Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,485,127 lượt

Tại sao chúng ta lãng quên người đầu tiên đoạt Nobel Văn học?

Nếu được hỏi “Ai là người đầu tiên giành được giải Nobel Văn học?”, hẳn nhiều người sẽ lắc đầu, ngay cả sau khi biết tên, không ít người nói chưa bao giờ nghe về ông.

 

Nhà thơ Prudhomme. Ảnh: bridgemanimages

 

Nếu được yêu cầu liệt kê một số tác gia đoạt giải Nobel Văn học, thì nhiều cái tên sẽ lập tức nảy ra trong đầu chúng ta như: Romain Rolland, Camus, Steinbeck, Hemingway, Orhan Pamuk, Bob Dylan… Nhưng nếu được hỏi “Ai là người đầu tiên giành được giải Nobel Văn học?”, hẳn hầu hết mọi người sẽ lắc đầu, và ngay cả sau khi biết tên của ông, thì nhiều người vẫn sẽ nói rằng chưa bao giờ nghe nói về tác giả này.

Sully Prudhomme là nhà thơ Pháp, người đoạt Giải Nobel Văn học đầu tiên. Cái tên Sully Prudhomme này, chưa kể độc giả các nước, ngay cả người Pháp hiện tại cũng chẳng mấy người biết. Thay vào đó, những đối thủ của ông lúc bấy giờ như Lev Tolstoy, Henrik Ibsen, Émile Zola… vẫn đang được nhiều người tìm đọc từ năm này sang năm khác, được giới nghiên cứu nghiên cứu từ chủ đề này sang chủ đề khác. Trong xã hội chỉ nhớ người thứ nhất mà không nhớ người thứ hai này, tại sao người đoạt giải Nobel Văn học đầu tiên lại bị lãng quên?

 

Người trẻ có phong cách thơ thanh lịch nhất

Sully Prudhomme tên thật là René Armand François Prudhomme sinh ra trong một gia đình công thương nghiệp khá giàu có ở Paris vào ngày 16 tháng 3 năm 1839. Cha ông là một kỹ sư, nhưng sớm qua đời vì bạo bệnh khi Prudhomme lên hai tuổi. Hoàn cảnh gia đình rơi vào khó khăn, ông cùng mẹ và chị gái chuyển đến sống với một người chú. 

Năm lên 8 tuổi Prudhomme vào học trường Lycée Bonaparte, ngôi trường trung học nổi tiếng đã đào tạo ra nhiều tổng thống và các nhân vật hàng đầu nước Pháp, ngay cả vua Bảo Đại của Việt Nam cũng từng học ở ngôi trường này. Từ nhỏ ông đã thông minh, nhưng thể chất lại yếu nên không chạy chơi được nhiều và thường ngồi một mình. Ngoài việc đọc các kiệt tác văn học, Prudhomme còn rất giỏi Toán và Vật lý ở trường, điều này khiến ông chọn các môn khoa học tự nhiên sau khi tốt nghiệp trung học và nhận bằng Kỹ sư năm 1859. Từ năm 1860, Prudhomme phải làm nhiều nghề kiếm sống nhưng buổi tối khi về nhà, ông nghiên cứu triết học và làm thơ.

Đúng lúc còn trẻ nhiều hoài bão và muốn phát triển sự nghiệp trong khoa học thì sức khỏe sa sút, bệnh tật ngày càng nặng khiến ông không thể tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật. Ông đã từ bỏ công việc kỹ sư để đi học luật tại một văn phòng công chứng, đọc nhiều sách báo về xã hội và khoa học. Prudhomme dần dần dành toàn bộ tập trung cho thi ca, bắt đầu chú ý đến các trào lưu trong thế giới thơ, và bắt đầu sáng tác thơ.

Năm 1865 ông in tập thơ đầu tay ký bút danh Sully Prudhomme, được đánh giá cao. Ngay cả đại diện của chủ nghĩa lãng mạn kiêm nhà phê bình hàng đầu nước Pháp lúc bấy giờ là Sainte-Beuve, cũng lên tiếng khen ngợi. Năm sau, một nhà xuất bản in thơ của ông vào tập Le Parnasse contemporain (Thi sơn đương đại) – một tuyên ngôn của các nhà thơ nhóm Parnasse phản đối lại chủ nghĩa tình cảm của trường phái lãng mạn, ủng hộ giá trị của bản thân nghệ thuật, chủ trương sử dụng vẻ đẹp hình thức của thơ và cảm quan ngôn ngữ để thể hiện sức hấp dẫn của nghệ thuật.

