Quê tôi là một ngôi làng bé nhỏ chỉ vài trăm nóc nhà, chủ yếu toàn mái tranh vách đất, vậy mà có tới 3 cái gò chùa rộng mênh mông. Gò chùa là một bãi tha ma không có nấm mộ, nơi chỉ để chôn những đứa trẻ sơ sinh chết yểu; là nơi khắc ghi ngàn vạn bi kịch của những người phụ nữ luôn phải vật lộn với cuộc sinh đẻ, mà phần nhiều trong số đó là cái chết cả con lẫn mẹ.
Bố tôi kể, bà nội lấy chồng từ năm 16 tuổi, sinh nở lần nào cũng do một tay ông nội lo đỡ. Mấy đốt sau bố, cả trai lẫn gái đều chết ngạt trước lúc lọt lòng. Đến lượt hai chú, ông nội cũng tưởng chết nhưng may mắn sống được.
Cả hai chú đều ốm quặt quẹo, dân làng nói là do “ma ranh” hành. Một chú lúc 7 tuổi bị sốt cao co giật, hàng xóm giúp đỡ bằng cách lôi ra trói vào gốc duối dại, lấy nước tiểu dội từ đầu trở xuống, rồi dùng roi dâu quật tím hết cả người để trừ “ma ranh” rình bắt trẻ. Đúng ba ngày sau chú tôi chết.
Đến lượt chú thứ ba cũng chết theo cái cách tương tự khi tròn 10 tuổi. Bà nội không phải là người “to mông rộng háng” nên khó đẻ. Nhưng bà vẫn cố. Lần sinh thứ tư bà trở dạ 3 ngày 3 đêm. Rạng sáng mở mắt, cô ruột vừa chui ra khỏi bụng thì bà cũng kiệt sức nằm gục trên vũng máu. Bà nội chết lúc 29 tuổi.
Bố thương bà chưa được nhìn thấy mặt con, thương cô chẳng bao giờ biết mặt mẹ. Tôi hiểu đó là nỗi đau tột cùng mà bố không thể chia sẻ với ai.
Ngày bố lấy mẹ, cả họ phản đối vì mẹ bị tàn tật, đó là một trong những lý do có thể làm cho bố tuyệt tự cái con vì mẹ rất khó để sinh đẻ.
Nhưng thật may mắn, đúng năm đó thì nhà nước cho xây cái trạm y tế xã. Một người họ hàng nhà tôi đi học đỡ đẻ, thêm hai người trong làng cùng đi học nữa, họ trở về làm y sĩ không lương, nhưng được hưởng chế độ tem phiếu. Cả năm anh em chúng tôi đều sinh ra ở cái trạm xá ấy. Dân làng cũng vậy. Nên ba cái gò chùa dần trở thành bãi đất hoang.
Anh em chúng tôi luôn rất biết ơn cái trạm xá xã.
Vậy mà mấy hôm nay, đâu đâu người ta cũng bàn về “sinh con thuận tự nhiên”. Tôi thật sự ám ảnh. Câu chuyện đầu tiên mà tôi đọc được trên Facebook, là một bà mẹ trẻ ở Hưng Yên ăn chay trong suốt quá trình mang thai, tự sinh con ở nhà, tự đỡ đẻ, không tiêm phòng, không cắt rốn; kèm theo hình ảnh cháu bé gắn với một bánh rau đựng trong cái chậu đỏ, gọi là phương pháp “liên sinh”.
Tiếp đến hôm kia, từ Facebook cho đến các trang mạng xã hội, rồi đến cả báo chí đưa tin hai mẹ con sản phụ ở Quận 2 TP HCM bị tử vong theo đúng cách “liên sinh” như thế. Cả hai câu chuyện đều chưa thể kiểm chứng. Nhưng nó lan truyền rất nhanh: trong thời đại của những niềm tin mù quáng, những câu chuyện như thế này trở nên rất… dễ tin.
Thứ đáng ngờ đầu tiên trong những chuyện này, là cái cách gọi “liên sinh” được dịch từ tiếng Anh là “Lotus Birth”. “Liên sinh” khởi đầu từ năm 1974, do một phụ nữ người Mỹ có tên đầy đủ là Claire Lotus Day đọc một tài liệu nói loài tinh tinh khi đẻ con không ăn nhau thai hoặc cắt đứt dây rốn, mà để nó rụng tự nhiên.
