Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,471 lượt

Thi đua bình bầu

Tôi đã sống gần 20 năm trong môi trường nhà nước và phần lớn thời gian trong đó được hưởng một thứ “đặc sản” của nền hành chính: bình bầu thi đua cuối năm.

 

Nếu phải chọn một hình ảnh để mô tả những cuộc bình bầu này, tôi sẽ chọn bóng đá - vì nó là một môn chơi tập thể điển hình, cũng như là hoạt động của mọi tổ chức. Nhưng điều kỳ lạ của “bóng đá thi đua” này, là mỗi trận bóng có 22 cầu thủ, nhưng ngay từ trước lúc thi đấu, đã có hướng dẫn nội bộ áp chỉ tiêu là chỉ có 6 huy chương vàng được trao.

 

Chưa hết, trong số 6 huy chương này, có 3 chiếc lại được áp chỉ tiêu là phải trao cho ban huấn luyện. Chỉ tiêu này được tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu ban huấn luyện chỉ có 2 người, một trưởng một phó, thì chiếc còn lại sẽ được tìm cách trao cho... nhân viên khiêng cáng chứ quyết không bao giờ đến tay các cầu thủ kia. Ba chiếc còn lại, sẽ trao cho đội trưởng, hai đội phó. Và thế là hết. Những người còn lại không hy vọng gì. Đó chỉ là một hình ảnh sơ lược cho dễ hình dung. Sẽ rất khó để mô tả hết về cuộc “trường chinh” này trong một bài báo.

 

Nó thường bắt đầu từ tháng 11, với thủ tục “đăng ký bình bầu thi đua”, rồi trải qua những bản tự kiểm điểm cuối năm, hàng loạt cuộc họp khác cho đến lúc ra được kết quả. Nó tốn rất nhiều năng lượng. Nhưng vượt lên trên tất cả, là thứ chính yếu nhất: đó là một cuộc thi đua có chỉ tiêu cho người thắng cuộc. Chỉ tiêu này, cộng với những quy định cứng nhắc như “phải có sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “có đề tài nghiên cứu”, khiến cho ban huấn luyện lúc nào cũng sẽ nhận được một quota nhất định.

 

Vì “cải tiến” hay không thì phải là người cầm con dấu quyết định. Việc lính tráng được bầu là rất hãn hữu. Trong những năm ngồi các cuộc bình bầu, chỉ vài năm tôi được chứng kiến có “chiến sĩ” lọt qua được cái quota khắc nghiệt này. Kịch bản ấy cứ diễn ra từ năm này sang năm khác, và rồi khiến cho không còn ai thực sự quan tâm đến cuộc bình bầu ấy nữa. Bản kiểm điểm cuối năm thì đã có mẫu sẵn, thậm chí phần lớn mọi người chép lại hoàn toàn bản kiểm điểm những năm trước.

 

Có lần, lãnh đạo phải thốt lên: “Bản kiểm điểm năm 2015 mà sao lại ghi năm 2013 thế này?”. Người nộp quên sửa. Tất nhiên bình bầu cuối năm nhạt ý nghĩa thì “thi đua” trong năm cũng không tồn tại. Từ lúc đăng ký thi đua là đã nhìn nhau biết kết quả.

 

Một vị trưởng phòng với một ông nhân viên cùng đăng ký thì không cần chờ đến bình bầu. Chắc không ai dám tưởng tượng một giải đấu mà ngay từ đầu giải ban tổ chức đã tuyên bố sẽ chỉ có 6 huy chương vàng được trao. Và nếu chuyện đó có thật, thì không cần phải bàn đến tâm lý thi đấu và quyết tâm cống hiến của cầu thủ làm gì cho mệt. Thế mà mô hình ấy được áp dụng vào những hoạt động quan trọng hơn bóng đá rất nhiều. Thế mà năm nào, cuộc trường chinh ấy cũng đốt rất nhiều năng lượng, rất nhiều cuộc họp. Nó thậm chí là một hoạt động tối quan trọng trong những ngày cuối năm.

 

Tôi không dám đại diện cho toàn bộ hệ thống công quyền. Tất nhiên, tôi có quyền hy vọng ở đâu đó, những cuộc thi đua phát huy sáng kiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẫn đang diễn ra đầy thực chất. Nhưng ở nhiều nơi trong các cơ quan Nhà nước, thì “thi đua” là một thứ chỉ diễn ra ngoài giấy tờ, ngoài các cuộc họp, dưới những dạng thức tinh vi khác.

TRẦN ANH TÚ

Top