Prudhomme vốn là một người Công giáo thuần thành và với ông, không có gì ngọt ngào hơn ngôn từ của sách Phúc âm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thời đại, sự mê hoặc của khoa học và lý trí đã khiến cho niềm tin tôn giáo của ông bị lung lay, ông bắt đầu nghi ngờ các đức tin mà trước nay mình vẫn thờ phụng. Việc này đã làm ông phải đấu tranh nội tâm dữ dội, và thường làm ông thấy chống chếnh hụt hẫng. Điều này đã được ông đưa vào thơ một cách vô thức, bên cạnh những tư tưởng triết học cũng được anh đưa vào thơ một cách tài tình.

Tập thơ đầu tay có được sự đón nhận tốt từ người đọc và giới phê bình, đã động viên Prudhomme vững bước theo con đường văn chương. Năm 1870, chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra, ông tự nguyện gia nhập dân quân. Chiến tranh đã làm cho cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khốn cùng và sự thất bại của nước Pháp cũng đã phần nào làm tổn thương trái tim đầy nhiệt huyết và nhạy cảm của nhà thơ.

Cũng trong khoảng thời gian đó, mẹ và chú của ông lần lượt qua đời, bất hạnh và túng thiếu, vất vả trong thời kỳ quân Phổ phong tỏa Paris khiến sức khỏe đã yếu của ông càng thêm trầm trọng. Ông bị liệt và phải cắt bỏ hai chân sau khi cuộc phong tỏa chấm dứt. Trong thời kỳ chữa bệnh, ông vẫn viết thơ ái quốc, cổ vũ thơ truyền thống, phản đối thơ tự do, chủ nghĩa tượng trưng, suy đồi.

Thơ ông được các nhà phê bình Pháp ca ngợi, người ta gọi ông là người trẻ có phong cách thơ ca tuyệt vời nhất và thanh lịch nhất. Năm 1881, ông được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp khi bốn mươi hai tuổi.

Năm 1888 ông xuất bản trường ca Le bonheur (Hạnh phúc), gồm 4.000 câu thơ, khẳng định hạnh phúc có thể đạt được nhờ sự ham học hỏi, nhờ khoa học, nhờ thiện tâm và sự hy sinh. Ông được trao Bắc đẩu bội tinh vào năm 1895.

 

Tại sao Hội đồng Giải Nobel Văn học lại chọn ông?

Đến đây chúng ta đều thấy được rằng Prudhomme vào thời điểm ấy, quả thực đã đạt được một số thành tựu về thơ ca và có danh tiếng ở Pháp, nhưng vẫn chưa có danh tiếng gì trên thế giới. Vì vậy, khi ban giám khảo giải Nobel công bố Prudhomme là người đầu tiên đoạt giải “Nobel Văn học”, tiếng nói phản đối từ khắp nơi trên thế giới không ngớt, và người ta tự hỏi tại sao người chiến thắng không phải là Lev Tolstoy, Henrik Ibsen, Émile Zola? Vậy tại sao Prudhomme lại giành được một vị trí trong cuộc bình chọn giải Nobel? Có lẽ là bởi ông hội tụ được tất cả phẩm chất đáp ứng yêu cầu của giải Nobel.

Đầu thế kỷ 20, lúc hội đồng giải Nobel Văn học mới được thành lập, người ta diễn dịch nguyện vọng di chúc của Nobel rằng, sẽ trao giải cho những tác giả theo khuynh hướng “duy tâm”. Có chút lúng túng và cứng nhắc trong việc hiểu cho đúng nghĩa “duy tâm” nên việc hội đồng giám khảo bỏ qua các tác giả theo phong trào hiện thực và tự nhiên là điều dễ hiểu. Nhưng bất kể lý do gì, thì trước nay văn không có đệ nhất, võ không có đệ nhị. Bởi vậy, việc tranh cãi về giải Nobel là điều dễ hiểu, bất kể có duy tâm hay không duy tâm.

