Sáu năm trước, tôi tới Thái Lan tham dự buổi lễ tôn vinh Bồ tát Thích Quảng Đức, người đã vị pháp thiêu thân năm 1963 tại Sài Gòn. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm, có sự tham dự của chư tăng tại chùa Cảnh Phước, tọa lạc giữa lòng thủ đô Bangkok.
Buổi lễ hôm ấy có cả một đại tướng Không quân, thành viên Hội đồng cơ mật Hoàng gia Thái Lan. Vị đại tướng rất cung kính chư tăng, quỳ mọp dưới đất để dâng lễ cúng dường. Khi đón nhận tượng của Bồ tát Thích Quảng Đức do ban tổ chức buổi lễ trao tặng, ông đã rất hoan hỷ, cúi đầu đỡ bằng hai tay.
Tôi cũng gặp gỡ một nhà sư Việt trẻ tuổi, lúc đó đang học đại học tại Thái Lan. Sư chia sẻ với tôi ý nghĩa của việc khất thực và cúng dường theo dòng Nam tông của các vị sư nguyên thủy tu tại Bangkok.
Khất thực, truyền thống đẹp của nhà Phật, vốn là hoạt động xin thực phẩm để nuôi thân, nhằm tập trung hoàn toàn cho việc tu tập; cũng là để rèn luyện cho người tu hành đức nhẫn nhục, coi nhẹ miếng ăn. Thông qua khất thực, nhà Phật đồng thời thực hành gieo duyên, giáo hóa chúng sinh. Từ việc dâng cúng cơm nước, vật thực cho tăng đoàn, tín chủ được hồi hướng, cầu nguyện bình an, được nghe những lời pháp thâm sâu, giúp ngộ đạo, hiểu được an vui thanh sạch, bỏ ác quy thiện.
Khất thực, vì thế, không có gì là hèn kém. Tín chủ cúng dường cũng chỉ nhằm gieo duyên lành, tìm sự thanh tịnh, để giải thoát mình khỏi phiền muộn...
Ở Việt Nam, việc chư tăng đi khất thực không còn phổ biến, trừ những dịp lễ, hệ phái Phật giáo Khất sĩ các địa phương có chương trình tái hiện hình ảnh "trì bình khất thực". Giữa nhộn nhịp, xô bồ, giữa gấp gáp chạy đua, khoảng lặng của các nhà sư bước đi khoan thai, đi và chỉ biết mình đang đi ấy, giúp lòng người nhẹ lại.
Tôi từng đứng trong hàng ngũ nhà sư đi khất thực. Cách đây hai năm, là khóa sinh tham dự khóa tu "Xuất gia gieo duyên" tại chùa Huyền Không ở Huế, tôi và hơn 70 người khác cũng cạo đầu, đắp y, ngồi thiền, nghe giảng Phật pháp và đi khất thực. Mỗi sáng, chúng tôi thức dậy lúc 3h30, vệ sinh và đắp y sẵn sàng. Sau thời khóa tụng kinh, pháp đàm, chúng tôi được đưa đến những tuyến đường định sẵn, đã xin phép trước đó và bắt đầu "trì bình khất thực".
Có lẽ nhờ chiếc y vàng của Phật, nhờ hình tướng đầu tròn ung dung của tăng đoàn, tín đồ Phật tử đã dành nhiều sự cung kính cho chúng tôi. Họ chuẩn bị sẵn các phẩm vật cúng dường, có người là ổ bánh mì, người gói xôi, hộp sữa, người mớ trái cây... Tuyệt nhiên không có phong bì hay tiền bạc, bởi Phật tử đất Thần kinh đã quen với hình thức cúng dường chư tăng. Tại Huế, có những Ngày Chủ nhật Vàng, chư tăng ở Huyền Không Sơn Thượng được phép xuống các tuyến đường khất thực gieo duyên cho Phật tử. Đường phố Huế vốn vắng lặng càng trở nên bình yên qua dấu chân nhẹ nhàng của người tu.
Khất thực được duy trì ở nhiều quốc gia Phật giáo, đặc biệt trong hệ phái Phật giáo Nam tông. Việt Nam ít hoạt động trì bình khất thực nhưng lại có nhiều người xấu giả dạng nhà sư để khất thực, thực tế là xin tiền. Đây là điều đáng tiếc. Đáng tiếc hơn là ngay cả một số lễ trì bình khất thực diễn ra ở nhà chùa cũng xảy ra tình trạng bỏ phong bì, tiền vào bát của nhà sư; và nhà sư - những người thấu rõ hơn hết giáo lý nhà Phật - lại coi việc nhận tiền bạc là điều đương nhiên, thậm chí khuyến khích Phật tử cúng dường càng nhiều càng tốt.
Y bát là hai vật báu của người xuất gia, khi thọ giới được nhận để sử dụng hàng ngày và gìn giữ cẩn thận nhằm nhắc nhớ mình là người mô phạm, cần giữ giới thanh tịnh. Y phục giúp nhận diện chư tăng. Chiếc bát chỉ dùng để nhận thức ăn, thọ thực theo truyền thống. Trong tinh thần đó, đối với Phật giáo Nam tông, nhà sư khất thực ít nhất phải đi hai vị trở lên, tuyệt đối không nhận tiền bạc, hiện kim, đồng thời chỉ khất thực trong buổi sáng, trước 12h trưa.
Khi am hiểu nguyên tắc đó, tín đồ Phật tử sẽ cúng dường đúng pháp: chỉ cúng thức ăn và cúng trước giờ trưa. Từ đó, cũng có thể phân biệt được sư thật và kẻ giả sư.
Đức Phật từng nói: "Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta". Do vậy, Phật tử, có niềm tin với Đức Phật phải tìm hiểu, học lời Phật dạy một cách đúng đắn để không hành xử sai pháp. Khi đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, cúng dường, làm từ thiện... nhân danh Phật tử mà làm không đúng sẽ khiến người khác nhìn vào nghĩ rằng Đức Phật dạy như thế. Làm cho người khác nghĩ sai, cũng đồng nghĩa với phỉ báng Ngài.
Học và hiểu đúng giới luật của Phật giúp cho Phật tử tăng trưởng đạo đức, có niềm tin đúng và làm việc tốt đời đẹp đạo. Khi có niềm tin nhân - quả sâu sắc, con người sẽ không vì sợ hãi mà cúng sao giải hạn, không vì nghe nói chùa thiêng mà dùng kim tiền cúng dường nhà Phật.
Đức Phật cũng dạy "Y pháp bất y nhân" (nghĩa là tu hành đúng Chánh pháp, đừng tin vào lời ai nói mà làm sai pháp, dù họ mang hình tướng nào). Phật tử hiểu giáo pháp sẽ không bao giờ nhét tiền vào bình bát chư tăng.
Là Phật tử, tu tập quan trọng nhất là tự bảo hộ mình, không để mình nhân danh từ thiện, cúng dường mà làm sai, phản cảm. Hiểu đúng lời Phật dạy, thì Phật tử cũng có thể bảo hộ cả tăng ni, vì có thể "giám sát" các vị ấy - không thỏa hiệp với những việc làm không đúng của nhà sư, đồng thời can ngăn phù hợp.
Thêm nữa, cúng dường tối thượng nhất trong nhà Phật không phải là vật chất mà chính là ngũ phần hương, gồm giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. Tóm lại, tu học để bớt trần tục mới là hình thức cúng dường được Đức Phật hoan hỷ.
LƯU ĐÌNH LONG (Theo VNExpress)