Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,584 lượt

AI và giá trị của bạn

Không giỏi định hướng đường sá nên đi đâu tôi cũng cần Google Maps. Kể cả những tuyến đường đã thuộc lòng, tôi vẫn mở Google Maps để lỡ có quẹo lộn thì Google vẫn sẽ chỉ tôi đến nơi.

Nhưng chồng tôi thì khác. Anh chỉ dùng Google Maps vài lần và luôn cố gắng ghi nhớ đường đi, nếu lạc, anh sẽ dùng bảng chỉ dẫn trên đường hoặc khung cảnh xung quanh để đoán hướng rồi lần ra từ từ.

Tôi đã không mấy để ý đến chuyện này, coi nó như những hành vi khác nhau, chủ yếu liên quan đến thói quen. Nhưng từ khi thành tựu AI bùng nổ qua các sản phẩm giàu tính ứng dụng, tôi bắt đầu loay hoay tìm câu trả lời cho chính mình, vì như rất nhiều người, tôi thấy cả mặt lợi và hại của AI.

Con người đã có những bước tiến rất xa trong khoa học kỹ thuật, nhưng nếu nhìn kỹ thì không phát minh nào chỉ có mỗi mặt lợi. Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng giúp chúng ta tiếp cận thông tin nhanh chóng và dễ dàng nhưng cũng lấy đi nhiều thứ khác: kỹ năng tương tác xã hội, kỹ năng đọc sách, viết, giao tiếp, đọc bản đồ, sự kiên nhẫn… nhất là ở giới trẻ. Xe hơi giờ đây đi nhanh hơn và có nhiều tiện ích tích hợp hơn như nghe nhạc, gọi điện qua bluetooth, thậm chí không cần người lái. Nhưng cái giá phải trả cho những tiện ích này là sự an toàn của chính mình khi tài xế dễ mất tập trung hơn và máy móc thì vẫn có thể mắc lỗi.

Trở lại câu chuyện về Google Maps. Tôi không còn hồn nhiên coi đó là một thói quen, mà bản chất là một lựa chọn đánh đổi. Để đổi lấy sự tiện nghi, dễ dãi, tôi để cho khả năng định hướng đường sá của mình ngày càng thui chột và đánh mất sự tự tin trong việc xử lý tình huống. Tương tự, một học sinh không hiểu bài vẫn có thể dùng AI để đạt điểm cao, nếu em ấy chọn điểm số và sự dễ dàng hơn là kiến thức và kỹ năng. Tôi lấy những ví dụ trên để chỉ ra rằng tất cả mọi công cụ bạn chọn sử dụng đều ẩn chứa sự đánh đổi. Câu hỏi là bạn chọn đánh đổi điều gì và ở mức độ nào.

AI chỉ là công cụ và câu hỏi vẫn sẽ tương tự. Khi AI có thể giúp bạn làm văn, làm thơ, thậm chí viết sách, vẽ tranh, và có lẽ nhiều kỹ năng khác nữa trong tương lai, thì đâu là giá trị của bạn.

Thỉnh thoảng tôi nghĩ đến viễn cảnh nếu nguồn điện không còn hay bị lỗi, máy móc không hoạt động, liệu con người có đủ kiến thức và kỹ năng cơ bản để sinh tồn không khi chúng ta đã quen có AI hay máy móc làm giùm.

AI đang tồn tại như một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Khoảng thời gian “sống chung” ban đầu giữa con người và trí tuệ nhân tạo đã gợi ra nhiều điều đáng suy ngẫm. Thoạt nhìn, sự tối tân, hiện đại do công nghệ tạo ra gây cảm giác nhân loại đang phát triển, đi tới; nhưng ngẫm kỹ lại, cũng có thể ta đang đi lùi. Con người đang tiến xa về mặt tiện nghi, năng suất nhưng một bộ phận nhất định lại đang “đi lùi” trong việc tạo ra giá trị cho bản thân.

AI sẽ tiến bộ từng ngày, nằm ngoài khả năng quyết định và kiểm soát của từng cá nhân riêng lẻ. Điều chúng ta có thể quyết định và kiểm soát là sự tiến bộ của bản thân qua việc không ngừng học hỏi và trau dồi kỹ năng thay vì để mình ngày càng phụ thuộc vào AI. Tôi không phản đối AI, tôi chỉ cố gắng nhắc nhở mình mỗi khi sử dụng: tôi đang đánh đổi điều gì và ở mức độ nào, đâu là giá trị, lý tưởng sống của mình, và tôi muốn mình là người thế nào trong tương lai?

Câu hỏi này không có đáp án chung, mỗi người sẽ có một lời giải dựa trên niềm tin, giá trị, và lý tưởng sống của bản thân.

NGUYỆT QUẾ (Theo VnExpress.vn)

Top