Khi Lotus có chửa, cô bị ám ảnh bởi câu chuyện của những con tinh tinh. Một bác sĩ sản khoa đã lắng nghe và đồng cảm, tạo điều kiện cho Lotus sinh con với bánh rau nguyên vẹn, rửa sạch rồi cho vào một cái lọ, thêm vài thứ thảo mộc để tránh bị bốc mùi.
Thực tế các nhà nghiên cứu động vật lại đưa ra phản biện, rằng hành vi ăn nhau thai là phổ biến trong quần thể tinh tinh hoang dã. Vậy có phải “Lotus Birth” giống như một lời nói dối được xây dựng trên một lời nói dối? Và cách dịch “Lotus Birth” (tên người) thành “liên sinh” (theo tên loài hoa) cũng theo đó bộc lộ sự không ổn.
Tiếp đến, là việc cắt dây rốn. Các nghiên cứu về dây rốn và rau thai chỉ ra rằng, bánh rau chỉ còn tác dụng với thai nhi sau đẻ vài phút, bởi khi đã tách ra khỏi người mẹ, thì rau thai nhanh chóng phân hủy và trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Đó là lý do để Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo thời gian cắt rốn trong vòng 3 phút, không để lâu hơn.
Rõ ràng, phương pháp “Lotus Birth” là không an toàn về sinh học, chỉ dựa trên sự suy diễn của một bà mẹ, rồi được cộng đồng thổi bùng thành huyền diệu để những bà mẹ vô trách nhiệm thực hành theo. Hệ quả là véc tơ vi khuẩn không chỉ truyền bệnh cho đứa trẻ, mà còn lây cho cộng đồng xung quanh.
Cái gọi là “Lotus Birth” luôn đi kèm với sinh con tại nhà, vì không một cơ sở y tế nào đồng ý cho các bà mẹ đẻ xong không cắt dây rốn. Ở các nước Âu - Mỹ, mọi cặp vợ chồng đều có quyền quyết định việc sinh con ở đâu và cách sinh như thế nào. Nhưng sự ra đời của một đứa trẻ không hề đơn giản như nhiều lời tuyên bố.
Khoa học nghiên cứu về nhân chủng đã chứng minh rằng, xương chậu của phụ nữ hôm nay đã nhỏ đi rất nhiều để phù hợp với dáng đi thẳng, trong khi trí tuệ phát triển nên cái đầu to ra ngay từ thời kỳ bào thai. Điều đó làm cho các thai nhi dễ bị mắc kẹt khi cố chui ra khỏi mẹ, nên cần phải có sự can thiệp y tế kịp thời để cứu cả mẹ và con.
Có ba điều kiện bắt buộc để sinh con tại nhà: một là người mẹ và thai nhi được bác sĩ chuyên khoa thăm khám trước sinh đảm bảo không có yếu tố nguy cơ, hai là cặp vợ chồng có mong muốn được sinh con tại nơi mình ở, ba là phải có sự hỗ trợ y tế không thua kém so với bệnh viện.
Cặp vợ chồng sẽ được các chuyên gia y tế tập huấn rất cẩn thận những kĩ năng cần thiết. Khu nhà họ ở sẽ được khử khuẩn xung quanh. Lúc sản phụ chuyển dạ phải có ê kíp sản khoa và cấp cứu với đầy đủ thuốc men và phương tiện hỗ trợ. Khi có tai biến xảy ra, chỉ 15 đến 20 phút là có thể đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Với những điều kiện như vậy, nhưng các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo, việc sinh con tại nhà luôn là quyết định liều lĩnh, gây ra sự chậm trễ cho cơ hội được cứu sống khi xảy ra tai biến.
Không khó để hình dung, một cuộc đẻ tại nhà như thế sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với sinh tại viện. Và điều đó không phù hợp với hoàn cảnh ở Việt Nam. Nhưng một số “giáo chủ” đã cố tình diễn giải sự việc theo hướng sai, rằng chỉ mất 15 triệu đồng để tham gia buổi tập huấn “sinh con thuận tự nhiên” mà không cần bất cứ sự can thiệp nào của bác sĩ.
Đã có rất nhiều bà mẹ tin rằng, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh có thể chữa lành bằng sữa mẹ, thậm chí ngón tay của con bị đứt rời nhưng nhờ uống sữa mẹ vẫn có thể mọc lại. Là một bác sĩ, tôi đã gặp những người mù quáng tin theo như thế và không đưa con đi viện mỗi khi có bệnh.
“Kẻ thù lớn nhất của kiến thức không phải là sự ngu dốt, mà chính là ảo tưởng và đề cao quá mức về sự hiểu biết của mình” - Stephen Hawking đã nói.
TRẦN VĂN PHÚC