa hơn.

Xây dựng một nền bóng đá mạnh là cả một quá trình, cần rất nhiều nguồn lực của xã hội, từ việc phát triển các học viện đào tạo bóng đá, tuyển lựa cầu thủ, tổ chức các giải vô địch quốc gia mạnh, tham gia nhiều giải đấu quốc tế cho tới việc tạo cơ chế, điều kiện để ngày càng nhiều cầu thủ nội địa ra thi đấu ở nước ngoài... Tất cả giải pháp đồng bộ đó mới có thể tạo lập một không gian thể thao lành mạnh, có tính cạnh tranh cao, nuôi dưỡng được nhiều tài năng lớn.

Một huấn luyện viên giỏi, một lứa cầu thủ mạnh có thể mang lại chiến thắng và niềm vui nhất thời, nhưng để đưa một nền bóng đá vượt ra khỏi vùng trũng, buộc phải kiên nhẫn từ việc tạo dựng nền móng rộng và chắc.

PHAN ANH TÚ / THEO VNEXPRESS

Top