Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,437 lượt

Lạm phát họp

Thời còn làm lãnh đạo trường đại học, tôi từng dự những cuộc họp vài phút. Cuộc họp này được tổ chức vì phải tuân theo quy định của Bộ Giáo dục. Đến nơi, vì các đơn vị liên quan đã làm xong hết công việc, chủ tọa hỏi ai ý kiến gì không? Không. Vậy là cuộc họp kết thúc trong vài phút. Chúng tôi nói vui đây là cuộc họp hiệu quả nhất trong năm.

 

Nhưng đằng sau đó là một chuyện khác. Nhiệm vụ phải họp kia thực ra không cần đến một ban bệ như vậy. Một mình ông trưởng đơn vị có thể hoàn tất với các tiêu chí có sẵn, và chịu trách nhiệm về kết quả đó. Vì quy định trung ương ban ra như vậy nên hội đồng phải bị triệu tập họp để chấp hành.

 

Cái sự họp ở Việt Nam vô cùng phong phú. Từ trong gia đình, có chuyện gì cũng họp. Cưới xin xong cũng họp. Giỗ chạp xong cũng họp. Đầu năm cũng họp, cuối năm họp, giữa năm cũng lại họp… Con cháu có chuyện gì cũng triệu tập họp. Mà họp căng thẳng chứ không chơi.

 

Nhưng sự họp còn đa dạng hơn ở chốn công quyền.

 

Có nhiều cuộc họp có phong bì, điều này người nước ngoài rất lạ. Phong bì xuất phát từ chuyện trích kinh phí cuộc họp cho đại biểu ăn trưa. Có nơi phong bì còn có ý nghĩa “kêu gọi” cho đủ số người đi họp bởi có những cuộc họp quy định phải đủ quá bán. Nhưng có nhiều người “ký phong bì” xong đi về.

 

Có những người, cơ quan, đơn vị lạm dụng chuyện họp. Có khi họ còn lợi dụng họp để bỏ bê công việc. Nhiều công dân đến ủy ban xã, phường được thông báo lãnh đạo đi họp. Giấy tờ, công việc của công dân bị ách lại.

 

Có nhiều nội dung chỉ cần tọa đàm hay lấy ý kiến bằng văn bản thôi song cũng được nâng lên thành cuộc họp. Đặc biệt trong thời đại công nghệ ngày nay, có nhiều việc chỉ cần gửi thông tin trước qua email, người nhận phải trả lời, cho ý kiến.

 

Trong công việc của mình, nhiều năm tôi thực hiện một số vai trò khác nhau nên cũng tham gia họp khá nhiều, với nhiều cảm xúc khác nhau.

 

Có nhiều cuộc họp là cần thiết, họ cần ý kiến của mình. Mình cũng đã chuẩn bị trước khi đến nơi, trình bày nghiêm túc, được chủ tọa lắng nghe. Nhiều đề xuất của đại biểu sau đó đi vào cuộc sống. Đó là điều tốt. Nhưng có không ít cuộc họp mình tiếc công đã dự. Có khi thì quá đông, thời gian ít, các phát biểu lan man, cuối buổi không chốt được vấn đề gì hiệu quả… Mình ra về, cảm thấy thất vọng và lãng phí thời gian, cảm thấy buồn cho những cuộc họp như vậy, tiếc vì mất công mất việc, phải đi lại, mà không chỉ cá nhân mình.

 

Có những cuộc họp ở trung tâm TP HCM, phải tập trung nhiều người ở nơi khác nhau về, mất rất nhiều kinh phí, thời gian, công sức, còn góp phần gây ách tắc giao thông. Ví dụ, ngay tại thành phố thôi cũng có không ít cán bộ phải đi từ các quận huyện từ 10-20 km như huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi. Có người đi xe máy về họp. Có khi đi đường mất hai giờ mà họp có một giờ thôi.

 

Những cuộc họp nội dung gắn liền với lợi ích, quyền lợi người đi họp thì rất sôi nổi. Còn có những cuộc họp rất hình thức, hay nhằm kiểm điểm nhau thì nhiều cán bộ không hào hứng tham gia.

 

Đó là lý do tôi hoàn toàn thấu hiểu khi người đứng đầu chính quyền TP HCM, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong lên tiếng yêu cầu giảm bớt các cuộc họp. Với vai trò người đứng đầu, có lẽ chủ tịch cũng thấm thía sự mệt mỏi vì họp.

 

Giảm họp là giảm quá tải giao thông, giảm lãng phí tiền của, thời gian, công sức của rất nhiều con người. Chìa khóa của vấn đề, theo tôi có hai việc.

 

Thứ nhất, về thể chế. Hiện hệ thống chính trị đã ý thức về vấn đề đó và tôi cho rằng sẽ triển khai sớm. Hội nghị TW 6 tới đây sẽ bàn về tổ chức cán bộ với chủ trương tinh giản bộ máy, cán bộ. Tinh gọn bộ máy sẽ phải đi liền với tăng hiệu quả làm việc. Tới đây khi TW bàn sâu về tinh gọn và tăng hiệu quả tổ chức bộ máy, thì tôi cho rằng giảm họp là một công cụ nên tập trung đầu tiên.

 

Thứ hai về phía người đứng đầu. Mỗi cơ quan từ trung ương tới địa phương nên rà soát lại việc tổ chức họp, nhưng không phải triệt tiêu các cuộc họp. Họp không phải không có giá trị, vấn đề là bố trí cho hợp lý.

 

Sự năng động, sáng tạo, trí tuệ, tài năng, sự can đảm của người đứng đầu các cơ quan đó sẽ quyết định hiệu quả tinh giản họp. Nên lồng ghép cuộc họp của các ban, sở, ngành với lãnh đạo thành phố. Trừ những cuộc họp khẩn, hay bàn các nội dung quan trọng, hoàn toàn có thể kết hợp “gút” nhiều việc trong một buổi họp như một hình thức hợp nhất các cuộc họp.

 

Và đặc biệt chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ thông tin, họp online để tiết kiệm nguồn lực. TP HCM đang triển khai đề án đô thị thông minh, điều này là rất phù hợp. Nhất là với các đồng chí lãnh đạo các quận, huyện xa.

 

Câu hỏi là làm sao người thủ trưởng cơ quan, thủ trưởng đơn vị phải được trao những quyền hạn và tự chịu trách nhiệm, dám quyết nhiều hơn. Có những cuộc họp không cần tổ chức mà người đứng đầu có thể tự quyết định. Nhưng nhiều cơ quan vẫn triệu tập họp với lý do phải “lấy ý kiến tập thể”, vì nghĩ rằng sau này có chuyện thì sẽ nói là do tập thể quyết. Thay đổi này có lẽ cần ở chính thể chế. Quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu thì chính ông sẽ bớt triệu tập họp, các ý kiến khác nếu có chỉ là tham khảo.

 

Họp là cần thiết khi chúng ta thu nạp được tinh hoa trong tư duy tập thể. Làm sao để kết thúc cuộc họp người tham gia dù mệt mà cảm thấy “đáng”. Còn họp mà chỉ để sinh ra cụm từ mà nhiều cán bộ hay nói đùa với nhau: “nghề đi họp” thì thiệt thòi cho dân quá.

TRẦN HOÀNG NGÂN

Top