Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,468,191 lượt

Loay hoay với đèn vàng

Hôm qua, một chị bạn hỏi tôi: “Chị vẫn chưa hiểu người ta đang cãi nhau về chuyện gì xung quanh cái đèn vàng?". Tôi nhận thấy, tranh cãi chủ yếu liên quan đến 2 điểm chính: “Phạt vượt đèn vàng có đúng không?” và “Mức phạt đèn vàng bằng đèn đỏ liệu có hợp lý?”. Trong đó, câu hỏi thứ nhất được quan tâm hơn cả.

 

Vấn đề này lẽ ra không có gì để nói. Bởi việc phạt lỗi vượt đèn vàng không phải là một quy định mới. Theo Luật Giao thông đường bộ: “Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”.

 

Chỉ có điều các mức phạt trước đây thấp hơn, đồng thời lỗi vượt đèn vàng cũng bị phạt nhẹ hơn lỗi vượt đèn đỏ (vượt đèn vàng được liệt vào nhóm hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mà không phải là hành vi vượt đèn đỏ). Còn Nghị định 46 đã gộp chung các hành vi vi phạm thành một nhóm duy nhất: “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” với một mức phạt duy nhất.

 

Việc phần lớn ý kiến tranh luận “xử phạt có đúng không?” đã cho thấy những bất cập liên quan đến các quy định pháp luật ở Việt Nam. Quy định đã có từ lâu nhưng không nhiều người biết. Cách đây vài năm tôi cũng từng “cãi lý” với cảnh sát vì cho rằng mình không phạm luật, do vượt đèn vàng chứ không phải đèn đỏ. Sau khi tìm hiểu tôi mới biết mình sai. Lực lượng thực thi pháp luật cũng hiếm khi xử phạt lỗi này và ít nhắc nhở, tuyên truyền, nên một hành vi sai lại được hiểu rộng rãi là đúng luật.

 

Mặt khác, những cuộc tranh luận thường xảy ra do sự thiếu chuẩn mực trong văn bản quy phạm pháp luật. Không ít lần tôi gặp những quy định mơ hồ hoặc có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Ví dụ, mới đây, trả lời báo chí, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia khẳng định: “Từ xưa tới giờ vẫn xử phạt đèn vàng ngang với đèn đỏ”.

 

Ông Hùng trích Điểm k, khoản 4, Điều 5, Nghị định 171/2013 để lý giải việc phạt vượt đèn vàng và đèn đỏ (đối với ôtô) là như nhau: “Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng".

 

Cách giải thích của ông Hùng cũng có lý. Nhưng người ta hoàn toàn có thể hiểu khác đi rằng, điều khoản này chỉ nhằm quy định về lỗi vượt đèn đỏ. Vế sau của nó là sự loại trừ trường hợp đặc biệt của lỗi vượt đèn đỏ, chứ không phải là một quy định để phạt lỗi vượt đèn vàng.

 

Từ trước đến nay, phần đông vẫn hiểu rằng, mức phạt đối với hành vi vượt đèn vàng là thấp hơn vượt đèn đỏ: “Từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng".

 

Tôi không chắc cách hiểu nào mới đúng nhưng rõ ràng việc tồn tại những văn bản pháp luật mà hiểu, áp dụng thế nào cũng đúng (hoặc ít nhất là hiểu thế nào cũng có lý) là điều nguy hiểm, bất cập, dễ dẫn đến nhiều hệ lụy. Ở khía cạnh nào đó, nó thể hiện lỗ hổng trong việc xây dựng văn bản pháp quy ở Việt Nam.

 

Theo tôi chính “chất lượng” của các văn bản là nguyên nhân dẫn đến những cuộc tranh cãi kiểu “phạt vượt đèn vàng”. Pháp luật cũng chỉ là những quy tắc, quy ước do con người thống nhất đặt ra. Nên tôi cho rằng việc xử phạt đèn vàng hay không, và phạt đến mức độ nào thực ra không tồn tại đúng hay sai. Trên thực tế, quy định này cũng rất khác nhau giữa các quốc gia. Có nước phạt, có nước không. Nhưng điểm mấu chốt là mọi quy định phải đảm bảo tính hợp lý và chặt chẽ.

 

Ngoài ra, tôi cho rằng còn một điểm quan trọng hơn nữa cần phải đạt được, nếu muốn giảm thiểu những tranh cãi khi một quy định mới được ban hành. Đó là phải chiếm được niềm tin của cộng đồng rằng những quyết định được đưa ra hoàn toàn vì lợi ích của cộng đồng, chứ không phải vì mục đích nào khác. Mới đây, bạn tôi kể, anh điều khiển ôtô lưu thông khi đèn xanh vẫn còn vài giây, nhưng lại bị cảnh sát giao thông dừng xe định xử phạt vì lỗi vượt đèn vàng. Chỉ đến khi anh bật camera hành trình để chứng minh thì mới được chấp nhận.

 

Trong khi đó, ở Australia việc xác định lỗi không chấp hành đèn tín hiệu thường được thực hiện bởi các camera tự động, chứ không phải con người. Nhưng các camera này cũng được lập trình để chỉ kích hoạt khi lái xe vẫn vi phạm sau khi đèn tìn hiệu đã chuyển sang màu đỏ từ 0,3 giây trở lên. Còn khi vượt đèn trong tích tắc (dưới 0,3 giây) vẫn được tính là không vi phạm. Như vậy, có thể thấy quy định được đặt ra không phải để chăm chăm xử phạt trong mọi tình huống, mà chỉ để trừng phạt những người cố tình coi thường, vi phạm.

 

Chừng nào chúng ta chưa đạt được sự chuẩn mực trong cả việc ban hành cũng như thực thi luật, chúng ta sẽ vẫn phải lao vào những cuộc tranh cãi tốn công sức và hoàn toàn vô bổ.

PHAN TẤT ĐỨC

Top