Bên cạnh đó, bất kỳ giải thưởng quốc tế nào cũng phải được cân nhắc dựa trên lợi ích của các bên. Sau Cách mạng Pháp, ý tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” lan rộng khắp thế giới. Vùng đất tự do này đã nuôi dưỡng quá nhiều nhà tư tưởng nặng ký và thu hút quá nhiều nhà văn và nghệ sĩ, mang lại cho nước Pháp tiếng nói đáng kể trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ngoài tiến bộ công nghiệp và phát triển kinh tế, xét từ nhiều khía cạnh khác nhau, việc trao giải Nobel Văn học đầu tiên cho người Pháp quả thực rất xứng đáng.

Nhưng trong số các nhà văn Pháp, tại sao hội đồng tuyển chọn lại chọn Prudhomme thay vì Émile Zola? Giờ đây, khi giải Nobel Văn học đã công bố bảng danh sách đề cử, chúng ta có thể nhìn vào bảng danh sách đề cử thời điểm năm 1901 để thấy được nhiều thứ. Trong 37 đề cử, thì Émile Zola chỉ được một phiếu đề cử từ Marcellin Berthelot.

Nhìn vào danh sách đề cử Prudhomme, chúng ta có thể dễ dàng thấy ông được Viện hàn lâm Pháp ủng hộ đề cử, một danh sách hàng loạt cái tên quan trọng ký đề cử Prudhomme, thì chỉ cần nhìn vào danh sách này, có thể thấy rõ sức ảnh hưởng của ai cao hơn. Viện hàn lâm Pháp là cơ sở học thuật có thẩm quyền nhất ở Pháp, và khi họ đề cử ai đó, họ đại diện cho tiếng nói của giới học thuật Pháp.

Quan trọng là, tại sao Viện Hàn lâm Pháp lại chọn Prudhomme? Có thể nói, Prudhomme sống một cuộc đời đáng ca ngợi. Ông chân thành và khiêm tốn, cư xử hòa nhã, quan tâm đến mọi người, quan tâm đến tương lai của thi ca.

Nhờ thơ, ông bày tỏ được suy nghĩ của mình về tất cả vấn đề của con người, như công lý, chiến tranh, hạnh phúc, chân lý… Ông theo đuổi một lý tưởng thi ca, theo đuổi mục tiêu chân, thiện, mỹ, cùng kỹ năng viết lách điêu luyện, thơ ca tinh tế và tao nhã, “sự kết hợp hoàn hảo giữa cảm xúc phong phú và tư duy tỉ mỉ”. Đây là tất cả những điều mà Hội đồng Nobel văn học mong đợi.

Sau khi đoạt giải Nobel, ông ngay lập tức dành một phần tiền thưởng thành lập một quỹ tài trợ cho việc xuất bản tập thơ đầu tiên của một nhà thơ trẻ vô danh.

 

Ai rồi cũng bị lãng quên?

Trên thực tế, vào thời điểm đó, Sully Prudhomme bị liệt, lại bệnh tật liên miên, không lập gia đình, ông sống cuộc sống gần như ẩn dật ở Châtenay-Malabry, ngoại ô Paris, và không màng danh vọng hay giải thưởng. Sau khi đoạt giải, mặc dù không đến nhận giải vì sức khỏe, nhưng ông đã phát biểu nhận giải: “Tôi tự hào và vui mừng, vui mừng tin rằng vinh dự cao quý nhất mà các nhà văn phấn đấu đã thuộc về đất mẹ – bởi vì trong công việc của tôi, tất cả mọi thứ có được vinh dự này là từ đất mẹ.”

Ngày nay người ta đọc thơ đã ít, nhưng đọc thơ cổ còn hiếm hơn, và ngày càng ít người biết đến tên Sully Prudhomme. Bên cạnh đó, thời đại của Prudhomme ngày càng cách xa chúng ta, ngôn ngữ và lý tưởng cũng đã có nhiều khác biệt, nên khó càng thêm khó. Vậy nên cũng không có gì khó hiểu khi thơ ca cũng dần bị quên lãng. Bản thân thể loại thơ thường yếu trong cách kể chuyện, trừu tượng trong cách diễn đạt và thường mang đậm dấu ấn cá nhân nên ít người đọc cảm thụ được.

Gần đây, cuốn Thi khúc và Thi phẩm của Sully Prudhomme được xuất bản tiếng Việt, là ấn phẩm đầu tiên trong tủ sách Trăm năm Nobel. Ấn phẩm giúp bạn đọc hôm nay không lãng quên người đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học, đồng thời ghi nhớ thêm giá trị thơ ca của ông.

HÀ CHI/ZING

Top