Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,463,464 lượt

Công bộc của dân, đừng nghĩ đến đặc quyền!

Câu chuyện phu nhân Bộ trưởng Bộ Công Thương được xe biển xanh đón tận chân cầu thang máy bay vào chiều 4-1 đã gây xôn xao dư luận mấy hôm nay.

 

Trên mạng xã hội cũng xuất hiện công văn của Bộ Công Thương gửi Cảng vụ hàng không miền Bắc và các cơ quan có thẩm quyền về việc: Tạo điều kiện để đón Bộ trưởng tại sân đổ máy bay và nhà ga VIP A. Thế nhưng, vào thời điểm này, Bộ trưởng không đi công vụ như công văn kia mà có mặt tại trụ sở Bộ Công Thương để trao quyết định nhân sự cấp vụ của Bộ này.

 

Sự việc xảy ra đã mấy hôm nhưng chưa thấy Bộ Công Thương và cá nhân Bộ trưởng lên tiếng phủ nhận hoặc xác nhận.

 

Chính sự im lặng khó hiểu này nên dư luận đặt câu hỏi: "Có hay không việc Bộ Công Thương "mượn" danh của Bộ trưởng để "phục vụ" phu nhân Bộ trưởng?".

 

Câu hỏi này không phải không có lý vì phu nhân Bộ trưởng không phải là đối tượng để được phục vụ bằng xe công vụ (biển xanh), được đón tận sân đỗ máy bay và nhà ga VIP của sân bay quốc tế Nội Bài.

 

 

Nói rộng ra, ai cũng biết xe mang biển kiểm soát màu xanh (người dân hay gọi là xe biển xanh) là xe dùng vào mục đích công vụ. Thế nhưng, chuyện sử dụng tài sản công, xe công vào mục đích riêng tư, đưa các "phu nhân" đi chợ, đi chùa, thậm chí cả đoàn xe biển xanh đi ăn cưới, ăn giỗ, trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

 

Không ít các "cậu ấm, cô chiêu" cũng được xe công đưa đón đi học. Vào các dịp lễ, Tết, không khó để bắt gặp hình ảnh xe biển xanh đậu ở các đền, miếu, chùa khắp cả nước. Báo chí đã nhiều lần lên tiếng phản ảnh nhưng tình trạng này vẫn xảy ra nhiều lần với nhiều cấp độ khác nhau. Thậm chí, chuyện dùng xe công phục vụ cho quan chức và người nhà của các vị này trở thành "luật bất thành văn". Nhiều người coi đó là những đặc ân, đặc quyền dành cho quan chức và người nhà.

 

Nói thẳng, điều này đi ngược hoàn toàn với tư tưởng của Đảng và Bác Hồ.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy cán bộ, đảng viên từ khi nước nhà mới giành độc lập. Người nói: Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để "đè đầu dân" như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Tư tưởng của Bác Hồ cho thấy cán bộ, đảng viên là phải vì dân, chăm lo đời sống cho dân chứ không phải làm "quan cách mạng", hưởng bổng lộc.

 

Mười hai năm qua, từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 06/CT-TW tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tinh thần vì dân, phục vụ nhân dân đã được triển khai đến cán bộ, đảng viên từ người không có chức vụ đến người giữ chức vụ cao. Tiếc thay, vẫn còn không ít trường hợp làm "quan cách mạng" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quan niệm về "một người làm quan, cả họ được nhờ" vẫn còn bám víu vào không ít gia đình, dòng họ "quan chức".

 

Việc sử dụng tài sản công phục vụ cho việc riêng của quan chức và người nhà, không chỉ trái với tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ và Đảng, mà còn là hành vi tham nhũng tài sản công. Luật Phòng chống tham nhũng 2018 (có hiệu lực từ 1-7-2019), ngay tại điểm i, khoản 1 điều 2 đã quy định: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi". Trước đó, trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 (sẽ hết hiệu lực từ ngày 1-7-2019), tại khoản 9, điều 3 cũng quy định: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi".

 

Như vậy, Luật Phòng chống tham nhũng đã định danh đối với hành vi sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi của người có chức vụ, quyền hạn là tham nhũng. Thế nhưng, rất tiếc từ trước giờ ít có quan chức nào bị xử lý hành vi tham nhũng liên quan đến việc sử dụng tài sản công. Cũng chưa từng có quan chức nào từ chức hoặc bị cách chức vì lợi dụng chức vụ quyền hạn sử dụng tài sản công cho bản thân hoặc gia đình, dòng họ.

 

Nhìn sang các nước, quan chức hoặc người nhà của họ lợi dụng quyền chức để sử dụng tài sản công cho mục đích riêng, lập tức bị xử lý hoặc phải từ chức. Đơn cử, Thống đốc Tokyo Yoichi Masuzoe phải từ chức vào tháng 6-2016 khi bị phát hiện sử dụng công quỹ chi tiêu riêng vào các kỳ nghỉ cá nhân, đi công tác trên khoang máy bay hạng sang và ở khách sạn cao cấp. Tương tự, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người Tom Price (Hoa Kỳ) từ chức vào ngày 29-9-2017 do liên quan đến bê bối thuê máy bay tư nhân tốn kém để đi công tác. Gần đây nhất, tháng 8-2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật Bản Yoshimasa Hayashi phải xin lỗi vì sử dụng xe công đến một phòng tập yoga.

 

Từ câu chuyện lùm xùm mấy ngày qua, Chính phủ cần ban hành chỉ thị nghiêm cấm tất cả quan chức từ thấp đến cao sử dụng chức vụ của mình hoặc để cho cơ quan mình lợi dụng chức vụ của người đứng đầu lấy tài sản công, nhất là xe công phục vụ mục đích riêng. Nếu cá nhân, cơ quan nào vi phạm sẽ bị xử lý bằng hình thức cách chức.

 

Và, để xứng đáng là công bộc của dân, cán bộ dù giữ cương vị nào cũng nên tự mình loại bỏ ngay tư tưởng đặc quyền, đặc lợi.

 

Khi ấy nói dân mới tin!

LÂM HOÀNG/ NLĐ

Top