Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,907 lượt

Lựa chọn của doanh nhân

Tôi khởi đầu tuần mới bằng loạt cuộc gọi hỏi thăm đối tác tại các nước về tình hình kinh doanh và dịch bệnh.

Công ty chúng tôi có một đại lý khá lớn tại Los Angeles, Mỹ. Tuần trước, Abe, ông chủ hãng còn khá lạc quan về tình hình dịch. Người cha của ba cô con gái gốc Do Thái với bản tính vô cùng cẩn thận tâm sự với chúng tôi rằng dịch này không đáng sợ và coi nó như một loại cúm thông thường. Song hôm qua, nói chuyện với vợ tôi qua điện thoại, Abe đã "thật sự kinh ngạc" trước những diễn biến nguy hiểm quá nhanh của dịch. Ông vừa chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa cho công ty tại Mỹ, vừa lo lắng cho Israel quê hương ông, nơi đã đóng cửa biên giới.

Yoshiteru Inoue, CEO của tập đoàn công nghiệp lớn nằm ở Kagawa, Nhật Bản kể với tôi cách chống Covid-19 của doanh nghiệp ông và các công ty Nhật khác. Họ tập trung vào điều quan trọng nhất: hướng tới nhân viên. Mọi nhân viên và gia đình họ được công ty theo dõi và chăm sóc sức khỏe chặt chẽ. Hủy tất cả các chuyến công tác, áp dụng họp online và lên phương án ứng phó khác nhau cho hoạt động của công ty nếu giả định bị lây nhiễm.

Từ Italy, Ugo Giannelli, ông chủ của nhà chế tạo thiết bị công nghiệp lâu đời ở Florence, cũng là người bạn 25 năm của tôi, nói: "Khá căng thẳng, nhưng tinh thần kỷ luật bảo vệ bản thân và cộng đồng được đưa lên mức cao nhất". Cuộc sống ở Italy hoàn toàn đảo lộn và bị kiểm soát chặt chẽ. Nhà máy chế tạo của Ugo vẫn hoạt động. Các đơn hàng từ nước ngoài vẫn gửi đến. Tuy vậy, chế độ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe công nhân được áp dụng nghiêm ngặt. Ông cho các nhân viên thao tác trên máy tính làm việc từ xa. Công nhân được chia lẻ, làm nhiều ca khác nhau trong nhà máy, tránh nhiều người cùng tập trung một lúc kể cả khi ăn giữa ca.

Donkyung Kim là bạn đồng niên với tôi trong Hiệp hội xây dựng và vật liệu xây dựng TP HCM. Kim là chủ một doanh nghiệp phân phối đèn chiếu sáng công nghệ cao, đến lập nghiệp tại Sài Gòn cách đây ba năm và nhanh chóng coi Việt Nam như quê hương thứ hai. Bẵng đi từ sau Tết, tôi không thấy tin tức gì của anh cho tới đầu tháng ba. Hóa ra anh đang ở Daegu, tâm dịch của Hàn Quốc. Kim kể nhiều về cuộc chiến giữa người Hàn với dịch.

 

 

Câu chuyện về Thủ tướng làm việc ngay tại Daegu. Các chính trị gia và chủ doanh nghiệp trong đó có Kim sẵn sàng bỏ công việc của mình để trực tiếp đến bệnh viện, tình nguyện giúp bác sĩ và bệnh nhân. Không phải tự nhiên dịch ở Daegu bị ngăn chặn nhanh như vậy nếu không có sự nỗ lực của mọi giới trong xã hội. Doanh nhân Kim viết: "Một số người không may mắn mất đi cuộc sống quý báu của mình vì virus corona, nhiều người khác đang vật lộn khó khăn trong bệnh viện, các doanh nghiệp thì bị tổn thương nặng nề. Nhưng một điều mà chúng tôi đã, đang làm và không bao giờ thay đổi trong tương lai, đó chính là niềm tin Hàn Quốc sẽ vượt qua thảm họa".

Còn ở Việt Nam, ngay sáng ngày 7/3, bạn tôi là lãnh đạo một tập đoàn trong ngành dịch vụ nhà hàng, sự kiện và trang trí nội thất đã quyết định tạm đóng tất cả các cửa hàng và cơ sở kinh doanh. Hơn 1.000 nhân viên được cho nghỉ ở nhà nhưng vẫn hưởng lương theo tùy vị trí, các loại bảo hiểm vẫn tiếp tục được đóng. Tôi hỏi anh sao quyết định sớm thế, anh nói: "phải bảo vệ nhân viên, cùng cộng đồng và chính phủ chống dịch".

Nếu các cửa hàng vẫn mở hoặc sự kiện vẫn làm thì khách cũng ít, thiệt hại cho công ty rất nhiều mà nguy cơ lây nhiễm cho người dân và chính nhân viên lại cao. Ngay trong Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP HCM, chúng tôi đang động viên lẫn nhau vừa bảo vệ bản thân vừa hỗ trợ nhau bằng cách giảm giá sản phẩm, dịch vụ. Các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ của nhau với mức ưu đãi nhất, làm mọi việc để dìu nhau vượt qua đại dịch.

Là những nhà làm kinh doanh, tôi và các đối tác, đồng nghiệp gặp nhau ở quan điểm rằng: luôn có cầu vồng trong cơn mưa. Dịch bệnh là một loại thủy triều. Khi nó rút, ta sẽ biết ai không mặc quần áo. Nó ép doanh nghiệp bộc lộ thực lực của mình. Những nơi nào làm ăn theo kiểu chụp giật, dựa dẫm lợi ích nhóm, là sân sau của ai đó hay có nguồn sống từ các hoạt động không minh bạch, những ông chủ vay nợ vô tội vạ sẽ bị lộ.

Các doanh nghiệp không có tiềm lực thực chất, sống dựa vào nguồn nuôi từ vốn vay và đảo nợ trong điều kiện khắt khe cũng bị phơi bày và thui chột. Đây có thể là một cuộc sàng lọc lớn để khi cơn bão Covid-19 qua, những doanh nghiệp hoạt động thực chất, đem lại giá trị thật cho nền kinh tế sẽ trụ lại và mạnh mẽ hơn. Tôi mường tượng một tâm thế mới cho doanh nghiệp Việt sau cơn khó. Những doanh nhân trên toàn cầu, như doanh nghiệp và người dân Italy trong đó có Ugo vẫn lạc quan về tương lai sẽ ngăn chặn được dịch trong một ngày sớm nhất. Abe cũng tin đại dịch sẽ qua nhanh và các doanh nghiệp Mỹ sẽ trở lại đà tăng trưởng vốn có.

Các doanh nhân, đối tác, bạn bè của tôi như Sven ở Na Uy, Martjin ở Hà Lan và biết bao doanh nghiệp Việt khác dù đang vật lộn với khó khăn riêng nhưng không bi quan chán nản. Họ tin rằng cùng nhau, chúng ta sẽ kéo cuộc sống trở lại bình thường, với sức bật mới. Chúng tôi cũng nói với nhau, qua đại dịch, những doanh nghiệp trụ lại sẽ có một đội ngũ nhân viên, đối tác và khách hàng trung thành, bởi ta đã cùng nhau gánh vác lúc khó khăn.

Vậy, dám đương đầu với rủi ro, luôn hướng tới cộng đồng và làm kinh doanh với tâm từ hay ngồi đó nguyền rủa bóng tối? Bước lên và chấp nhận, bạn chọn gì?

ĐINH HỒNG KỲ 

Top