Tôi ngồi với ông Tư Cứu trước khu tạm cư của dân gốc Thủ Thiêm một tuần trước Tết Nguyên đán. “Từ ngày bị mất nhà đến nay, chúng tôi không có Tết”, ông Tư năm nay đã 69 tuổi, giọng trĩu nặng. Cuộc sống tạm bợ, khó khăn, phần vì luôn trong tâm trạng rối bời nên không ai còn lòng dạ nghĩ chuyện tết nhất.
Mỗi khi giao thừa, ngay nóc hầm Thủ Thiêm pháo hoa nổ đì đùng, sáng lóa. Chỉ vài trăm mét bên kia sông, quận một bừng bừng khí thế nhạc xuân. Nhưng, mấy ai biết đến hàng trăm hộ gia đình với hàng nghìn con người chỉ cách trung tâm Sài Gòn phồn hoa một đoạn chim bay, ông Tư "buồn đến thắt ruột" vì phải sống trong cảnh tăm tối, nhếch nhác, không nơi hương khói cho tổ tiên, ông bà.
Từ ngày bị buộc phải di dời khỏi ngôi nhà đã sống nhiều chục năm, năm 2011 đến nay, gia đình ông Tư Cứu cùng hàng trăm hộ dân thuộc các phường Bình An, An Khánh và Bình Khánh phải đến ở trong khu tạm cư tại phường An Phú. Đó là những dãy nhà 2 tầng làm bằng khung sắt tiền chế, mái tôn, với nhiều căn hộ, mỗi căn chỉ có một phòng, rộng chừng 20 m2. Hiện khu tạm cư xuống cấp trầm trọng, nhiều chỗ sắt đã mục, tường và trần bong tróc, sàn sụt lún. Vợ chồng ông Tư Cứu và con cháu sống chen chúc trong căn phòng trên gác. Trong căn nhà rách, trời nắng thì nóng hầm hập, mưa xuống nước tạt, thậm chí nước chảy tứ bề vì dột.
Phải ra đi nhưng trong lòng mỗi người dân luôn hướng vọng về chốn xưa. Ông Tư Cứu vẫn tranh thủ lúc rỗi chạy về thăm "nhà" cũ ở Khu phố 1, phường Bình Khánh, mặc dù nơi đây giờ chỉ là bãi đất hoang, lau sậy ngút ngàn. Ông về chỉ để đứng trầm ngâm nhìn ngắm cho vơi cơn nhớ đất, nhớ căn nhà cũ, nơi đại gia đình hơn mười người của ông đã có nhiều năm sống yên vui.
Ông Nguyễn Văn Thạch gặp ông Tư Cứu gần bãi đất đó, khi hai ông đều đang trên đường về thăm "nhà" cũ. "Không biết từ bao giờ, tôi và nhiều người dân cùng cảnh có thói quen cuối tuần chạy về thăm nơi nhà cũ, dù nơi ấy giờ chẳng có gì ngoài cỏ rác và lau sậy.
Những người hàng xóm cũ đôi khi gặp nhau chỉ để nói với nhau năm ba câu chuyện nhưng phần nào nuôi ngoai nỗi nhớ", ông Thạch bộc bạch. Theo ông, với đa số người dân nơi này, dù nhà cửa không còn nhưng nhiều gia đình chưa nhận đền bù nên tài sản vẫn là của họ. Chưa kể, nhiều người gắn bó ở đây gần cả cuộc đời nên không dễ quên đất, quên người và tình làng nghĩa xóm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tám cũng phải lang thang sau khi bị cưỡng chế bảy năm trước. Từ đó đến nay, mỗi cuối tuần bà Tám đều trở về để thăm lại "nhà" cũ và cắm lên nền đất đầy cỏ dại một nén nhang. Nhà cũ của gia đình bà Tám chỉ cách nhà cũ ông Tư Cứu mấy bước chân. Hôm nọ, khi nghe Bí thư Thành ủy Nguyễn Thịện Nhân khẳng định "sắp tới có kết luận về các trường hợp ở ngoài ranh giới quy hoạch, các hộ này sẽ không phải di dời" và "trong 3 tháng tới tốc độ giải quyết sẽ được đẩy nhanh", bà Tám và mọi người mừng khấp khởi.
Khi chạm mặt Bí thư Nhân, bà Tám, ông Lực đã không ngăn được dòng nước mắt. Nước mắt của người những con người 70-80-90 tuổi đầy đắng cay chen lẫn niềm hy vọng.
Bà mong mỏi chính quyền sớm xác định ranh giới để người dân nhanh chóng được trở về nơi chốn cũ ổn định cuộc sống. Cách nay vài tuần, vì sốt ruột, bà Tám đem cây đến dựng tạm túp lều trên nền đất cũ với mong mỏi "Tết này có nơi thờ cúng ông bà", nhưng không được chính quyền chấp nhận.
Cuộc hội ngộ bên thềm năm cũ còn có bà Vân, bà Nguyệt. Bà Lâm Thị Nguyệt, sinh năm 1959, có ngôi nhà rộng 110 m2 ở khu phố 1, phường Bình An, nằm ngoài quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng cũng bị cưỡng chế oan. Chồng bà Nguyệt, khi ấy làm cán bộ ở UBND phường, thấy quyết định cưỡng chế của chính quyền Quận 2 là không đúng nên phản đối. Ông bị buộc thôi việc. Uất ức, ông "lên máu", đột quỵ rồi cấm khẩu cho đến giờ. Từ một người khỏe mạnh, lực lưỡng, ông trở nên tiều tụy, đi lại khó khăn.
Dù căn nhà đã bị phá bỏ nhưng chồng bà Nguyệt nhất quyết không chịu ra đi. Thương chồng, bà Nguyệt đành ở lại và che tấm bạt để hai vợ chồng cùng tá túc qua ngày ngay trên nền nhà cũ. Cạnh đó, hai căn nhà của bà Nguyễn Thị Liên và bà Nguyễn Hoàng Vân tuy còn giữ lại được nhưng không thể ở vì đã mục nát. Lo sợ nhà sập đè chết, bà Vân đã phải bỏ đi nơi khác tá túc, nhưng mỗi tuần vẫn trở về nơi này.
Vô cớ bị cưỡng chế mất nhà cửa đất đai, phải sống tạm bợ, ly tán nên nhiều năm qua hàng nghìn người dân nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm gần như không có Tết. Tôi ra về, họ chỉ nhắn nhủ, rằng vẫn khắc khoải mong chờ công lý. Họ trông ngóng sẽ có ngày được hưởng một cái Tết thật sự an lành, vui tươi như ngày xưa.
Đôi mắt bà Gíap ráo hoảnh, bà bảo đã khóc cạn nước mắt vì khổ đau và uất ức. Giọng bà chậm rãi nhưng rõ ràng, mạch lạc: "Vợ chồng tôi cũng như bà con sẵn lòng hy sinh nhà cửa, đất đai để vì một đô thị Thủ Thiêm hiện đại, quy hoạch liền khoảnh, không bị da beo, nhưng với điều kiện mọi thứ phải được rõ ràng, minh bạch và đúng pháp luật với dân".
Bà Giáp tin rằng nhất định một ngày nào đó người dân Thủ Thiêm sẽ "chạm được vào chân lý". Người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm thích đáng. Những gì bị lấy đi vô lý phải được phục hồi.
Ngày đó mới chính là Tết của người Thủ Thiêm.
ĐẠI DƯƠNG