Không phải ngẫu nhiên mà chữ “bùn” bị buộc phải đổi sang từ khác nếu muốn đăng báo, trong câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” của Lưu Quang Vũ. Đến như bây giờ, sau mấy thập kỷ, tư duy cởi mở, vậy mà suốt mấy ngày qua dậy làn sóng phản đối Bộ Giáo dục “ra nhầm đề” (!), và kết tội người ra đề Văn chỉ vì một chữ (bùn) “phản cảm, đen tối, bôi xấu, hạ nhục tiếng Việt của cha ông”!
Đứng đầu trong cuộc “đấu tố” ấy có không ít những nhà văn, nhà thơ...
Mới hay thời trước không khí còn ghê sợ đến mức nào. Nhà thơ với con chữ tư tưởng của riêng mình đơn độc ra sao.
“Chữ bầu lên nhà thơ” (Lê Đạt). Lưu Quang Vũ đã ở một tầm hoàn toàn khác biệt, chỉ riêng với việc đặt chữ “bùn” vào một thế cheo leo hóc hiểm ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai. Phải yêu và nhuần nhị tiếng Việt thế nào, mới bật ra được tia chớp ngôn ngữ ấy. Tiếng Việt lấm láp và sáng trong như muôn đời mảnh đất/thân phận/khí phách của dân tộc này.
“Như bùn” là cách nhìn hiện đại, tư duy thơ hiện đại chạm đến những tầng sâu tâm thức không dễ cắt nghĩa.
Tất nhiên không ai cố chấp, đưa bùn lên hàng thiên hương. Bùn trong các ngữ cảnh khác trong thơ Vũ, cũng như cái nhìn của bao người đời khác. Bài thơ “Những chữ” viết năm 1972, nhà thơ tuyên bố vứt bỏ những thứ chữ nghĩa đẹp đẽ, sáo rỗng xa lạ với cuộc đời. Thay vào đó là những con chữ “trần truồng”, những chữ “như đinh nhìn tôi sắc nhọn/ chữ gầy guộc, chữ bùn lầy, cống rãnh/ từ ho lao, giận dữ, tro than…”.
“Trăng ngả xuống cho hoa mềm thức dậy/ Những bức tường lẩy bẩy bóng hoa lên”. Sau những câu thơ trác tuyệt, đẹp lạ lùng, Vũ vẫn nhìn thấy cuộc đời bên ngoài “Ở ngoài kia thành phố mưa bay/ Bùn lầy lội, những ngả đường khuya khoắt” (Hoa vàng ở lại).
Trần Dần - thiên nhãn từ lâu cũng đã đạt tới Tâm thế và Tầm thế khác: “Tôi nhìn trong vắt ở cả những phía thất bát mùa/ Những phía xục bùn mùa…” (Trên quả đất mùa). Nên không trách chi con người trần tục.
Chỉ mừng, từ nay con chữ lại tìm trở về với thi nhân.
TỊNH SƠN